05:11, 01/11/2018

Xã Sơn Tân: Dai dẳng khai thác lâm sản trái phép

Thời gian gần đây, một số người dân xã Sơn Tân (huyện Cam Lâm) phản ánh tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại địa phương này vẫn diễn ra dai dẳng, gỗ lậu vẫn tuồn về xuôi.

Thời gian gần đây, một số người dân xã Sơn Tân (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) phản ánh tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại địa phương này vẫn diễn ra dai dẳng, gỗ lậu vẫn tuồn về xuôi.


Sơn Tân vốn là điểm nóng về nạn phá rừng trên địa bàn huyện Cam Lâm. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng kiểm lâm, đơn vị chủ rừng nên điểm nóng này đã được “hạ nhiệt”. Thế nhưng, tình trạng phá rừng, cất giấu, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn diễn ra dai dẳng. Theo phản ánh của người dân địa phương, có 3 con đường mà các đối tượng vận chuyển gỗ thường đi là đường mòn sau lưng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sơn Tân (Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm), đường liên xã Sơn Tân về Cam Tân, dùng thuyền chở gỗ lậu qua hồ Cam Ranh.

 

Gỗ lậu cất giấu rải rác trong rẫy điều ở thôn Va Ly.  (Ảnh chụp ngày 29-10)

Gỗ lậu cất giấu rải rác trong rẫy điều ở thôn Va Ly. (Ảnh chụp ngày 29-10)


Một người bán tạp hóa ở Sơn Tân đề nghị giấu tên cho hay, cứ vào chiều hoặc tối, có khi tờ mờ sáng, các đối tượng đưa xe ô tô vào tận nơi để chở gỗ lậu; có khi xe lôi của một số đối tượng ở Cam Tân lên chở gỗ về xuôi vào ban ngày. Cũng theo người này, chuyện chặn bắt gỗ lậu từ Sơn Tân về xuôi cứ như kiểu "con voi chui lọt lỗ kim". “Người dân làm vài cây đòn tay về dựng nhà thì bị bắt, trong khi một số đối tượng khai thác gỗ trái phép, vận chuyển cả xe thì không hề hấn gì. Các anh cứ đến khu vực đầu nguồn nước tự chảy của xã Sơn Tân, tìm quanh rẫy điều sẽ thấy gỗ được cất giấu, đây còn là nơi cột bò lỉa gỗ của các đối tượng”, người này nói.


Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến khu vực rẫy điều phía đầu nguồn nước tự chảy của xã Sơn Tân (thôn Va Ly). Đúng như những gì người dân phản ánh, chưa đầy 15 phút rảo quanh rẫy điều, chúng tôi đã bắt gặp gần 10 khúc gỗ xẻ hộp dài khoảng 3m/khúc được cất giấu sau các phiến đá lớn. Thay vì tập trung lại thì các đối tượng lại giấu số gỗ này rải rác khắp rẫy điều. Tìm hiểu thêm được biết, đối tượng khai thác chủ yếu là người Cam Tân, Sơn Tân, sau đó bán cho các xưởng gỗ kiêm đầu nậu ở Cam Tân; đầu nậu tiêu thụ tại chỗ hoặc bán lại cho các cơ sở chế biến mộc ở Cam Lâm, Nha Trang.


Ông Nguyễn Phước Bảo Cảnh - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm cho biết: “Nếu so với thời điểm cách đây chừng 7 - 8 năm thì tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn Sơn Tân đã giảm rõ rệt. Số người đi rừng làm gỗ cũng không nhiều. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn một số đối tượng lén lút khai thác lâm sản trái phép tại các tiểu khu: 301, 303, 306 thuộc địa bàn xã Sơn Tân; lợi dụng ban đêm, ngày lễ, họ cắt cử người canh trước Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sơn Tân để giám sát động tĩnh của chủ rừng, thậm chí sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng nhằm thực hiện việc vận chuyển lâm sản trái phép. Để chấn chỉnh tình trạng này, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm sẽ điều tổ cơ động của ban đến hỗ trợ thêm cho Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sơn Tân; phối hợp với Hạt Kiểm lâm Cam Lâm, chính quyền địa phương tăng cường truy quét, nhất là truy quét sâu vào rừng để bảo vệ rừng từ gốc”.


Ông Hồ Tấn Pháp - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cam Lâm cho biết: Để tăng cường quản lý, bảo vệ rừng Sơn Tân, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm Cam Lâm đã chỉ đạo Trạm Kiểm lâm Cam Tân tăng cường phối hợp với chủ rừng, chính quyền địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng cho người dân địa phương; vận động các đối tượng cam kết không tham gia hoặc tiếp tay cho đối tượng phá rừng. Hạt cũng đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại địa bàn này. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Sơn Tân, Cam Tân, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 4 vụ vi phạm, tịch thu lâm sản gỗ tròn thông thường 0,895m3, gỗ xẻ hộp thông thường 7,183m3, gỗ tròn rừng trồng 0,307m3; tịch thu 1 xe máy và 1 xe cải tiến tự chế; xử phạt vi phạm hành chính 3 triệu đồng.


BÍCH LA