10:06, 08/06/2021

Nhiều công trình thủy lợi cần nâng cấp

Hiện nay, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã xuống cấp, cần nguồn vốn lớn để đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Trong tình hình khó khăn về ngân sách, UBND tỉnh đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tham gia vay vốn từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới để thực hiện.

 

Hiện nay, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã xuống cấp, cần nguồn vốn lớn để đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Trong tình hình khó khăn về ngân sách, UBND tỉnh đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) về việc tham gia vay vốn từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) để thực hiện.


Vừa thiếu vừa xuống cấp


Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 31 hồ chứa nước, trong đó có 28 hồ thủy lợi và 3 hồ thủy điện với tổng dung tích trữ nước khoảng 216 triệu m3. Các hồ này kết hợp với hơn 110 đập dâng, 63 trạm bơm và hơn 2.200km kênh... đang phục vụ tưới cho khoảng 20.000ha lúa và cây trồng khác; cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, sinh hoạt với hơn 61.000m3/ngày đêm. Đồng thời, góp phần giảm lũ, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du.

 

Sửa chữa, gia cố tràn xả lũ hồ chứa nước Đồng Bò (xã Phước Đồng) vào năm 2019.

Sửa chữa, gia cố tràn xả lũ hồ chứa nước Đồng Bò (xã Phước Đồng) vào năm 2019.


Theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh, hơn 70% hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ trước năm 2000. Trong đó, đa số các hồ đã qua thời gian khai thác dài và chưa được đầu tư nâng cấp. Do đó, hiện trạng công trình đã và đang xuống cấp, giảm khả năng tích nước và phòng lũ kém…


Cũng theo cơ quan chuyên môn, những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2014 đến nay, tình hình mưa lũ, hạn hán thường xuyên xảy ra, các công trình thủy lợi chịu tác động lớn, dẫn tới xuống cấp, hư hỏng nhiều hơn. Điều này gây nguy cơ đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ du và vùng hưởng lợi.


Ở một khía cạnh khác, theo tính toán, nhu cầu nước mỗi năm trên địa bàn tỉnh cần 1,2 tỷ m3. Nhưng hiện nay, hệ thống thủy lợi mới chỉ đáp ứng được khoảng 550 triệu m3. Dự báo đến năm 2035, nhu cầu nước sẽ là 1,5 tỷ m3. Như vậy, mức thiếu hụt sẽ nâng lên hơn  800 triệu m3 nước.


Xin được vay vốn WB


Theo UBND tỉnh, được sự quan tâm hỗ trợ từ Trung ương, 11 hồ chứa nước thủy lợi đã và đang được đầu tư sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm an toàn đập. 3 hồ chứa (Đá Bàn, Cam Ranh, Suối Dầu) đang trình các bộ, ngành xem xét, hỗ trợ để thực hiện đầu tư từ nguồn vốn Trung ương trong giai đoạn 2021 - 2025.


Như vậy, toàn tỉnh hiện còn 14/28 hồ chứa thủy lợi chưa được đầu tư, nâng cấp. Đặc biệt, 3 hồ chứa nước  (Hoa Sơn, Am Chúa, Suối Sim) đã và đang xuống cấp, hư hỏng một số hạng mục công trình do thời gian sử dụng quá dài, ảnh hưởng an toàn công trình. Theo tính toán, 3 hồ chứa này cần khoảng 310 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp, đầu tư một số hạng mục như: Nâng cấp trận xả lũ chính, bổ sung tràn lũ sự cố; nâng cấp cống lấy nước; lắp đặt bổ sung các thiết bị quan trắc… Bên cạnh đó, một số công trình cần được sửa chữa, nâng cấp như: Hệ thống kênh chính Nam hồ chứa nước Suối Dầu; hệ thống kênh chính Cầu Đôi Suối Dầu và hệ thống kênh N2T trước và sau đập Cùng; trang bị, lắp đặt thiết bị giám sát vận hành, hệ thống thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du, hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng cho các hồ chứa nước: Hoa Sơn, Đá Đen, Suối Dầu, Tà Rục, Suối Hành, Am Chúa… Tổng kinh phí thực hiện các hạng mục này hơn 100 tỷ đồng.


Ngày 26-5, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ NN-PTNT về việc vay vốn WB giai đoạn 2021 - 2025 để sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi nêu trên. Cụ thể, tổng mức đầu tư dự kiến là 420 tỷ đồng. UBND tỉnh đề xuất tổng vốn vay WB là 336 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách địa phương là 84 tỷ đồng. Trong phần vốn vay WB, phần Trung ương cấp phát 30% tương đương 100,8 tỷ đồng, địa phương vay lại 70% tương đương 235,2 tỷ đồng. UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT phối hợp với Bộ NN-PTNT xây dựng Đề xuất dự án tham gia triển khai thực hiện dự án vay vốn WB giai đoạn 2021 - 2025.


Hồng Đăng