Mùa mưa lũ, dòng sông Tô Hạp chảy qua địa bàn các xã từ Ba Cụm Nam về Thành Sơn bị sạt lở bờ nghiêm trọng. Nhưng hiện nay, việc kiên cố đê kè lại gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn.
Mùa mưa lũ, dòng sông Tô Hạp chảy qua địa bàn các xã từ Ba Cụm Nam về Thành Sơn bị sạt lở bờ nghiêm trọng. Nhưng hiện nay, việc kiên cố đê kè lại gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn.
Sạt lở nghiêm trọng
Những năm gần đây, vào mùa mưa lũ, huyện Khánh Sơn phải đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ sông Tô Hạp. Những người sống ven sông đang lo lắng khi chứng kiến lòng sông mở rộng không ngừng. Ông Nguyễn Văn Hợp, người dân ở xã Sơn Trung cho biết, trước đây, dòng sông này chỉ như con suối lớn, đoạn qua xã Sơn Trung chỉ cần cây cầu gỗ bắc ngang là đi qua được, nhưng hiện nay phải xây hẳn một chiếc cầu kiên cố. Năm 1998, lòng sông ở chỗ rộng nhất khoảng 15m; còn hiện nay, nơi rộng nhất phải đến 200m, rộng gấp 13 lần! Lòng sông mở rộng đồng nghĩa với nhiều diện tích đất đai, vườn tược, đường giao thông bị cuốn trôi. Ông Nguyễn Trọng Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông đã đến mức báo động. Bình quân mỗi năm, toàn huyện mất hàng chục héc-ta đất nông nghiệp, mất đường giao thông, đất trồng lúa nước và nhiều loại cây có giá trị kinh tế. Tình trạng sạt lở bờ sông đang uy hiếp đến sản xuất nông nghiệp, an toàn giao thông và môi trường sinh thái ở Khánh Sơn.
Thiếu vốn kiên cố hóa đê kè
Một đoạn đê kè được kiên cố tại xã Ba Cụm Bắc. |
Được biết, sông Tô Hạp có 9 điểm nguy cấp gồm: thôn Tà Lương (thị trấn Tô Hạp); thôn Liên Hiệp, thôn Xà Bói (xã Sơn Hiệp); thôn Cô Lắc (xã Sơn Bình); bờ tả thôn A Thi (xã Ba Cụm Bắc); bờ hữu thôn Liên Bình (xã Sơn Bình); thôn Tha Mang (Ba Cụm Bắc); bờ hữu sông Tô Hạp (thị trấn Tô Hạp); thôn Chi Chay, cầu Sơn Trung; bờ hữu thôn Chi Chay, Tà Nỉa (Sơn Trung) với tổng chiều dài 9km. Tuy nhiên đến nay, việc kiên cố đê kè sông Tô Hạp chỉ thực hiện được một đoạn hơn 200m với kinh phí 3 tỷ đồng (tại xã Ba Cụm Bắc). Kế hoạch năm 2012 - 2013, tỉnh sẽ đầu tư 57 tỷ đồng xây dựng kè tại thị trấn Tô Hạp. Hai đoạn khác rất cấp bách là thôn Liên Hiệp, Xà Bói (Sơn Hiệp) và thôn Cô Lắc (Sơn Bình) vẫn chưa được ghi vốn.
Do thiếu vốn kiên cố hóa đê kè nên huyện Khánh Sơn buộc phải giải quyết bằng biện pháp tình thế, chủ động sơ tán dân trong mùa mưa bão, đặc biệt là các khu vực xung yếu. Huyện đã xác định các đoạn xung yếu hai bên bờ sông gồm: khu vực thị trấn Tô Hạp đi Sơn Trung, khu vực Sơn Trung đi Ba Cụm Bắc, đoạn cầu tràn Huyện đội, thôn 4 xã Thành Sơn, cầu tràn C10 và suối Hai Cô, khu vực hầm Tha Mang xã Ba Cụm Bắc, khu vực UBND xã Sơn Bình đi thôn Cô Lắc, khu vực Sơn Hiệp đi Sơn Trung, khu vực thôn 4 xã Sơn Hiệp, cầu tràn vào khu vực đập Kranóa xã Sơn Bình, cầu tràn rọ đá khu vực đập Suối Sóc xã Sơn Bình. Bên cạnh đó còn có các đoạn đường xung yếu, công trình thủy lợi, công trình nước sạch…
Ông Lâm cho biết, thời gian qua, huyện đã tổ chức kiểm tra phương án phòng, chống lụt bão, trong đó có ứng phó với tình hình sạt lở bờ sông. Các xã, thị trấn đã chuẩn bị tốt phương án ứng phó. Việc sơ tán dân tại Khánh Sơn chủ yếu sẽ đưa đến các nhà cộng đồng, nhà văn hóa thôn; các xã đông dân được bố trí đến trụ sở xã…
QUANG VIÊN