07:06, 07/06/2013

Lắp nhiều, hiệu quả chưa cao

Nghị định 91 của Chính phủ quy định, từ ngày 1-7, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng container phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen).

Nghị định 91 của Chính phủ quy định, từ ngày 1-7, các đơn vị kinh doanh vận tải (KDVT) hành khách, vận tải hàng hóa bằng container phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen). Tại Khánh Hòa, đến thời điểm này, hầu hết các đơn vị KDVT đều đã lắp hộp đen nhưng hiệu quả khai thác không cao.


Gần 100% xe đã lắp hộp đen


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 156 doanh nghiệp (DN), Hợp tác xã (HTX), công ty cổ phần… KDVT hành khách và KDVT hàng hóa với khoảng 4.000 phương tiện; trong đó có khoảng 1.000 phương tiện thuộc diện phải lắp đặt hộp đen gồm: xe chở container, xe chạy tuyến cố định, xe buýt và xe hợp đồng. Thực hiện quy định của Chính phủ, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã có công văn gửi các đơn vị, DN, HTX KDVT yêu cầu triển khai thực hiện việc lắp hộp đen cho xe; đồng thời hướng dẫn các đơn vị kinh doanh thành lập bộ phận theo dõi về an toàn giao thông (ATGT) để thực hiện việc quản lý, khai thác thông tin từ hộp đen.


Ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, theo quy định, đến ngày 1-7-2013 mới bắt đầu xử phạt phương tiện không lắp hộp đen. Tuy chưa đến thời hạn xử phạt nhưng thực tế, các đơn vị vận tải vẫn phải lắp đặt hộp đen theo lộ trình. Bởi DN muốn cấp giấy phép kinh doanh và phù hiệu phải chứng minh đã lắp đặt hộp đen cho xe thì mới được cấp. Các Trung tâm Đăng kiểm cũng không kiểm định cho ô tô đã tới thời hạn kiểm định nhưng chưa lắp đặt hộp đen. Nếu xe lưu thông trên đường không bị phạt vì chưa lắp hộp đen thì cũng bị phạt vì không đủ tiêu chuẩn lưu hành. Vì vậy, đến ngày 31-5, hầu hết các DN, HTX KDVT trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng quy định đều đã lắp đặt hộp đen cho xe; trong đó, hơn 400 xe vận tải khách theo tuyến cố định, gần 500 xe hợp đồng và 90 xe buýt. Xe container thuộc đối tượng bắt buộc phải lắp hộp đen, tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 xe thì chỉ có khoảng 30 xe đăng ký xe container và đã lắp thiết bị này. Sở dĩ như vậy là do trong khái niệm vận tải không có xe container mà đây thực chất là một loại hàng hóa. Khi đơn vị KDVT hàng hóa bằng container thì thuộc diện phải lắp đặt hộp đen; khi xe không gắn container thì lại là xe đầu kéo sơ mi rơ-mooc nên không thuộc diện bắt buộc lắp đặt.

1
Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách đều đã lắp thiết bị giám sát hành trình.


Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1.000 xe taxi hoạt động. Tuy đối tượng trên chưa thuộc diện phải lắp đặt hộp đen nhưng thời gian qua, Sở GTVT đã tuyên truyền, vận động các DN thực hiện. Đến nay, 3 đơn vị kinh doanh loại hình vận tải này đã thực hiện việc lắp đặt, quản lý bằng hộp đen với khoảng 200 đầu xe gồm: taxi Quốc Tế; taxi Á Châu; taxi Airport.


Có phát huy hiệu quả?

 
Thời gian qua, Sở GTVT đã chủ động tổ chức đoàn kiểm tra các đơn vị KDVT về điều kiện kinh doanh, trong đó có việc lắp đặt hộp đen. Sở đã chỉ đạo Phòng Vận tải hướng dẫn các đơn vị KDVT thành lập bộ phận theo dõi về ATGT để thực hiện việc quản lý, khai thác thông tin từ thiết bị. Qua kiểm tra thực tế, hầu hết các đơn vị đã thành lập bộ phận này, tuy nhiên chỉ có những DN KDVT tập trung mới phát huy hiệu quả việc gắn thiết bị. Cụ thể như: xe chạy tuyến cố định có các hãng: Quang Hạnh, Cúc Tùng, Phương Trang; xe buýt gồm có: Quyết Thắng, Phương Trang, Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ vận tải Khánh Hòa. Ông Nguyễn Thái Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Quyết Thắng Nha Trang chia sẻ: “Từ khi lắp đặt hộp đen, việc quản lý các xe hoạt động đơn giản hơn nhiều. Tôi chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể kiểm soát được toàn bộ tình hình hoạt động của xe. Ngoài việc giám sát lộ trình của xe, tránh được tình trạng tài xế dừng đón, trả khách không đúng nơi quy định, nhờ hộp đen giám sát mà Công ty hạn chế được tình trạng tài xế vi phạm ATGT như: vượt quá tốc độ, lấn đường…”.


Song song đó, vẫn còn những đơn vị thành lập bộ phận ATGT chỉ mang tính hình thức, đối phó với cơ quan quản lý nhà nước. Không ít đơn vị có thành lập nhưng không theo dõi hoặc theo dõi chưa triệt để, chưa phát huy được tác dụng khi lái xe vi phạm các quy định về ATGT. Điển hình như: các mô hình HTX vận tải, công ty cổ phần… không mấy chú trọng đến hiệu quả giám sát hành trình, tốc độ của phương tiện, người lái… Thời gian qua, Sở GTVT đã tiến hành kiểm tra các vi phạm về điều kiện kinh doanh. Khoảng giữa tháng 6, Phòng Vận tải của Sở sẽ tiếp tục tổ chức đoàn đi kiểm tra việc khắc phục của các DN, đơn vị nào không chấp hành sẽ không được cấp phù hiệu, giấy phép kinh doanh mới hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh đang sử dụng.


Đối với chế tài xử lý hiệu quả sử dụng hộp đen, hiện các cơ quan chức năng chỉ trích xuất các thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước về ATGT gồm: thông tin về xe, lái xe; hành trình của xe; tốc độ vận hành; số lần, số thời gian dừng đỗ; số lần và số thời gian mở cửa xe; thời gian lái xe liên tục. Theo quy định, những lỗi có thể xử phạt là: chạy quá tốc độ, vi phạm số lượng mở cửa xe, lái xe quá 4 giờ liên tục và quá 10 giờ trong một ngày… Tuy nhiên, những lỗi trên được phát hiện từ thiết bị giám sát hành trình thì chưa bị xử phạt do chưa đủ cơ sở pháp lý và chế tài xử phạt. Ông Dần cho biết: “Tuy chưa thể xử phạt hành chính các vi phạm này nhưng theo các quy định hiện hành, từ ngày 1-7, khi một DN có 20% số xe vi phạm tốc độ sẽ bị tước giấy phép kinh doanh, điều này sẽ tác động tích cực đến việc kiểm soát tốc độ chạy xe. Ngoài ra, Sở đang có ý kiến góp ý với Bộ GTVT sửa đổi Thông tư 14 và Nghị định 71, Nghị định 73 nhằm bổ sung các biện pháp chế tài xử lý lái xe, doanh nghiệp vi phạm”.


Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GTVT, Sở GTVT cũng đã chủ trì phối hợp với Thanh tra giao thông và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra thiết bị giám sát hành trình xem thiết bị có hợp quy, có khai thác các tiêu chí của Bộ GTVT đưa ra, DN có quản lý phương tiện thông qua thiết bị giám sát hành trình… Qua kiểm tra cho thấy, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều nhà cung cấp thiết bị với giá thành khác nhau và các đơn vị vận tải lắp đặt không thống nhất. Mỗi nhà sản xuất sử dụng một phần mềm quản lý riêng dẫn đến các thiết bị không đồng bộ, gây khó khăn trong công tác theo dõi, cập nhật, tổng hợp, phân tích dữ liệu. Ngoài ra, nhiều đơn vị còn lúng túng trong việc quản lý, giám sát, xử lý dữ liệu.


KHÁNH HÀ