Nhà báo là những người luôn có mặt đầu tiên trên mọi lĩnh vực. Họ có điều kiện đi nhiều, viết nhiều, tiếp xúc với nhiều người. Đằng sau mỗi bài báo là những câu chuyện, cảm xúc khó quên…
Nhà báo là những người luôn có mặt đầu tiên trên mọi lĩnh vực. Họ có điều kiện đi nhiều, viết nhiều, tiếp xúc với nhiều người. Đằng sau mỗi bài báo là những câu chuyện, cảm xúc khó quên…
Làm báo trong dịch Covid-19
Gần 15 năm làm báo, phụ trách mảng y tế, tôi có nhiều kỷ niệm buồn vui với nghề, nhưng có lẽ đợt phản ánh tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh là những kỷ niệm khó quên nhất.
Đợt ấy, vào ngày 30 Tết, khi tôi đang về quê cùng gia đình chuẩn bị bữa cơm tất niên thì nhận được thông tin có 2 cha con người Trung Quốc - 2 ca mắc Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam đã từng ghé TP. Nha Trang. Đang nấu đồ ăn tôi đành bỏ dở, tập trung khai thác thông tin và viết tin gửi về toà soạn. Đến 8 giờ tối, khi ai nấy đang náo nức chuẩn bị đón giao thừa, biết được thông tin có một khách Trung Quốc đang bức xúc, phản ứng thái quá với bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, tôi lại đành bỏ lỡ lời hứa dẫn con đi dạo chợ Tết. Lấy được thông tin từ lãnh đạo bệnh viện, cùng sự hỗ trợ của đồng nghiệp, tôi tức tốc tác nghiệp bằng điện thoại để gửi bài về báo.
Mùng 4 Tết, về tới Nha Trang, nơi tôi xông đất đầu tiên chính là khu cách ly của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh. Sau đó là những chuỗi ngày chạy theo các sự kiện nóng để phản ánh tình hình dịch bệnh Covid-19, nhất là khi tỉnh Khánh Hòa ghi nhận ca mắc đầu tiên. Đợt đó, rất nhiều người ngại và sợ đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh - nơi điều trị ca dương tính và các ca nghi ngờ khác, nhưng tôi và các đồng nghiệp ở các báo khác thì phải thường xuyên có mặt ở nơi này. Để bảo vệ mình và gia đình, mỗi khi từ bệnh viện về, tôi đều phơi áo khoác, mũ bảo hiểm trên xe, tự cách ly với chồng. Trong chuỗi ngày căng thẳng đó, tôi và những đồng nghiệp cũng có những khoảnh khắc đáng nhớ khi là người trực tiếp gặp gỡ làm tin ca dương tính Covid-19 đầu tiên ở Khánh Hòa đã được điều trị khỏi.
Thảo Ly
(Phóng viên Báo Khánh Hòa)
Mồ hôi trên áo người đồng đội
Trưa 5-9-2018, vụ dùng súng cướp tại phòng giao dịch một ngân hàng ở thị xã Ninh Hòa gây rúng động dư luận. Ngay sau khi nhận lệnh từ lãnh đạo, tôi và một phóng viên quay phim đã có mặt ở hiện trường. Thông tin ban đầu về vụ cướp được chúng tôi xử lý và được phát sóng ngay trong bản tin 113 online trên kênh ANTV lúc 15 giờ cùng ngày với hy vọng người xem có thể nhận dạng những kẻ gây án, giúp cơ quan công an điều tra, truy xét.
