10:11, 15/11/2021

Tăng cường "giữ chân" người tham gia bảo hiểm xã hội

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên số lượng người lao động đề nghị nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng cao. Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa đã tăng cường tuyên truyền để "giữ chân" người lao động ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên số lượng người lao động (NLĐ) đề nghị nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần tăng cao. BHXH tỉnh Khánh Hòa đã tăng cường tuyên truyền để “giữ chân” NLĐ ở lại hệ thống BHXH.


Số lượng nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng cao


Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh phải ngưng sản xuất hay sản xuất cầm chừng, cắt giảm nhân công hoặc tạm thời cho công nhân nghỉ việc luân phiên. Do đó, nhiều NLĐ bị mất việc làm, không có nguồn thu nhập, đời sống sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều khó khăn. Để có khoản chi tiêu trang trải cuộc sống trước mắt, số lượng NLĐ đề nghị thanh toán trợ cấp BHXH một lần tăng cao.

 

Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động.


Theo báo cáo của BHXH tỉnh, tính đến cuối tháng 10, toàn tỉnh có 17.648 NLĐ nhận BHXH một lần. So với cùng kỳ năm 2020, số NLĐ nhận BHXH một lần là 12.387 người, năm 2019 có 11.103 người. Phần lớn NLĐ nộp hồ sơ nhận BHXH một lần tập trung vào các tháng 4, 5 và 6-2021. Thực tế cho thấy, có những trường hợp bất khả kháng, không còn sức lao động, không đủ khả năng đóng BHXH tiếp, nguyện vọng hưởng BHXH một lần của NLĐ là hoàn toàn chính đáng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu đó. Tuy nhiên, nếu chỉ để giải quyết khó khăn trước mắt thì việc NLĐ nhận BHXH một lần bị thiệt thòi rất nhiều.


Ông Lê Văn Hiếu - Trưởng phòng Chế độ BHXH tỉnh cho biết, khi lựa chọn phương án thanh toán BHXH một lần, NLĐ sẽ bị mất khoảng thời gian đã đóng BHXH tính đến thời điểm nhận BHXH một lần; mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động. Mặt khác, NLĐ còn phải đối mặt với nguy cơ không còn chi phí chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện điều trị thời gian dài, sẽ bị kiệt quệ tài chính, trở thành gánh nặng đối với gia đình, xã hội…


Nỗ lực “giữ chân”


Để NLĐ tham gia và quyết định ở lại với hệ thống BHXH, công tác tư vấn cho NLĐ đóng vai trò rất quan trọng. Qua tư vấn giúp NLĐ thấy được lợi ích và tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, không bị gián đoạn thời gian đóng BHXH để bảo đảm quyền lợi của mình. Sau 11 năm tham gia BHXH, khi nghỉ làm tại một khách sạn ở Nha Trang, anh Nguyễn Minh Luận (phường Phước Hải, TP. Nha Trang) dự định nhận số tiền BHXH một lần hơn 80 triệu đồng để kinh doanh quán cơm. Tuy nhiên, nhiều lần được nghe cán bộ bảo hiểm tư vấn nên thay vì chấm dứt, anh đã bảo lưu thời gian đóng BHXH, đợi công việc kinh doanh ổn định sẽ tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Vừa qua, nhận được tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, anh Luận lại càng nhận thấy rõ hơn lợi ích của việc tham gia BHXH, đặc biệt trong hoàn cảnh không có nguồn thu nhập ổn định, dịch bệnh…


Việc NLĐ nhận BHXH một lần tăng cao không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân. Nhiều người chưa hiểu được rằng nhận BHXH một lần chỉ có thể giải quyết nhu cầu kinh tế trước mắt, nhưng về lâu dài, sẽ rất thiệt thòi khi hết tuổi lao động. Theo ông Hiếu, một trong những giải pháp “giữ chân” NLĐ ở lại hệ thống BHXH là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NLĐ về chính sách BHXH, tạo được sự đồng thuận của NLĐ để hạn chế thấp nhất việc NLĐ quyết định nhận BHXH một lần. Bên cạnh đó, cần sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần theo hướng chặt chẽ hơn; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, giúp NLĐ dễ dàng đạt được điều kiện để hưởng lương hưu, hạn chế nhận BHXH một lần; tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH, sửa đổi và bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp, việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ duy trì việc làm, sớm đưa người thất nghiệp trở lại thị trường lao động…


MAI HOÀNG