Với chức năng của một trường đào tạo sĩ quan kỹ thuật thông tin, nhiều năm qua, nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của Trường Đại học Thông tin liên lạc luôn gắn liền với các hoạt động khoa học và công nghệ.
Với chức năng của một trường đào tạo sĩ quan kỹ thuật thông tin, nhiều năm qua, nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của Trường Đại học Thông tin liên lạc luôn gắn liền với các hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN).
Nghiên cứu nhiều đề tài, công trình khoa học.
Mới đây, tại hội thi Sáng tạo KH-CN trong các học viện, nhà trường, đề tài “Gương thông minh tích hợp hệ thống Google Assistant hỗ trợ học tiếng Anh cho học viên” của nhóm tác giả Phan Trung Hiếu, Vũ Trần Nhật Nguyên (Tiểu đoàn 30, Trường Đại học Thông tin liên lạc) đạt giải nhất cấp trường. Học viên Phan Trung Hiếu cho biết, hiện nay, việc học tiếng Anh có nhiều cải tiến nhờ sử dụng kim tự điển trong việc tra cứu từ vựng. Việc tra cứu bằng giọng nói có thể tiết kiệm thời gian cho người học. Chính vì thế, nhóm đã nghiên cứu kết hợp gương 2 chiều thông minh, hệ thống trợ lý ảo Google Assistant, tạo sự tương tác giữa máy với người học. Từ đó, tạo thuận lợi cho việc học tập, tra cứu, giao tiếp, nâng cao các kỹ năng đọc, nghe, nói tiếng Anh của học viên... Theo anh Hiếu, đây là sản phẩm dễ chế tạo, phù hợp nhu cầu học tập; giá thành rẻ (7,5 triệu đồng), đáp ứng nhu cầu tự học của 1 trung đội (25-30 người/ngày)...
Trước đó, đề tài “Nghiên cứu giải pháp nâng cao năng lực thực hành sư phạm của giảng viên trẻ ở Trường Sĩ quan thông tin hiện nay” của Thiếu tá, Thạc sĩ Lê Quang Hòa đã đạt giải nhất Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân năm 2020. Đề tài đã cung cấp những luận cứ khoa học và các nội dung, giải pháp tổ chức thực tiễn giúp lãnh đạo, chỉ huy của nhà trường đề xuất các chủ trương, biện pháp nhằm phát triển năng lực thực hành sư phạm cho giảng viên trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo...
5 năm qua, nhà trương còn có hàng loạt đề tài được nghiên cứu và phát triển thành công như: Các trang thông tin điện tử; phần mềm về thông tin liên lạc, kỹ thuật số; phần mềm mô phỏng huấn luyện; thiết bị quang ứng dụng; hệ thống quản lý, giám sát bãi đậu xe ô tô; hệ thống nhận diện khuôn mặt; máy đo thân nhiệt, sát khuẩn tự động; thiết bị bay không người lái; sổ liên lạc điện tử...
Tiếp tục đổi mới
Theo Đại tá Dương Khánh Toàn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thông tin liên lạc, những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học của trường có bước đổi mới toàn diện từ cơ chế đến tổ chức hoạt động. Nhà trường đã cụ thể hóa các hướng nghiên cứu chính, tập trung vào nghiên cứu mô phỏng 3D các trang bị khí tài mới, phương án tác chiến để phục vụ dạy học; triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến và phần mềm quản lý điều hành công tác giáo dục đào tạo…, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng số; xây dựng nhà trường thông minh và chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo. Bên cạnh đó, nhà trường mở rộng và tăng cường hoạt động hợp tác trong giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với đối tác trong nước và quốc tế; chủ trì tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lớn cấp cơ sở, quốc gia, quốc tế; đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học… Nhà trường đã tổ chức và đạt giải cao tại các hội thi, giải thưởng cấp tỉnh, cấp binh chủng và toàn quân. Ngoài ra, hội thi sáng tạo KH-CN, cuộc thi Cuộc đua số của trường cũng tạo sân chơi trí tuệ bổ ích, thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên tham gia...
Thời gian tới, nhà trường tập trung nghiên cứu, cải tiến trang bị thông tin, các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khai thác, vận hành hệ thống thông tin liên lạc; nghiên cứu, làm chủ các công nghệ mới, công nghệ nền tảng quan trọng (AI, FPGA...); chủ động tham gia vào thị trường phát triển, gia công phần mềm trong nước và thế giới; xây dựng và cung cấp các gói dịch vụ công nghệ thông tin cho quân đội và thị trường; thành lập cơ sở tiếp thị, phát triển sản phẩm và gia công phần mềm tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội tạo cầu nối thu hút nhân lực, tạo việc làm cho đơn vị....
V.L