Với nhiều nỗ lực, Hội Sinh vật cảnh tỉnh Khánh Hòa đã có những bước phát triển về quy mô tổ chức, hiệu quả kinh tế. Từ thú vui tiêu khiển của các cá nhân đã dần hình thành một nghề mang lại thu nhập ổn định cho các hội viên.
Với nhiều nỗ lực, Hội Sinh vật cảnh tỉnh Khánh Hòa đã có những bước phát triển về quy mô tổ chức, hiệu quả kinh tế. Từ thú vui tiêu khiển của các cá nhân đã dần hình thành một nghề mang lại thu nhập ổn định cho các hội viên (HV).
Theo ông Nguyễn Đình Huấn - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh, qua hơn 25 năm hình thành và phát triển, hội có 300 HV, sinh hoạt tại hơn 18 chi hội ở thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh và Nha Trang. Trong đó, nhiều HV là những nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn, những người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ sinh vật cảnh. Ngoài ra, Ban chấp hành hội cũng có kế hoạch thành lập tổ chức hội ở các địa phương có phong trào sinh vật cảnh như: Cam Lâm, Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh... Trên thực tế, hoạt động hội đã xuất hiện nhiều hình thức mới như: hội quán, câu lạc bộ gắn với các chuyên ngành… Qua đó, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân và cũng là hình thức tập hợp HV mới.
Trong những năm qua, các cấp hội đã động viên HV tích cực trồng cây gây rừng, tạo mảng xanh thực vật nơi sinh hoạt cộng đồng, đưa cây xanh cây cảnh vào các công sở, bệnh viện, trường học, các di tích lịch sử văn hóa... Ban chấp hành hội và các HV cũng đã tham gia tích cực trong các diễn đàn khoa học, giám sát và phản biện các đề tài khoa học, công trình, dự án có liên quan đến cảnh quan kiến trúc môi trường, công tác tổ chức lễ hội. Bằng thực tiễn và hiệu quả hoạt động của phong trào sinh vật cảnh ở nhiều địa phương đã góp phần nâng cao giá trị của loại hình sản xuất nông nghiệp. Điển hình như ở TP. Nha Trang, hoạt động sinh vật cảnh phát triển với số diện tích các nhà vườn trồng hoa, cây cảnh, phong lan tương đối lớn. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng mức thu nhập bình quân của các HV cao hơn nhiều lần so với sản xuất nông nghiệp thuần túy trên cùng diện tích canh tác.
Để chủ động tìm đầu ra cho các sản phẩm của HV, Hội Sinh vật cảnh tỉnh thường xuyên tham gia các sự kiện như: Lễ hội Hoa Đà Lạt; Lễ hội Bonsai châu Á - Thái Bình Dương; trưng bày, triển lãm, hội thi sinh vật cảnh tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực... Bên cạnh đó, hội cũng đứng ra phối hợp tổ chức hoạt động trưng bày sinh vật cảnh tại các địa phương vào mỗi dịp lễ, Tết hàng năm. Đây đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Đặc biệt, qua các hoạt động như: hội hoa xuân, triển lãm sinh vật cảnh tại Festival Biển, hội chợ về ngành nông nghiệp đã phần nào khẳng định vai trò của Hội Sinh vật cảnh. Từ những hoạt động như trên góp phần thúc đẩy việc trao đổi, mua bán sinh vật cảnh, kích thích tiêu dùng, nâng cao hiệu quả kinh tế của sản phẩm sinh vật cảnh.
Trong nhiệm kỳ 2013 - 2018, có 3 HV Hội Sinh vật cảnh tỉnh được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân sinh vật cảnh. Ngoài ra, còn có nhiều HV được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Ban tổ chức Hội hoa xuân khen thưởng. |
Để duy trì, phát triển hoạt động của hội, công tác đào tạo, tập huấn, truyền nghề và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh và làm dịch vụ sinh vật cảnh cho HV rất được quan tâm thực hiện. Hội kết hợp với các trung tâm khuyến nông, trung tâm dạy nghề, cơ sở đào tạo mở lớp nghề sinh vật cảnh cho HV và người dân. Hàng tháng, hội cũng giới thiệu những mô hình hay, nhà vườn tiêu biểu, cách trồng và chăm sóc các loại cây, hoa cảnh… để HV liên hệ học tập, trao đổi nghề. Từ đó, góp phần nâng cao tay nghề, chất lượng các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ sinh vật cảnh.
Tuy đã đạt được những kết quả nổi bật, nhưng các hoạt động xây dựng và phát triển phong trào sinh vật cảnh còn bộc lộ nhiều hạn chế. Hội vẫn chưa phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng được quy hoạch phát triển sinh vật cảnh, hay xây dựng một số chính sách khuyến khích phát triển sinh vật cảnh một cách cụ thể; chưa xây dựng được thị trường sinh vật cảnh lành mạnh, ổn định. Công tác quản lý các hoạt động trong phong trào sinh vật cảnh vẫn còn bộc lộ nhiều lúng túng… “Để phong trào sinh vật cảnh có bước phát triển mới mang tính bền vững, trong nhiệm kỳ tới chúng tôi sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, hạn chế. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc phát triển sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao. Phát triển tổ chức hội và phong trào sinh vật cảnh gắn với xã hội hóa hoạt động kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Muốn như vậy, giải pháp thành lập doanh nghiệp được ưu tiên hàng đầu. Bởi từ đây, các hoạt động sản xuất, trồng, kinh doanh buôn bán cây hoa cảnh; tham gia đấu thầu các công trình, dự án về trồng, chăm sóc cây hoa cảnh sẽ được đẩy mạnh”, ông Nguyễn Đình Huấn cho biết.
Giang Đình