Đây là vụ cướp ngân hàng đầu tiên xảy ra ở Khánh Hòa, nhóm cướp gồm 2 đối tượng dùng súng bắn uy hiếp nhân viên và cướp đi khoảng 4,5 tỷ đồng. Vụ án thu hút sự quan tâm lớn của báo chí và dư luận. Ban Giám đốc Công an tỉnh khi ấy đã lập chuyên án khẩn trương điều tra, truy xét. Gần 9 giờ tối hôm sau, chúng tôi lại nhận được lệnh ra thị xã Ninh Hòa. Thông tin mà chúng tôi có được là Ban chuyên án đã bắt được 2 nghi can gây án. Chúng tôi tới Công an thị xã Ninh Hòa đã gần 22 giờ. Lãnh đạo Ban chuyên án và các mũi trinh sát tham gia đang hội ý. Nhìn những gương mặt phờ phạc, những đôi mắt trũng sâu, tôi không khỏi xúc động xen lẫn cảm phục. Tôi nói đồng nghiệp quay lại hết những gương mặt ấy, càng đặc tả càng tốt. Sau đó, chúng tôi được đi theo các tổ công tác khám xét thu hồi nhiều vật chứng liên quan đến vụ án. Hôm sau, chúng tôi liên tục có các thông tin liên quan đến việc phá án của Công an tỉnh Khánh Hòa phát trên sóng ANTV và KTV. Quá trình xử lý hậu kỳ các tin, phóng sự liên quan đến vụ án, tôi xem đi xem lại nhiều lần hình ảnh các thành viên Ban chuyên án, đặc biệt là hình ảnh những chiếc áo đẫm mồ hôi của anh em trinh sát khi đi khám xét. Tuy không ai nói ra, nhưng có lẽ từ khi xảy ra vụ án đến thời điểm ấy, không một ai trong Ban chuyên án được chợp mắt.
Nếu chỉ là những tin, phóng sự ngắn đã đăng phát thì sẽ không lột tả hết những khó khăn, vất vả, hy sinh thầm lặng của lực lượng phá án. Vì thế, tôi đã đề xuất lãnh đạo xây dựng chương trình theo format Hành trình phá án của Truyền hình Công an nhân dân với tên gọi “35 giờ phá án”. Và “35 giờ phá án” đã hoàn thành sau gần 2 tháng sản xuất. Với tiết tấu nhanh, bám sát các thời điểm quan trọng, tác phẩm đã tái hiện diễn biến khẩn trương, quyết liệt, linh hoạt của lực lượng phá án. Đặc biệt, hình ảnh đặc tả chân thực những chiếc áo đẫm mồ hôi của trinh sát trong đêm khi khám xét đã gây ấn tượng mạnh với người xem, lột tả hết những khó khăn, vất vả mà lực lượng phá án trải qua. Tham dự Liên hoan Truyền hình Công an nhân dân lần thứ XII năm 2019, “35 giờ phá án” là một trong rất ít tác phẩm Hành trình phá án được Ban tổ chức tặng giải Vàng.
Văn Nhất
(Phóng viên Truyền hình an ninh Khánh Hòa)
Từ biên giới liên Triều nhớ về đất mẹ Việt Nam
Trong suốt hơn 15 năm làm báo, tôi chưa từng nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ đến biên giới của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên - một đất nước có thể nói là “bí ẩn” nhất thế giới. Thế nhưng, điều đó đã đến một cách bất ngờ và tràn đầy cảm xúc!
Tháng 11-2019, tôi tham gia đoàn khảo sát du lịch Hàn Quốc theo lời mời của doanh nghiệp du lịch. Khi đã đặt chân lên nước bạn, tôi cũng như các thành viên trong đoàn hết sức vui mừng khi được phía đối tác cho biết đoàn sẽ được đến tỉnh Gyeonggi ở biên giới liên Triều. Lịch trình của đoàn ở Gyeonggi là sẽ thăm Imjingak - khu công viên tưởng niệm chiến tranh Triều Tiên, đường ngầm số 3 (1 trong 4 đường hầm do Triều Tiên đào xuyên qua dưới khu phi quân sự) và Bàn Môn Điếm. Tuy nhiên, do trời đổ mưa lớn nên cuối cùng đoàn chỉ được thăm Imjingak.
Imjingak được Hàn Quốc xây dựng năm 1972 với một tòa nhà trung tâm trưng bày giới thiệu các hình ảnh, tư liệu về cuộc chiến tranh Triều Tiên. Bao quanh là quần thể công viên trưng bày hiện vật, đài tưởng niệm… Theo hướng dẫn của hướng dẫn viên, tôi đến đài quan sát đặt trên tòa nhà trung tâm, bỏ đồng xu 500 won để được nhìn thấy đất Triều Tiên qua kính viễn vọng. Sát biên giới nên cả hai bên đều không có nhiều công trình xây dựng, chỉ có những cánh đồng đang vào vụ thu hoạch với những cuộn rơm trên đồng. Rời tòa nhà, tôi đặt chân lên đoạn đường sắt Geyonggi từng nối hai miền Triều Tiên. Ở đó có đầu máy xe lửa bị đánh bom khi đang trên đường đến Bình Nhưỡng lỗ chỗ vết đạn. Đi xuyên qua toa tàu (dựng lại), tôi đến mép chiếc cầu gãy bắc qua sông Imjin của tuyến đường sắt năm xưa, nay chỉ còn trơ trọi lại trụ cầu được giữ nguyên như một chứng tích chiến tranh.
