Ngày ấy, dọc đường quê tôi, những cây hoa dẻ cứ lẩn khuất trong từng bụi rậm như thẹn thùng, né tránh một điều gì. Để mỗi độ thu sang, khi những cơn gió nồm nhẹ nhàng lướt qua mang theo hương hoa dịu dàng hòa tan vào không khí.
Dọn tìm trong đống tài liệu cũ, chợt thấy quyển lưu bút học trò đã úa màu thời gian. Bồi hồi lật giở từng trang, những nét chữ màu mực xanh Cửu Long nhiều chỗ đã phai cùng năm tháng. Dòng cảm xúc về một thời xa vắng bỗng ùa về, mỗi trang giấy là một kỷ niệm của những ngày còn cắp sách đến trường. Hình ảnh bạn bè thân thương năm nào cứ dần hiện ra trong nỗi nhớ nhung vô định. Đang bần thần với những suy nghĩ xôn xao, chợt ngỡ ngàng thấy bông hoa dẻ năm cánh khô gầy được ép vào trang giấy. Từ trong ký ức, một làn hương mơ hồ thoang thoảng, dịu êm, ngọt ngào như lan tỏa đâu đây.
Ngày ấy, dọc đường quê tôi, những cây hoa dẻ cứ lẩn khuất trong từng bụi rậm như thẹn thùng, né tránh một điều gì. Để mỗi độ thu sang, khi những cơn gió nồm nhẹ nhàng lướt qua mang theo hương hoa dịu dàng hòa tan vào không khí. Hoa dẻ mà người dân quê tôi vẫn thường quen gọi là hoa trập trội và tôi vẫn thấy yêu cái tên dân dã ấy hơn. Còn cái tên hoa dẻ, phải đến năm lớp 3 khi học bài thơ
Chùm hoa dẻ của nhà thơ Xuân Hoài chúng tôi mới được cô giáo chú giải cho tên gọi phổ thông đó. Trong bài thơ ấy, đến giờ tôi vẫn thuộc những câu thơ rất đỗi dễ thương như:
“Bờ cây chen chúc lá/Chùm dẻ treo nơi nào/Gió về đưa hương lạ/Cứ thơm hoài xôn xao/Bạn trai vin cành hái/Bạn gái lượm đầy tay/Bạn trai túi áo đầy/Bạn gái cài sau nón…”.
Hoa dẻ cũng là một loài hoa học trò. Cứ mỗi độ tựu trường, trong ánh nắng thu vàng, lũ trò quê chúng tôi lại rồng rắn trên những con đường làng rợp bóng cây để tới lớp. Bọn con trai thường rủ nhau đi học sớm để tranh thủ hái những chùm hoa dẻ làm quà tặng các bạn gái. Những bông hoa dẻ mới nở có màu xanh lá, rồi dần chuyển sang màu vàng, năm cánh hoa khẳng khiu, mỏng manh uốn cong. Hoa dẻ không cao sang, đài các, nhưng lại mang vẻ đằm thắm của một loài hoa đồng nội. Những bông hoa dẻ kết thành từng chùm, treo lúc lỉu trên những cành cây khẳng khiu và đung đưa tỏa hương theo mỗi làn gió nhẹ. Từng bông hoa dẻ được các bạn nữ xem như vật làm duyên cho mình. Các bạn cài hoa lên mái tóc, giắt hoa trong vành nón, ép hoa trong trang vở, gói hoa để vào ngăn cặp… Có bạn còn dùng bông hoa dẻ gội đầu, để mỗi lần đến lớp, hương hoa lại dịu bay từ trong những mái tóc dài làm thơ thẩn tâm hồn bao gã trai quê.
Em của tôi ngày đó cũng yêu những bông hoa dẻ lắm. Mỗi mùa hoa dẻ, em thường bắt tôi hái thật nhiều để em được thỏa sức ngắm nhìn, nâng niu và tận hưởng mùi hương. Tôi từng kể cho em nghe câu chuyện tình buồn liên quan đến những bông hoa dẻ. Nghe xong, em khóc và từ đấy cấm tôi không bao giờ được kể câu chuyện đó nữa. Bởi em không muốn chuyện tình hai đứa bị chia cắt trái ngang. Vậy mà!!! Trong quyển lưu bút học trò, dưới bông hoa dẻ vẫn còn những nét chữ run run của em: “Thương tặng…”. Kỷ vật ấy, em trao cho tôi ngày cuối cùng của năm học cấp 3. Rồi tôi rời quê mang theo lời hẹn thề ngày về. Nhưng dòng đời cứ cuốn trôi đi với bao lần lỡ hẹn. Còn em cũng cất bước sang ngang. Trong lá thư cuối cùng của em gửi, giữa muôn vàn lời oán trách, em cay đắng nói lời tạ từ tình yêu với những bông hoa dẻ mỏng manh.
Mùa này, cây hoa dẻ chắc đã bắt đầu đơm trái. Và lòng tôi lại rộn lên nỗi niềm về những mùa hoa dẻ năm xưa, về em.
Giang Đình
----------------
* Hoa dẻ hay còn gọi là hoa Y Lang.