1. Nhà chuyển về cách trung tâm thành phố 5 cây số nhưng tôi vẫn thích đi chợ Xóm Mới (cách nhà cũ khoảng 700m), cho dù trên đường về, nếu tôi đi đường Vĩnh Thái thì qua 2 cái chợ, còn vòng Lương Định Của - Ngọc Hiệp thì tôi qua đến 4 cái chợ. Chợ nào cũng đầy thịt, rau, cá tươi xanh.
1. Nhà chuyển về cách trung tâm thành phố 5 cây số nhưng tôi vẫn thích đi chợ Xóm Mới (cách nhà cũ khoảng 700m), cho dù trên đường về, nếu tôi đi đường Vĩnh Thái thì qua 2 cái chợ, còn vòng Lương Định Của - Ngọc Hiệp thì tôi qua đến 4 cái chợ. Chợ nào cũng đầy thịt, rau, cá tươi xanh.
Tôi có thói quen từ nhiều năm, mỗi sáng sớm xách máy ảnh ra khỏi nhà nên việc đi chợ Xóm Mới với tôi không có gì xa quá hay trở ngại. Một vòng biển, ra Phạm Văn Đồng rồi quay trở lại phố và ghé chợ Xóm Mới. Những hôm dậy muộn không kịp đi săn ảnh mặt trời, tôi lại giả lả với lòng mình cái cớ đi chợ Xóm Mới cũng là dịp xuống phố như đi chơi.
Thích nhất là gặp những người bán hàng quen với câu hỏi rất thân tình: Má khỏe không chị? Ủa, lâu nay chị đi đâu không ghé hàng em?...
Thuộc lòng mấy con đường quanh chợ, chỗ này bún bánh, chỗ kia rau củ, chỗ nọ cá tôm. Tôi lười gửi xe máy, lạng một vòng chỉ 15 phút đã đầy đủ các thứ cho món canh, mặn, xào. Nấu nồi bún bò, bún riêu, bún cá hay phở cầu kỳ gia vị tôi cũng không cần vào trong chợ. Dịp Tết, nhà nào nấu bánh chưng, bánh tét, tôi biết rõ ngày họ đắp lò, nổi lửa; chỗ này dưa món, củ kiệu, chỗ kia thịt ngâm các kiểu, chỗ nọ mứt bánh và hoa ở đoạn đường nào.
Tôi không nhớ L., một người quen với gia đình tôi hồi còn ở Thành chuyển về bán ở chợ Xóm Mới khi nào nhưng chắc cũng hơn 20 năm. Mỗi lần gặp L., cô hỏi đủ thứ chuyện, cảm giác như chẳng hề có những ngày tháng tôi đi xa, chừng như mới hôm qua, sáng sớm tôi ghé chợ Xóm Mới cùng với má trên đường đi bộ từ biển về nhà, mà không nghĩ đã hơn 15 năm trôi qua rồi.
Đi chợ Xóm Mới tiện, tôi biết đích đến hàng nào, chỗ nào có thứ gì... không mất thời gian tìm kiếm hay hỏi thăm. Tuy nhiên, mỗi khi về đến chợ Ga gần nhà, tôi lại cảm thấy mình có lỗi vì chưa hòa nhập vào đất mới. Như một cách chữa lỗi, tôi dừng lại, có khi mua đòn bánh tét, chùm chả lụa Thành, ký bún, bánh phở… Tôi biết, đó là cảm giác bàn chân đi nhớ những con đường khiến nhiều khi không định mà vẫn đến chợ Xóm Mới như một lối cũ tìm về.
2. Trong thời gian “cách ly toàn xã hội”, ngồi ở Sài Gòn lần giở từng album cũ, tôi nhớ Nha Trang quá đỗi. Nhớ những con đường sáng sớm se lạnh, vắng người, không khí tinh khôi, trong trẻo. Nhớ những lúc đứng ở công viên Yersin hay trên cầu Trần Phú chờ mặt trời lên và những chiếc tàu đánh cá trở về. Những chàng trai sức vóc chộn rộn trên thuyền không quên ngẩng lên vẫy tay chào và cười thật tươi khi thấy máy hình của tôi hướng về họ.
Tôi nhớ cây cầu gỗ Phú Kiểng thường bị trôi vào những mùa lụt lớn. Tôi nhớ cầu sắt xe lửa bắc qua sông Cái. Trong máy tính của tôi có cả mấy trăm tấm hình nơi này nhưng không tấm nào có xe lửa đang chạy qua. Tôi chưa bao giờ đủ kiên nhẫn ngồi chờ xe lửa dù đã hẹn với lòng hôm nay, rồi hôm mai, hôm mai nữa…
Tôi mở album hình tôi chụp từ trên I-resort nhìn xuống vào một buổi chiều. Chiếc cầu sắt khi lộ rõ chiều dài, khi ẩn mình trong hoa lá, chiếc thuyền nhỏ như lá tre bên dưới bình yên và xanh mướt, cầu Phú Kiểng lúc này chỉ là hai nét mảnh hơi xiên xẹo ngược sáng, trông nên thơ và lãng mạn khiến tôi càng nhớ Nha Trang, nhớ sông Cái, nhớ biển và nhớ ngôi nhà nằm trong một xóm nhỏ trên con đường có cái tên rất ngộ: Gò ngựa, được định danh từ một khu vực ngày xưa người ta gọi là ruộng Gò ngựa.
Bình thường, chỉ một đêm trên xe lửa hay xe đò, hay một giờ bay thì tôi đã thấy Nha Trang, nhưng trong thời gian “cách ly” này khiến tôi cảm thấy Nha Trang sao xa vời vợi.
Nguyện cầu cho mùa dịch qua đi, mọi người được bình an, mọi thứ trở lại bình thường, người người về với công việc cũ. Tôi sẽ về để làm mới những album Nha Trang cũ, tôi sẽ không than phiền Nha Trang chật chội, ồn ã nữa. Bởi trong những ngày mà mọi thứ như đang dừng lại này mới thấy giá trị của sự phồn thịnh. Tôi sẽ nhìn Nha Trang bằng cái nhìn thương yêu, trìu mến và mong Nha Trang sẽ mau chóng tràn đầy sức sống trở lại.
ĐÀO THỊ THANH TUYỀN