11:12, 18/12/2018

Nước cạn

1. Khoảng 20 năm trước, mỗi dịp hè về, sông Dinh trơ đáy.


Lũ thượng nguồn chẳng chịu chảy về. Gió Nam khô khốc làm nước bốc hơi. Cá tôm đi đâu sạch bách. Cây cỏ xanh um dọc hai bờ héo úa đến thảm thương. Trơ đáy. Dòng sông như một vũng nước trâu nằm. Bãi bồi cát trắng nằm sâu dưới đáy giờ trồi lên lấp lánh dưới ánh mặt trời khát cháy.

1. Khoảng 20 năm trước, mỗi dịp hè về, sông Dinh trơ đáy.


Lũ thượng nguồn chẳng chịu chảy về. Gió Nam khô khốc làm nước bốc hơi. Cá tôm đi đâu sạch bách. Cây cỏ xanh um dọc hai bờ héo úa đến thảm thương. Trơ đáy. Dòng sông như một vũng nước trâu nằm. Bãi bồi cát trắng nằm sâu dưới đáy giờ trồi lên lấp lánh dưới ánh mặt trời khát cháy.

 


Hạn.


Giếng cạn sạch không còn một hột. Ruộng đồng nứt nẻ, cây cỏ xác xơ, mọi thứ cháy khô chẳng còn sức sống. Lúc này mới biết sông Dinh quan trọng với cuộc sống của người dân thế nào và nhận ra tại sao ngàn năm trước, người xưa hay lập làng lập xóm dọc theo hai bờ sông, để lấy nước tưới tiêu, ăn uống, lấy tre làm nhà, bùn đất trộn rơm làm tường ngăn mưa cuồng gió giật.


Không có nước xài, cả làng ra sông, đào hố giữa dòng, lấy thùng tôn quây lại thành giếng, lượm cát sỏi bỏ xuống lọc cho trong. Nước sạch bong nhưng thoang thoảng mùi bùn. Kệ, có còn hơn không. Múc vô nhà, lọc thêm lần nữa qua cát, nấu sôi lên là xài được.


Mỗi chiều, ai cũng đổ ra đây tắm giặt, nói cười, hội họp hay băng qua lòng sông, trên cồn cát bỏng để ghé chợ, khỏi mắc công đi vòng. Vài người quảy gióng gánh, xúc sỏi về trộn xi măng, xây nhà, đỡ tiền mua đá. Nhưng hào hứng nhất là lũ trẻ mới lớn, coi lòng sông như một sân chơi rộng rãi. Chạy nhảy, đá banh, đánh nhau, mồ hôi ra ướt tóc thì nhảy xuống vũng nước, nói cười rộn rã. Dường như nỗi lo của người lớn chẳng ảnh hưởng gì đến bọn trẻ thơ ngây.


Và từ đây, tôi tận mắt chứng kiến lòng sông bên bồi bên lở. Như phép màu của tạo hóa, cát bên bồi không chịu xuôi theo con nước, lắng lại, lấn ra giữa dòng, chục năm sau thành nền, có thể xây nhà, cất chuồng nuôi gà vịt. Phía bên lở, sóng cứ âm thầm vỗ mãi, ăn sâu vô bờ, tạo nên những hố sâu hun hút giữa hàng trăm gốc tre tua tủa lặng lẽ nghiêng mình soi bóng, cố giữ đất cát giữa quy luật của tự nhiên. Ba chỉ tôi coi hang này khi lụt về, nước ngập, sẽ là chỗ cho chình, cá trầu trú ẩn. Kia là hang cua, hang rạm. Đó là nơi cá chép trú thân. Tôi đứng ngẩn người, mơ mai sau mình lớn sẽ giống như ba, nửa đêm lênh đênh trên sóng nước, thả lưới, đặt nơm, bắt cá về nuôi vợ, nuôi con, dẫu lúc này quăng xuống nước tôi chìm nghỉm, vì có biết bơi đâu mà lặn với ngụp.


2. Cá sông Dinh đã bơi ngược về nguồn tìm bạn tình phối giống, không thì núp mãi trong hang cùng ngõ hẻm chờ nước lớn mới ra. Ẩn sâu dưới lớp bùn đen là những con hến to đầy, vỏ đen thui, con trai thân dài, vỏ trắng ngà, hay con ốc bươu đen nhánh, mập tròn. Trai nhỏ xíu, nấu cháo nước ngọt đã đời. Hến nhiều vô kể. Cả bọn đầu trần, cởi áo, đi lòng vòng mò hến đã tay. Đến chiều, rổ đứa nào cũng đầy ứ hự. Tụi tôi xách rổ về, bỏ hến vô nước vo gạo, ngâm qua đêm cho nhả hết bùn, sáng mai đem luộc. Hến vừa chín tới, vớt ra rổ, lắng nước, rồi ngồi bệt xuống, cạy ruột bỏ vào tô. Hến nấu canh rau tập tàng thiệt mát, nhất là mùa hè, nắng nóng bể đầu.


