Tuy mới triển khai thí điểm được 5 tháng, nhưng kết quả hoạt động của 7 trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án nhân dân (viết tắt là trung tâm) 2 cấp tỉnh đã cho thấy hiệu quả bước đầu.
Tuy mới triển khai thí điểm được 5 tháng, nhưng kết quả hoạt động của 7 trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án nhân dân - TAND (viết tắt là trung tâm) 2 cấp tỉnh đã cho thấy hiệu quả bước đầu.
Tỷ lệ số vụ hòa giải, đối thoại thành công cao
Lúc mới tới trung tâm Nha Trang, anh L.N.Đ và chị P.T.Đ.T đều tỏ ra quyết tâm ly hôn sau 5 năm chung sống với nhiều bất đồng về quan điểm sống, nuôi dạy con. Hòa giải viên từ tốn hỏi chuyện học hành của con cái, khơi gợi các kỷ niệm đẹp về gia đình, phân tích 2 con cần sự chăm sóc, yêu thương của cả cha lẫn mẹ… Hai vợ chồng dịu lại dần, rồi tự nguyện xin rút yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn. Chị T. cho biết: “Hòa giải viên giúp chúng tôi hình dung rõ hơn về các hệ lụy có thể xảy ra với con cái khi cha mẹ ly hôn, thấy mâu thuẫn vợ chồng chưa đến mức không thể khắc phục được. Nếu chúng tôi đồng ý rút đơn, tòa chỉ cần ra quyết định công nhận, không phải mở phiên tòa, chuyện riêng cũng không công khai”.
Ông Ngô Đình Tô - hòa giải viên trung tâm Nha Trang chia sẻ: “Thực tế hòa giải ly hôn, tôi thấy nhiều trường hợp chưa đến mức mâu thuẫn trầm trọng, chủ yếu do tự ái, chưa thông hiểu nhau. Nếu hòa giải viên nắm bắt chính xác tâm tư, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn thì có thể “bắc cầu” hàn gắn mâu thuẫn, hòa giải đoàn tụ thành”. Thẩm phán Đàm Thị Bích Ngọc (TAND TP. Nha Trang) thì thừa nhận, hoạt động hòa giải, đối thoại đã giảm được rất nhiều thời gian, công sức cho thẩm phán. Ví dụ, đối với trường hợp ly hôn, nếu hòa giải thành, thẩm phán chứng kiến chỉ cần ký vào biên bản hòa giải thành. Sau khi thụ lý xong, thẩm phán chỉ xem xét, sau 7 ngày không có ý kiến khác sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn; không phải mời đương sự lên lấy lời khai hoặc yêu cầu viết bản tự khai, lập biên bản hòa giải, biên bản công khai tiếp cận chứng cứ, biên bản thuận tình ly hôn… như trước.
Thời gian qua, trung tâm Nha Trang có số lượng vụ việc tiếp nhận cao (679 vụ) nhưng vẫn có số vụ hòa giải, đối thoại thành rất cao (604 vụ). Một số trung tâm khác cũng đạt tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành cao là Cam Lâm, Cam Ranh. Tính đến ngày 4-4, 7 trung tâm đã tiếp nhận 2.633 đơn khởi kiện; giải quyết được 1.696 đơn, còn lại đang giải quyết. Số vụ hòa giải, đối thoại thành là 1.482 vụ, bằng gần 87,4% tổng số vụ việc đã giải quyết. Đây cũng chính là số vụ việc mà 7 TAND thực hiện thí điểm không phải đưa ra xét xử.
Tiếp tục khắc phục tồn tại, vướng mắc
Tuy nhiên, quá trình thí điểm cũng bộc lộ một số vướng mắc về cơ sở vật chất, kinh phí, nhân sự, nghiệp vụ, đương sự chưa hợp tác… Được biết, ở trung tâm Nha Trang, để khắc phục việc thiếu phòng hòa giải, trung tâm đã linh động sử dụng phòng làm việc, phòng họp của tòa án. Đối với các vụ hòa giải thành trong ly hôn, để giảm bớt thời gian đi lại, trung tâm kết hợp tòa án phân công thẩm phán tham gia chứng kiến lập biên bản, ký vào các biên bản, giao thẩm phán đó ra thông báo nộp tạm ứng lệ phí rồi giao ngay cho người yêu cầu. Thẩm phán tham gia chứng kiến là thẩm phán thụ lý giải quyết việc dân sự, ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn. Với trung tâm Cam Ranh, để khắc phục khó khăn trong việc mời đương sự tham gia hòa giải, đối thoại, trung tâm yêu cầu tổ hành chính - tư pháp khi tiếp nhận đơn phải kiểm tra, kịp thời nhắc nhở đương sự bổ sung địa chỉ, số điện thoại… Sau khi được giao đơn, để tiết kiệm chi phí, thư ký trung tâm linh động gọi điện thoại, nhắn tin qua zalo, facebook để hẹn đương sự tới hòa giải, đối thoại; thậm chí yêu cầu nguyên đơn phối hợp tống đạt giấy mời cho bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu nguyên đơn có thiện chí…
Ngày 22-3, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã tổ chức phiên họp lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án để trình Quốc hội trong thời gian tới. Dự thảo gồm 6 chương, 46 điều, quy định về: phạm vi hòa giải, đối thoại tại tòa án; tổ chức, bộ máy của trung tâm; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên, đối thoại viên; xử lý kết quả hòa giải, đối thoại thành; kinh phí bảo đảm thực hiện... |
Đối với những vướng mắc, khó khăn cần sự tháo gỡ từ cấp trên, các trung tâm đã kiến nghị TAND Tối cao hướng dẫn cụ thể về việc công nhận thỏa thuận chia tài sản chung (tài sản là bất động sản chưa qua thẩm định của cơ quan có thẩm quyền), tăng cường tập huấn công tác hòa giải, đối thoại…
Vừa qua, tại hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động thí điểm hòa giải, đối thoại tại tòa, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhận định, thực tế hoạt động của các trung tâm đã chứng minh chủ trương thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa là đúng; giảm đáng kể các vụ việc phải đưa ra tòa; giúp người dân phấn khởi vì tiếp cận được với công lý nhanh hơn trước; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước. Để các trung tâm tiếp tục hoạt động hiệu quả, cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở, nắm chắc diễn biến tình hình, tâm trạng của người dân để triển khai hòa giải, đối thoại hiệu quả ngay khi các vụ việc, tranh chấp manh nha; cần nâng cao chất lượng, hiệu quả hòa giải, đối thoại; tăng cường phối hợp; đẩy mạnh tuyên truyền…
NGUYỄN VŨ