11:08, 09/08/2015

Cần tăng cường tuyên truyền pháp luật về thương mại điện tử

Thương mại điện tử đang ngày càng phát triển. Vì vậy, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền pháp luật về Thương mại điện tử để doanh nghiệp phát triển kinh doanh đúng pháp luật, người tiêu dùng được bảo vệ.

Thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng phát triển. Vì vậy, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền pháp luật về TMĐT để doanh nghiệp (DN) phát triển kinh doanh đúng pháp luật, người tiêu dùng được bảo vệ.

 

Một website được Trung tâm Phát triển TMĐT hỗ trợ xây dựng miễn phí và hướng dẫn quản trị.
Một website được Trung tâm Phát triển TMĐT hỗ trợ xây dựng miễn phí và hướng dẫn quản trị.


Doanh nghiệp thiếu thông tin


Hiện nay, ngày càng có nhiều DN lựa chọn phương thức bán hàng qua mạng để nâng cao hiệu quả tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường, cải thiện hệ thống phân phối... Theo kết quả khảo sát năm 2014 của Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (CNTT) (Bộ Công Thương), trị giá mua hàng trực tuyến của một người/năm ước khoảng 145 USD; tổng doanh số trong giao dịch trực tuyến giữa DN với người tiêu dùng đạt 2,97 tỷ USD, chiếm 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước. Năm 2014, tỷ lệ DN có website riêng cao hơn năm 2013. Đồng thời, nhiều DN đã khai thác những lợi ích tiềm tàng của các sàn TMĐT, mạng xã hội và các ứng dụng trên thiết bị di động. Khánh Hòa là địa phương nằm trong top 10 về chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT. Điều này phản ảnh những yếu tố cần thiết cho TMĐT đã sẵn sàng ở mức độ khá cao. Vấn đề là làm gì để khai thác được các tiềm năng này cho hoạt động kinh doanh trực tuyến?


Thực tế hiện nay, nhiều DN còn gặp khó khăn trong phát triển, ứng dụng TMĐT cũng như nắm bắt quy định pháp luật trong lĩnh vực này. Ông Võ Văn Phước - đại diện Mia Resort Nha Trang cho biết, TMĐT ngày càng được áp dụng một cách rộng rãi và phổ biến hơn. Vì vậy, ngành chức năng cần định hướng để DN có nhìn nhận đúng đắn về tình hình phát triển của TMĐT sao cho vừa tuân thủ pháp luật, vừa đạt hiệu quả kinh doanh”. Đại diện một khách sạn trên địa bàn TP. Nha Trang chia sẻ: “Tuy chúng tôi đã có website TMĐT, nhưng chưa nắm rõ những nghĩa vụ pháp luật mà đại diện website TMĐT bán hàng phải thực hiện”. Tại hội nghị “Đẩy mạnh thực thi pháp luật về TMĐT” do Sở Công Thương phối hợp với Cục TMĐT và CNTT tổ chức mới đây, đại diện Tổng Công ty Khánh Việt cho biết, DN đang có kế hoạch mở website bán sản phẩm dệt may, da giày… nhưng còn băn khoăn chưa biết phải tiến hành những thủ tục gì với cơ quan quản lý nhà nước khi tổ chức hoạt động khuyến mãi trên website.


Cần đẩy mạnh tuyên truyền


Ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT và CNTT) cho biết, khung pháp lý cơ bản cho TMĐT nằm trong các bộ luật: Hình sự, Dân sự; Luật Thương mại, Giao dịch điện tử, CNTT, Viễn thông… và các nghị định hướng dẫn luật. Cụ thể, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT quy định trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website TMĐT bán hàng phải thông báo với Bộ Công Thương trên www.online.gov.vn; thực hiện đầy đủ việc cung cấp thông tin theo các quy định hiện hành, đảm bảo yếu tố chính xác, rõ ràng. “Hiện nay, nhiều website TMĐT bán hàng mắc lỗi không cung cấp thông tin hoặc cung cấp chưa đầy đủ; thiết lập website TMĐT bán hàng nhưng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước…”, ông Minh nói.  Còn đại diện Sở Công Thương cho biết, cách thức thông báo khuyến mãi trên website cho cơ quan quản lý nhà nước cũng tương tự như các trường hợp thực hiện khuyến mãi khác của DN.


Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, các DN chưa dành thời gian để tìm hiểu kỹ từng khía cạnh pháp lý nên vẫn đang thiếu thông tin về TMĐT. Vì vậy, bên cạnh việc DN phải thường xuyên cập nhật những quy định của pháp luật về TMĐT, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tập huấn, phổ biến pháp luật để giúp DN tự tin trong hoạt động TMĐT. Ông Cao Đình Phần - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, với xu thế phát triển của TMĐT như hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở rà soát và tham mưu phương hướng phát triển TMĐT, xúc tiến và hỗ trợ DN trong lĩnh vực này. Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tích cực vận động DN trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động TMĐT có quy mô cả nước; khuyến nghị các DN lưu tâm thỏa đáng đến mảng kinh doanh TMĐT, tìm hiểu pháp luật để hoạt động kinh doanh TMĐT hiệu quả và vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ pháp lý với Nhà nước cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức của người dân và DN về TMĐT; tăng cường sự phối hợp liên ngành nhằm giám sát, thanh kiểm tra ngăn chặn những gian lận, góp phần phát huy lợi ích trong TMĐT.


H.Q