Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các phòng, chi cục thuế triển khai việc rà soát, kiểm tra thuế thu nhập cá nhân của cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ 2 nơi trở lên thông qua ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS).
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các phòng, chi cục thuế triển khai việc rà soát, kiểm tra thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ 2 nơi trở lên thông qua ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS).
Ông Ngô Hữu Huấn - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kiểm tra nội bộ Cục Thuế tỉnh cho biết, Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các phòng chức năng thực hiện khai thác dữ liệu trên ứng dụng quản lý thuế tập trung. Căn cứ danh sách các cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ 2 nơi trở lên có số thuế phải nộp thêm do Phòng Kiểm tra nội bộ và cơ quan thuế khác chuyển đến, các chi cục thuế, các phòng kiểm tra thuế, Phòng Quản lý thuế TNCN rà soát, làm việc, xử lý theo quy định...
Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, qua kiểm tra, rà soát, năm 2018, có 200 cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ 2 nơi trở lên phải nộp thêm thuế TNCN hơn 1,42 tỷ đồng, phạt vi phạm hành chính hơn 496,9 triệu đồng... Bên cạnh đó, có 49 doanh nghiệp (DN) bị truy thu thuế thu nhập DN (do bị loại chi các khoản chi tiền lương, tiền công của cá nhân không làm việc tại DN) hơn 788 triệu đồng, phạt vi phạm hành chính hơn 26,3 triệu đồng...
Ông Võ Trọng Nam - Trưởng phòng Quản lý thuế TNCN Cục Thuế tỉnh cho biết, các cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ 2 nơi trở lên thường có các sai phạm như: cá nhân phải tự quyết toán với cơ quan thuế nhưng đa số để các tổ chức ủy quyền quyết toán thay; nhiều cá nhân có thu nhập nhiều nơi nhưng không nhớ được nguồn thu nhập hoặc có suy nghĩ đã nhận đầy đủ các biên lai khấu trừ nên không quyết toán. Trong quá trình quản lý, cơ quan chức năng còn gặp những khó khăn như: số lượng cá nhân cần gửi thông báo khá lớn nhưng địa chỉ nơi cư trú không ổn định, rõ ràng nên gửi giấy mời không có người nhận. Việc liên lạc với các cá nhân để kiểm tra, đối chiếu thông tin gặp trở ngại do địa chỉ cư trú ở xa, cá nhân đã nghỉ việc, DN không còn hoạt động kinh doanh. Mặt khác, cá nhân cam kết không có thu nhập ở nhiều nơi nhưng thực tế lại có. Một số trường hợp không đưa các khoản giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc để giảm trừ; cá nhân đã chết, về hưu, chuyển đi nước ngoài.
Cùng với đó, cơ quan thuế gặp khó trong việc xác minh chi phí lương thực tế của người lao động vì DN đưa khống chi phí tiền lương, làm giảm số thuế phải nộp bằng cách hợp thức hóa hồ sơ. Khi phát hiện trường hợp khai khống, cơ quan thuế phải mời cả DN lẫn cá nhân đến để xác minh và cá nhân nộp thuế phải làm cam kết chỉ có một nguồn thu nhập. Sau đó, cơ quan chức năng mới có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với DN, tốn nhiều thời gian. Ngoài ra, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chậm nộp tờ khai trên 90 ngày của cá nhân có phát sinh thuế TNCN từ tiền lương, tiền công từ 2 nguồn trở lên cũng không dễ vì các cá nhân không hợp tác…
Thời gian tới, Cục Thuế tỉnh đẩy mạnh tuyên tuyền cho các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ phải quyết toán với cơ quan thuế; cá nhân có mã số thuế không để lộ thông tin hoặc cho người khác mượn... để khai khống thuế TNCN. Bên cạnh đó, bố trí công chức hỗ trợ, giải đáp vướng mắc về chính sách thuế cho người nộp thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức, DN và kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm. Song song đó, Cục Thuế tỉnh kiến nghị Tổng cục Thuế hoàn chỉnh dữ liệu về quản lý thuế tập trung TMS để xác định chính xác thu nhập từ 2 nguồn trở lên, thuận tiện trong công tác quản lý…
K.NGUYỄN