Ở Imjingak có đài tưởng niệm Mangbaedan tưởng nhớ những người đã ra đi vì chiến tranh liên Triều. Đây cũng là nơi những người Hàn Quốc có quê quán ở Triều Tiên hoặc người thân vẫn còn ở miền Bắc, thực hiện các nghi lễ tổ tiên và cúi lạy về hướng quê cũ trong những dịp lễ lớn. Mỗi khi có người thân ở Triều Tiên ra đi thì người Hàn lại đến đây đặt một bông cúc trắng để tưởng nhớ. Cũng ở khu công viên này, người Hàn Quốc treo vô vàn dải băng ghi lời nguyện ước về hòa bình. Hơn 65 năm đã qua kể từ hiệp định đình chiến 1953, người dân hai miền trên bán đảo Triều Tiên vẫn mơ giấc mơ hòa bình, thống nhất!
Trong chiều mưa ở Imjingak, tôi lại nghĩ về đất mẹ! Việt Nam cũng đã từng 21 năm chia cắt (1954 - 1975) với bao đau thương, bao gia đình ly tán. Tuy nhiên, sau bao gian khổ, đấu tranh, mất mát hy sinh, người Việt Nam đã thống nhất đất nước. Giây phút ấy lòng tôi rưng rưng xúc động khi nhớ lại lời dạy của Bác Hồ: Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!
XUÂN THÀNH
(Phóng viên Báo Khánh Hòa)
Ăn bụi ngủ bờ
Hơn 10 năm làm báo, cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in lần cùng nhà báo Đình Lâm (Báo Khánh Hòa) trà trộn vào nhóm phu khai thác quặng từ tỉnh Lâm Đồng xuống, cùng họ ở lại trong rừng Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh) 1 tuần làm phu đào quặng để thực hiện loạt bài điều tra “Nhức nhối nạn quặng tặc”. Hay những lần xuyên đêm cùng nhà báo Xuân Thành (Báo Khánh Hòa) bám theo đoàn xe chở gỗ lậu, vào tận rừng sâu Đa Rao (xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh) để thực hiện loạt bài điều tra “Rút ruột rừng Khánh Thượng”. Rồi những lần ăn bụi, ngủ bờ để thực hiện các bài viết: “Lao theo giấc mộng kỳ nam”, “Xáo tung rừng vì… xáo tam phân”…
Mới đây nhất, phóng sự “Rầm rộ phá rừng, chiếm đất” cũng để lại cho tôi kỷ niệm khó quên khi nhiều ngày bám rừng căm xe Ninh Tây để thu thập thông tin về nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Để thực hiện bài viết này, ban ngày tôi lân la, tìm hiểu từ người dân, lực lượng bảo vệ rừng về khu vực, cách thức hoạt động của các đối tượng khai thác rừng trái phép, tiếp cận đối tượng lấn chiếm đất rừng. Đêm đến, có khi tôi đi cùng lực lượng chức năng, có khi lại “cải trang”, lội bộ một mình vào rừng để “mật phục” ở những điểm có khả năng bị xâm hại. Giữa màn đêm tĩnh mịch, tôi lắng nghe từng tiếng máy cưa cây, từng tiếng xe máy vận chuyển gỗ. Có khi tôi dò dẫm khắp rừng mà không dám bật đèn pin vì sợ bị phát hiện; có khi té ngã sóng soài khi chạy thật nhanh để đến được gần nơi có tiếng máy cưa cây; có lúc nằm im trong lùm cây để quan sát các đối tượng vận chuyển gỗ ngang qua… Sau gần 1 tuần bám rừng căm xe Ninh Tây, đi một số địa bàn đang “nóng” chuyện phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, tôi đã thực hiện xong bài phóng sự.
Mỗi lần thâm nhập thực tế, tôi lại có thêm nhiều trải nghiệm, vốn sống mới. Chắc hẳn, nếu không làm báo, không may mắn được gắn bó với Báo Khánh Hòa, tôi sẽ không có những kỷ niệm khó quên ấy.
HẢI LĂNG
(Phóng viên Báo Khánh Hòa)