08:11, 09/11/2012

Cuộc chiến chưa có hồi kết

Gần đây, tình trạng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn.

Gần đây, tình trạng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (GLTM) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn.

Nhiều dạng vi phạm 

Trên thị trường hiện nay, hàng nhập lậu, hàng giả hiện diện khắp nơi, phổ biến nhất là thuốc lá, đồ chơi trẻ em có tính chất bạo lực, kính mắt, giày dép, quần áo, đồ gia dụng, rượu ngoại, đồ điện tử, mũ bảo hiểm, dược phẩm, mỹ phẩm, đĩa CD, xăng dầu, gas, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi... Một trong những vụ việc điển hình bị phát hiện gần đây là vào tháng 5-2012, Đội Quản lý thị trường (QLTT) cơ động (thuộc Chi cục QLTT) và lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã kiểm tra và phát hiện một xe vận tải chở 1.000 gói thuốc lá Esse, 20 thùng hàng (gồm hơn 2.000 cây súng nhựa và một số hàng hóa khác) không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Cơ quan chức năng đã xử phạt 21 triệu đồng và tịch thu các mặt hàng trên.

Lực lượng chức năng kiểm tra thuốc lá lậu trước khi đem đi tiêu hủy.
Lực lượng chức năng kiểm tra thuốc lá lậu trước khi đem đi tiêu hủy.

Theo Cục Hải quan tỉnh, tại các cửa khẩu cảng biển vẫn có tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng ưu đãi miễn kiểm tra hàng hóa đối với doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan, ưu đãi gia hạn thuế đối với nguyên phụ liệu nhập khẩu theo loại hình gia công và sản xuất xuất khẩu... để buôn lậu và GLTM. Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh đã xử phạt nhiều vụ mua bán hàng cấm, hàng lậu, vận chuyển trái phép san hô, cao lanh, khai thác khoáng sản trái phép... Chỉ riêng số vụ vận chuyển, mua bán, cất giữ và sử dụng lâm sản trái phép bị phát hiện từ đầu năm đến nay đã lên tới 470 vụ, tăng 42 vụ so với cùng kỳ. Các đối tượng này hoạt động ngày càng tinh vi: khi thì chở hàng bằng ô tô trên các tuyến đường đèo dốc vào ban đêm; lúc lại dùng xe máy, xe đạp để vận chuyển trái phép; sẵn sàng bỏ cả hàng, xe chạy trốn khi bị ngành chức năng phát hiện...

Tình trạng gian lận trong kinh doanh hàng hóa cũng diễn ra khá phổ biến với các vi phạm như: không niêm yết giá, kinh doanh sai nội dung, vi phạm về nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy... Đặc biệt, không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trốn thuế, gian lận thuế như: Mua hàng không có hóa đơn đầu vào, bán hàng không đăng ký với cơ quan Thuế, lập hóa đơn giá trị gia tăng thấp hơn tiền hàng hóa, dịch vụ thực tế, bán hàng không hóa đơn... 9 tháng năm 2012, qua thanh tra, kiểm tra quyết toán thuế 490 doanh nghiệp, Cục Thuế tỉnh đã truy thu tiền thuế hơn 34,7 tỷ đồng, phạt hành chính trong lĩnh vực thuế gần 16,8 tỷ đồng...

Chi cục QLTT tổ chức tiêu hủy hàng lậu, hàng giả.
Chi cục Quản lý thị trường tổ chức tiêu hủy hàng lậu, hàng giả.

Ông Hoàng Thanh Vân - Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam cho biết: “Không ít đối tượng sử dụng bình gas của các thương hiệu lớn rồi sang chiết gas kém chất lượng để kiếm lời. Khoảng 20% vỏ bình gas của chúng tôi cung cấp ra thị trường đã không quay về nhà cung cấp để tiến hành kiểm định. Số này đã đi theo con đường sang chiết trái phép. Do không phải đóng thuế, không phải đầu tư khấu hao vỏ bình, lại “ăn ra” từ việc cân thiếu nên cứ mỗi bình gas sang chiết kiểu này, người bán thu lợi vài chục ngàn đồng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính”.

Còn nhiều khó khăn

Hoạt động kiểm soát hàng lậu, hàng giả và GLTM hiện gặp không ít khó khăn. Nhiều sản phẩm của nước ngoài (rượu, mỹ phẩm, yến sào...) không đăng ký bản quyền tại Việt Nam nên không có hàng thật để so sánh, giám định. Bên cạnh đó, theo quy định của Nhà nước, đối với một số loại như: thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi, thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật..., phải kiểm mẫu, kiểm tra chất cấm nhưng do kinh phí hạn chế nên việc kiểm tra không đáp ứng được yêu cầu. Ông Nguyễn Minh Sô - Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh cho biết, hàng giả ngày càng tinh vi và giống hàng thật, khiến người tiêu dùng khó phân biệt được. Trong khi đó, các quy định về hàng giả hiện chưa rõ ràng, thiếu căn cứ pháp lý để kết luận là hàng giả, hàng kém chất lượng và tiến hành xử lý...

Những tháng cuối năm, do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, hoạt động buôn lậu, hàng giả và GLTM thường diễn biến với quy mô lớn hơn và thủ đoạn tinh vi hơn. Do đó, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân. Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý chống buôn lậu, GLTM; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đơn vị kinh doanh... nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp.

K.D

9 tháng đầu năm, các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện 7.474 lượt kiểm tra đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hàng hóa lưu thông trên địa bàn; phát hiện 1.858 vụ vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh. Trong đó, có 584 vụ vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu, 40 vụ vi phạm hàng giả, 1.234 vụ vi phạm về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không đủ điều kiện kinh doanh, kinh doanh sai nội dung, bán hàng không lập hóa đơn, chứng từ, gian lận thuế… Lực lượng chức năng đã xử lý 1.787 vụ (số còn lại đang xem xét xử lý), thu nộp ngân sách gần 65 tỷ đồng.