10:04, 24/04/2019

Tuân thủ pháp luật để phát triển bền vững

Ngành chế biến gỗ cả nước hiện có hàng triệu lao động tham gia và đang đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro trong lao động. Do vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phát động chiến dịch thanh tra lao động năm 2019 với chủ đề "Tuân thủ pháp luật lao động để phát triển bền vững ngành chế biến gỗ".

Ngành chế biến gỗ cả nước hiện có hàng triệu lao động tham gia và đang đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro trong lao động. Do vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã phát động chiến dịch thanh tra lao động năm 2019 với chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động để phát triển bền vững ngành chế biến gỗ”.


Gỗ và lâm sản là ngành xuất khẩu quan trọng đứng thứ 6 của Việt Nam, với sự tăng trưởng bình quân 13% trong giai đoạn 2010 - 2017. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đứng đầu ASEAN và thứ 5 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu gỗ. Lý do mà Bộ LĐ-TB-XH chọn ngành chế biến gỗ cho chiến dịch năm nay vì số lượng lao động trong lĩnh vực trồng rừng, cung cấp nguyên liệu, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản hiện rất lớn, tới hàng triệu lao động tham gia. Theo Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH, đa số các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ trong nước còn sử dụng công nghệ cũ, máy móc thiết bị lạc hậu và lực lượng lao động, trình độ lao động giản đơn, làm việc theo mùa vụ dẫn đến tình hình tuân thủ pháp luật lao động trong ngành này còn nhiều hạn chế. Việc vi phạm pháp luật lao động không những ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của người lao động mà còn giảm năng suất, giảm tính cạnh tranh của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ ở cả thị trường trong nước và trên thế giới.

 

Hoạt động chế biến gỗ tại Công ty Cổ phần Gỗ Việt Đức.

Hoạt động chế biến gỗ tại Công ty Cổ phần Gỗ Việt Đức.


Chiến dịch là sáng kiến của Bộ LĐ-TB-XH và tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) với phương pháp tiếp cận chiến lược của cơ quan thanh tra lao động, qua đó đảm bảo sự tuân thủ pháp luật mà các khách hàng của ngành chế biến gỗ mong muốn cũng như cần thiết đối với người lao động. Kết quả thanh tra từ năm 2016 đến 2018 đối với các doanh nghiệp gỗ tại một số tỉnh, thành phố cho thấy, có nhiều sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật và quy định lao động, như: số giờ làm thêm, hợp đồng lao động, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, những yếu tố nguy hiểm, độc hại chưa được kiểm tra chặt chẽ để có giải pháp ngăn ngừa, gây mất an toàn và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.


Theo ghi nhận của Thanh tra Sở LĐ-TB-XH một số tỉnh, thành phố, các công đoạn của ngành chế biến gỗ đều ẩn chứa nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như: công đoạn cưa, xẻ gỗ thành khối, pha chế theo mẫu, gia công và hoàn thiện sản phẩm, phun sơn. Đối với máy móc, trang thiết bị có nguy cơ liên quan an toàn vệ sinh lao động cần chú ý là: máy bào, máy cưa đĩa, máy phay đứng…

Trong ngành chế biến gỗ, bụi phát sinh trong quá trình lao động có thể gây ra bệnh hen phế quản, bệnh viêm da, ung thư; hỏa hoạn, cháy nổ. Ngoài ra người lao động thường xuyên lao động trong môi trường trơn trượt, vấp phải công cụ máy, thiết bị, mẫu gỗ thừa, chất lỏng, mặt sàn trơn, không bằng phẳng, bị hư hại nên dễ té ngã. Một nguy cơ khác cần lưu ý là tiếng ồn cũng gây ra nhiều bệnh nghề nghiệp liên quan cho người lao động.


Chiến dịch được thực hiện từ tháng 1-2019 đến tháng 12-2019, bao gồm chuỗi các hoạt động như: hoạt động tuyên truyền, thanh tra; hoạt động hướng dẫn cải thiện tuân thủ và đào tạo, tập huấn; hướng dẫn theo dõi, xử lý các vấn đề không tuân thủ sau thanh tra và đánh giá tổng kết.


Tại Khánh Hòa, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH đã khảo sát các doanh nghiệp trên lĩnh vực chế biến gỗ chủ yếu tập trung tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ và sẽ triển khai hoạt động thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động ở một số nội dung như: hợp đồng lao động; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; tiền lương; bảo hiểm xã hội; kỷ luật lao động, đối thoại tại nơi làm việc; lao động đặc thù (lao động nữ, lao động chưa thành niên) và công tác an toàn, vệ sinh lao động từ tháng 4-2019 đến tháng 10-2019. Từ đó đưa ra các giải pháp nhằm ngăn ngừa tai nạn lao động; giúp đỡ các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ quản lý tốt lao động và thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa.


Nguyễn Thị Thanh Hoa
(Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH)