Tuy UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quy định về cơ chế ưu đãi trong hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nhưng đến nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vẫn gặp không ít khó khăn.
Tuy UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quy định về cơ chế ưu đãi trong hoạt động vận tải khách công cộng (VTKCC) bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nhưng đến nay, các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này vẫn gặp không ít khó khăn.
Hơn 1 năm, 3 lần đổi bến, bãi
Có mặt tại Công ty TNHH Quyết Thắng Nha Trang (xe buýt Quyết Thắng, tuyến Nha Trang - Ninh Hòa - Vạn Giã) chiều 6-11, chúng tôi thấy khu vực này đang xây dựng rất ngổn ngang. Theo ông Nguyễn Thái Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Quyết Thắng Nha Trang, do phải đi thuê mặt bằng nên trụ sở Công ty rất tạm bợ. Nói là thuê 1 năm nhưng sau hơn 1 năm tiếp nhận tuyến xe buýt Nha Trang - Ninh Hòa - Vạn Giã, Công ty đã 3 lần chuyển địa điểm làm việc và bến, bãi. Lần đầu, Công ty chuyển từ đường Mai Xuân Thưởng, giáp ranh 2 phường Vĩnh Hòa - Vĩnh Hải (Nha Trang) về 86A Trần Phú. Chưa kịp yên ổn thì đã sắp hết hạn hợp đồng, Công ty lại phải lo chuyển địa điểm khác (cũng trong khu vực 86 Trần Phú). Việc chuyển địa điểm không chỉ mất thời gian, khiến DN không ổn định kinh doanh mà còn tốn chi phí. “Tuy hợp đồng thuê 1 năm nhưng được hơn nửa năm, chúng tôi đã phải đi tìm mặt bằng khác. Trung bình mỗi địa điểm chuyển đến, dù đầu tư tạm bợ, Công ty cũng tốn kém hơn 500 triệu đồng. Vì vậy, sau 3 lần chuyển địa điểm và 2 lần xây dựng bến, bãi, Công ty đã tốn hơn 1 tỷ đồng”, ông Thanh cho biết.
Không riêng xe buýt Quyết Thắng mà xe buýt Phương Trang (tuyến Nha Trang - Cam Ranh) cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về bến, bãi điểm đầu và cuối. Hiện trung bình mỗi năm, Công ty bù lỗ khoảng 500 triệu đồng và cũng phải di chuyển bến, bãi thường xuyên. Đơn vị đã nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ bến, bãi... nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Các đơn vị kinh doanh xe buýt đang rất cần sự hỗ trợ tích cực về bến, bãi (ảnh chụp tại bãi đậu xe Quyết Thắng). |
Thực hiện chủ trương xã hội hóa VTKCC bằng xe buýt, giảm trợ giá từ ngân sách Nhà nước, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 DN kinh doanh loại hình dịch vụ vận tải này là xe buýt Phương Trang và xe buýt Quyết Thắng. Có thể nói, 2 tuyến xe buýt này đã góp phần giải quyết nhu cầu đi lại của số đông người dân và giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường; từng bước thay đổi thói quen đón, xuống xe tùy tiện của hành khách. Tuy nhiên, hiện các DN đang rất cần sự hỗ trợ tích cực từ địa phương.
Cần hỗ trợ cho thuê đất
Theo ông Lê Minh Trung, khi mở tuyến xe buýt Nha Trang - Cam Ranh, Tổng Công ty đã xác định không lãi, thu chỗ này bù đắp chỗ kia (nguyên nhân chủ yếu là do phải đi thuê bến, bãi). Do thua lỗ kéo dài nên năm 2011, Tổng Công ty đã xem xét việc ngừng hoạt động tuyến xe buýt này. Song, sau đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 09, quy định về cơ chế ưu đãi trong hoạt động VTKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh. Nội dung Quyết định đưa ra khá nhiều ưu đãi cho DN, như: Ưu đãi về thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng; tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, thông tin truyền thông; hỗ trợ các đối tượng chính sách, học sinh, sinh viên đi xe buýt... Tuy nhiên, sau gần 8 tháng kể từ khi Quyết định 09 có hiệu lực, DN vẫn chưa nhận được hỗ trợ.
Ông Lê Minh Trung cho biết: “Các hỗ trợ chưa thiết thực với DN. Thực tế, DN cần nhất là được tỉnh tạo điều kiện cho thuê đất để đầu tư bến, bãi, còn mọi ưu đãi khác chưa có cũng không sao. Hiện DN đã tìm được 2 địa điểm tại xã Vĩnh Phương và gần Siêu thị Metro (Nha Trang) làm điểm đầu và 2 điểm cuối tuyến ở Cam Ranh. Công ty đã nộp hồ sơ cho các cơ quan chức năng được 15 ngày nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm”. Theo quy định tại Điều 6 của Quyết định 09, “DN được miễn tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án đối với diện tích đất để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe, bến xe điểm đầu, cuối tuyến xe buýt...”. Thực tế, khi thực hiện, DN phải tự tìm địa điểm, mà mảnh đất nào không vướng dự án thì cũng vướng quy hoạch. Sở GTVT cần xem xét tham mưu UBND tỉnh bổ sung Quyết định 09 cho phù hợp để hỗ trợ thiết thực hơn cho các DN kinh doanh loại hình dịch vụ vận tải này. Ngoài ra, DN cũng kiến nghị tỉnh hỗ trợ DN được vay vốn ưu đãi. “Chúng tôi mong cơ chế ưu đãi ban hành sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là về bến, bãi. Có được bến, bãi ổn định, DN mới mạnh dạn đầu tư, phát triển mạng lưới xe buýt. Hiện nay, quanh năm suốt tháng, DN chỉ lo đi tìm địa điểm xây dựng bến, bãi”, ông Thanh giãi bày.
Ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, hiện Sở đã làm việc với các địa phương và các địa phương đều cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Vì vậy, DN cần tiếp cận với các phòng chuyên môn của địa phương để tìm hiểu khu đất nào còn trống. Điều này, Sở không làm thay DN được. Mặt khác, DN cũng cần chia sẻ khó khăn với địa phương. Việc đòi hỏi cấp đất theo yêu cầu là rất khó cho địa phương. Ngoài ra, Quyết định 09 còn có quy định hỗ trợ vé tháng cho các đối tượng chính sách, học sinh, sinh viên đi xe buýt... nhưng đến nay, chưa DN nào làm thủ tục để được hỗ trợ. Nói là hỗ trợ các đối tượng đi xe buýt, nhưng thực chất cũng chính là hỗ trợ DN. Về việc DN Quyết Thắng kiến nghị tỉnh cho vay vốn ưu đãi từ quỹ hỗ trợ, thời gian tới, Sở sẽ có ý kiến về việc tỉnh có quy định này không và DN có thuộc diện được vay hay không.
KHÁNH HÀ
Ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở GTVT: Hiện Sở đang tích cực hướng dẫn các DN tiếp cận Quyết định 09 để nhận được sự hỗ trợ tích cực từ tỉnh. Do mới triển khai Quyết định nên không tránh khỏi những hạn chế, vướng mắc. Trong quá trình thực hiện, Sở sẽ tiếp tục ghi nhận, xem xét các kiến nghị của DN và tham mưu tỉnh để điều chỉnh Quyết định 09 phù hợp hơn. Tuy nhiên, các DN cũng cần có những chia sẻ tích cực với tỉnh. Bởi, tuy đã có cơ chế ưu đãi nhưng việc triển khai cũng cần có thời gian, lộ trình và từng bước tháo gỡ khó khăn.