Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến doanh nghiệp, người lao động gặp nhiều khó khăn, nhất là khi phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 và Quyết định số 23 quy định về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó do dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ) gặp nhiều khó khăn, nhất là khi phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 và Quyết định số 23 quy định về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó do dịch Covid-19.
Mong sớm được nhận hỗ trợ
Anh Vũ Hồng Quang (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) là đầu bếp của một khách sạn 5 sao trên đường Trần Phú. Do khách sạn không có khách du lịch nên anh phải nghỉ việc không lương hơn 2 tháng nay, khách sạn chỉ hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng. Để có tiền trang trải cuộc sống, anh đã xin vào làm ở một cơ sở nấu ăn tại phường Phước Hòa nhưng công việc cũng thất thường. “Khi nào có tiệc thì họ gọi tôi đi làm, trả công theo ngày khoảng 200.000 đồng. Hiện nay, thực hiện giãn cách xã hội nên cơ sở nấu ăn phải dừng hoạt động. Tôi chỉ mong địa phương xem xét và sớm triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ để có điều kiện lo cho cuộc sống lúc khó khăn”, anh Quang chia sẻ.
Hơn 2 tháng nay, ông Nguyễn Ngọc Thuận (tổ dân phố số 6, phường Phương Sơn, TP. Nha Trang) làm nghề xe ôm cũng bị giảm sâu về thu nhập. Hiện nay phải giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, ông phải ở nhà. Ông lo những ngày tới không biết lấy gì trang trải cuộc sống nên rất trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương.
Các DN cũng rơi vào tình trạng khó khăn. Ông Nguyễn Thái Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Quyết Thắng Nha Trang cho biết, dịch bệnh khiến hoạt động của công ty không có lãi. Vì nhiệm vụ, xe vẫn phải chạy, có nhiều chuyến chạy không có khách. Đặc biệt, kể từ ngày 9-7, công ty phải dừng toàn bộ hoạt động xe buýt tuyến liên huyện, liên tỉnh. Đơn vị đã cho hơn 200 NLĐ nghỉ việc không lương trong khoảng thời gian tạm dừng hoạt động. Đơn vị rất mong UBND tỉnh và các sở, ngành sớm triển khai gói chính sách hỗ trợ để NLĐ được hưởng. Đồng thời, xem xét hỗ trợ DN để có kinh phí tái hoạt động trở lại khi hết giãn cách xã hội.
Gấp rút triển khai
Nghị quyết 68 ngày 1-7 của Chính phủ và Quyết định số 23 ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. UBND tỉnh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu nội dung của nghị quyết để chủ động thực hiện các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh những nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, một trong những vấn đề người thụ hưởng quan tâm nhất chính là thủ tục, hồ sơ nhận hỗ trợ để tiếp cận được chính sách. Qua đó, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, bảo đảm đời sống và an toàn cho NLĐ... Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã xây dựng kế hoạch triển khai và đang lấy ý kiến của các sở, ngành, địa phương. Đồng thời, sở sẽ hoàn chỉnh trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Trên cơ sở đó, gấp rút triển khai, đưa chính sách đến đúng đối tượng, kịp thời hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động.
|
VĂN GIANG