Nhưng thôi, để lần sau đi, bữa nay phải nấu cháo hến ăn mới đã. Cháo hến phải thiệt cay và nóng. Gạo nở búp búp, đừng đặc quá, phải có nước húp sồn sột để cảm nhận được vị lợ khó phai của hến.


3. Chạng vạng tối, trời đứng gió, ngột ngạt. Tụi tôi í ới ra bờ sông, ngồi quây quần, lặng im để nghe tiếng ếch nhái uỗm à uỗm ệch, bầy cò quang quác rỉa cánh trên ngọn tre tìm chỗ ngủ hay vạc ăn đêm cố tìm con cá còn sót lại trong vũng nước cạn xịch.


Ti tằng hắng giọng, tụi mày muốn nghe tao kể chuyện ma da không? Cả bọn lao nhao. Thế là Ti kể. Đứa nào cũng nhát cáy nhưng ham nghe chuyện ma. Phút chốc, run như cầy sấy, ngồi sát vô nhau.


Xa xa, ánh đèn bình của người đi cào hến bập bùng giữa đêm sâu thẳm, lầm lũi giữa lòng sông, mò từng con ốc, con hến bỏ vào nơm. Hết một vòng, quay trở lại cào tiếp. Cứ thế mà bước, mà đi, những cuộc đời gắn bó với dòng sông, con nước, dẫu bây giờ nó cạn trơ đáy, vẫn tảo tần với cuộc sống mưu sinh. Khuya lắm rồi, cò đã ngủ say, vạc tìm về chốn vắng. Họ lặng lẽ về nhà cố vỗ về giấc ngủ, mai đem giỏ hến ra chợ, kiếm ít đồng đắp đổi qua ngày.


Bỗng nhiên, mưa như trút nước, tầm tã từ sáng tới chiều, nước tràn về cuồn cuộn. Lòng sông trơ đáy hôm qua giờ nước sắp tràn bờ. Giếng lại đầy, trong vắt. Những cái giếng tạm bợ bằng tôn ngoài sông cứ chìm dần, chìm dần xuống dòng nước bạc. Lũ trẻ ngồi trên bến, dõi mắt nhìn nước về mà tiếc hùi hụi cho các trò chơi ngon lành trên cồn cát. Những buổi chiều tụ năm tụ ba đi bắt hến sông Dinh không còn nữa, đành hẹn tới mùa sau.


4. Mười mấy năm tha hương, lắm khi bận rộn quá nên quên bén dòng sông, con nước năm xưa. Một lần về quê, thả bộ trên góc phố nửa quen, nửa lạ. Đi qua cầu Dinh, lặng nhìn về phía thượng nguồn xa thẳm. Hòn vọng phu lờ mờ trong mây chiều bảng lảng. Nhìn xuống dòng sông tĩnh lặng, đục ngầu, lờ mờ váng nổi, anh công nhân đang hì hục chất đá, đổ bê tông, xây bờ kè dọc hai bến sông để ổn định dòng chảy, chống xói mòn, lở đất. Cây sung, cây mắm bị chặt quăng đi. Bụi tre rạp mình nằm xếp lớp. Gốc sầu đâu chiều nào dì Năm cũng ra đó ngồi ngóng kẻ chinh nhân giờ chỏng chơ buồn thảm, hoa tím rụng đầy trên bến buồn thương. Chợt nhớ những ngày nước cạn, nhớ ba, nhớ má, nhớ bè bạn tóc xanh, tranh nhau làm thị Hến, trùm sò, thầy đề, quan huyện.


Sông vẫn chảy, đời vẫn trôi, có tiếc nuối nhớ thương cũng chẳng làm gì được. Nhưng cũng ước một đôi lần đập xả nước, để dòng sông trơ đáy, cát trồi thành cồn, lộ ra những ngóc ngách nông sâu, để được lột giày, xắn quần, xuống bãi bồi mò ít con hến, con trai về nấu nồi cháo thơm phưng phức, bỏ thiệt nhiều tiêu với ớt màu, húp cái rột, la làng, Ti ơi cay chi mà cay dữ.


Mà có lẽ cũng gián tiếp tìm lại tuổi thơ mình, đã theo gió theo mây, theo lũ chim trời bay về phương nào xa thăm thẳm.


Nguyễn Hữu Tài