Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) xảy ra tình trạng người dân tự ý chiếm đất làm đìa nhưng không được xử lý quyết liệt.
Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) xảy ra tình trạng người dân tự ý chiếm đất làm đìa nhưng không được xử lý quyết liệt. Bên cạnh đó, người dân còn có ý kiến việc UBND xã đề nghị công nhận quyền sử dụng đất hơn 90ha đất rừng sản xuất cho một số hộ gia đình.
Dân tự ý chiếm bãi triều làm đìa
Cuối năm 2016, ông Hồ Văn Cường (thôn Mỹ Giang) đã tự ý san lấp bãi triều ở khu vực Bãi Dong (thôn Mỹ Giang) để làm đìa nuôi trồng thủy sản với diện tích khoảng 2ha. Tháng 12-2016, UBND xã Ninh Phước đã kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu ông Cường trả lại mặt bằng như hiện trạng ban đầu. Sau đó, để hợp thức hóa việc lấn chiếm bãi triều làm đìa, ông Cường đã có đơn xin thuê 8ha đất ở khu vực Bãi Dong với thời hạn 20 năm để nuôi trồng thủy sản. Ông Đỗ Kim Hùng - Trưởng thôn Mỹ Giang cho biết, ông Cường đã hoàn tất đìa, thả nuôi ốc ở đây 2 năm nay nhưng chưa bị xử lý.
Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Hoàng - Chủ tịch UBND xã Ninh Phước cho biết: “Sau khi ông Cường có đơn, xét thấy việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực nói trên không ảnh hưởng đến các dự án tại địa phương và môi trường của các hộ nên chúng tôi đã có văn bản báo cáo, xin ý kiến UBND thị xã Ninh Hòa”. Sau đó, UBND thị xã Ninh Hòa đã có văn bản xin ý kiến Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, vị trí ông Cường xin thuê đất để nuôi trồng thủy sản không phù hợp với quy hoạch (thuộc khu vực quy hoạch đất phát triển công nghiệp và đất sinh thái núi) nên không có thẩm quyền chấp thuận cho thuê đất đối với trường hợp này. Vì thế, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong đề nghị UBND thị xã Ninh Hòa hướng dẫn ông Cường lập thủ tục đầu tư theo quy định để báo cáo UBND tỉnh xem xét. Đồng thời, khuyến cáo không nên nuôi trồng thủy sản ở khu vực này vì vị trí chỉ cách dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 không xa, nên rất dễ gặp bất lợi vì những tác động trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy.
Trong khi việc lấn chiếm ở Bãi Dong chưa được xử lý, tháng 5-2018, ông Hồ Văn Cường cùng một số hộ khác tiếp tục xây bờ bao tận dụng bãi triều ở khu vực Gò Tèn, thôn Mỹ Giang để làm đìa. Cụ thể, ông Cường đã lấn chiếm khoảng 4.800m2, ông Lê Ngọc Bảo lấn chiếm khoảng 6.300m2, ông Nguyễn Văn Huyền lấn chiếm 8.200m2. Các hộ này đã tiến hành thả nuôi ốc hương từ vài tháng nay.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hoàng, năm 2017, ông Bảo và ông Cường có đơn xin thuê đất ở đây để nuôi trồng thủy sản, trong khi xã đang chờ ý kiến của cấp trên thì họ đã tự ý lấn chiếm. “Các hộ gia đình này có một phần đất làm đìa bị thu hồi để làm dự án Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, phần còn lại không đủ làm ao nuôi nên họ đã lấn thêm một ít. Các hộ này đều có sẵn phương tiện máy móc, lợi dụng các ngày nghỉ để tiến hành đắp bờ bao làm đìa. Ngay khi phát hiện vụ việc, xã đã cho lực lượng chức năng kiểm tra, đo đạc để xác định diện tích bị lấn chiếm, lập biên bản xử lý. Chúng tôi đã yêu cầu các hộ này không được mở rộng diện tích lấn chiếm, giữ nguyên hiện trạng để chờ hướng dẫn của cấp trên. Xã cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra để không cho người dân mở rộng thêm”, ông Hoàng cho biết.
Ý kiến về công nhận quyền sử dụng đất rừng
UBND xã Ninh Phước còn bị người dân phản ứng vì dễ dãi trong việc xác nhận hồ sơ xin công nhận quyền sử dụng đất cho một số hộ ở địa phương. Năm 2017, UBND xã Ninh Phước đã đề nghị UBND thị xã Ninh Hòa công nhận quyền sử dụng đất (đất rừng sản xuất) cho 4 hộ gia đình ở thôn Ninh Tịnh. Cụ thể, hộ ông Nguyễn Quốc Cư (diện tích hơn 27,6ha), Nguyễn Nhiễu (gần 21,4ha), Nguyễn Ngọc Khoa (gần 29,9ha), Trần Hữu Lý (hơn 15,5ha); trong đó, ông Khoa và ông Cư là con của ông Nhiễu.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Hoàng cho biết, vùng đất trên là các thửa từ 215 đến 219, thuộc tờ bản đồ lâm nghiệp số 31 của xã Ninh Phước, người dân ở đây thường gọi là khu Lỗ Nước Ông Già. Các hộ gia đình này đã khai thác trồng rừng ở đây từ khoảng năm 2003, sau đó họ có mở rộng thêm. Năm 2017, các hộ có nhu cầu đăng ký cấp quyền sử dụng đất nên đã làm đơn gửi UBND xã. Trên cơ sở đó, xã đối chiếu quy hoạch đất rừng sản xuất, xác nhận hồ sơ để người dân hoàn tất thủ tục gửi Văn phòng Đăng ký sử dụng đất của thị xã Ninh Hòa để công nhận quyền sử dụng đất. Việc giao đất ở đây là đúng với quy hoạch sử dụng đất của địa phương và đã tiến hành lấy ý kiến ở khu dân cư, niêm yết danh sách công khai tại xã.
Ông Ngô Văn Lam - cán bộ địa chính xã Ninh Phước cho biết, khi làm hồ sơ, ông đã lấy ý kiến của Trưởng thôn Ninh Tịnh; trực tiếp đi kiểm tra hiện trạng sử dụng đất ở khu vực này. Tuy nhiên, làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Diệu - Trưởng thôn Ninh Tịnh cho biết, các hộ gia đình như: ông Nhiễu, Cư, Khoa, Lý không hề trồng rừng, họ chỉ đứng tên xin đất giúp người thân.
Ngay sau khi được cấp giấy công nhận quyền sử dụng đất, đầu năm 2018, các hộ: Nguyễn Ngọc Khoa và Trần Hữu Lý đã chuyển nhượng 45,4ha đất rừng nói trên cho bà Nguyễn Thị Thanh Lan ở TP. Hồ Chí Minh. Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Ngọc Hoàng và Ngô Văn Lam khẳng định, phải đến khi Văn phòng Đăng ký sử dụng đất Ninh Hòa gửi thông báo về “danh sách cấp và đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất” qua hệ thống E-office thì xã mới biết một số người dân đã bán đất.
XUÂN THÀNH