07:10, 26/10/2018

Góc vườn tuổi thơ…

Nhiều khi cứ nghĩ bài lai rằng, sẽ thật thiệt thòi cho những ai tuổi thơ không lớn lên với một góc vườn. Ý nghĩ ấy đến với tôi khi nhìn những cậu bé, cô bé chơm chớm dư ký, theo cha mẹ đi cà phê mà miệt mài dán mắt vào điện thoại.

Nhiều khi cứ nghĩ bài lai rằng, sẽ thật thiệt thòi cho những ai tuổi thơ không lớn lên với một góc vườn. Ý nghĩ ấy đến với tôi khi nhìn những cậu bé, cô bé chơm chớm dư ký, theo cha mẹ đi cà phê mà miệt mài dán mắt vào điện thoại.

 


Góc vườn ở quê là thế giới riêng của lũ trẻ. Bọn trẻ sống và lớn lên từ những khu vườn ấy, cả ngày ngoài vườn, trừ khi đi học và tối đi ngủ. Những buổi trưa hè trốn ngủ, rủ nhau lấy nhựa mít đi bắt ve. Tụi con gái chơi đồ hàng bằng đủ thứ trái cây rụng, tiền là lá mít mới hái còn tươm mủ. Là có bữa hồn nhiên chơi trò cô dâu, chú rể, lấy bông bụt bôi đỏ má cô dâu bắt chước đám cưới con bác Ba hôm trước. Góc vườn có gốc cây mận già, nơi lũ trẻ nuôi con dế nhỏ. Bờ dậu có cây ngái thấp, vợ chồng nhà chim sâu khâu dính hai lá lại làm tổ, tụi nhỏ hàng trưa nín thở nhìn 2 trái trứng tròn lấm tấm nâu, chờ ngày chim nở...


Vườn quê với tụi nhỏ cứ như vậy, những trò chơi, những gốc cây, ngọn cỏ bồi đắp hàng ngày cho tâm hồn non trẻ những cảm xúc, những giao tiếp đầu tiên. Như hạt mầm kia khẽ cựa mình nơi góc vườn, lặng lẽ hấp thụ khí trời mà lớn lên thành cây thành cội.


Rồi tụi nhỏ lớn lên, lăn lộn với cuộc mưu sinh nghiệt ngã. Nhưng tôi tin, trong tâm hồn những người lớn ấy vẫn có góc nhỏ chứa trọn những hồn nhiên của một thời thơ bé trong khu vườn kỳ diệu ấy. Càng lớn lên, những kỷ niệm ấy càng da diết mỗi khi nhớ về, giúp cho mình dễ đồng cảm với cuộc đời, giữ cho mình còn một góc riêng trong tâm hồn không chai sạn, như điểm tựa cho mình vịn vào đứng dậy, mỗi khi gặp chuyện không vui. Dù đi xa bao lâu, nhưng mấy ai có thể nào quên những ngày bị mẹ mắng, trốn ra góc vườn ngồi có chú chó vàng trung thành nằm buồn rầu dưới chân, ghếch mắt nhìn cậu chủ nhỏ.


Bây giờ ở thành phố, dễ gì kiếm nổi một góc vườn. Vườn trong phố chỉ còn là khu vườn ký ức trong tuyệt phẩm của Lưu Quang Vũ: “Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh; nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật...”.


Những người thành phố phần lớn có gốc gác từ xứ quê vẫn muốn níu kéo góc vườn tuổi thơ. Sân thượng của nhà trở thành góc vườn nhỏ với đủ thứ chậu sành, chậu sứ, hộp xốp... những hoa, những rau xanh. Hoặc như các đại gia kia bỏ tiền tỷ để rước về những gốc cây cổ thụ giữa rừng xanh núi đỏ, trang hoàng quanh biệt thự thì tôi tin dù là để thỏa mãn sự sang giàu, trong thẳm sâu tâm hồn cũng là để cho con cái được hưởng chút cảm giác sống với góc vườn xưa, như mình đã sống…


Miên man với ký ức về vườn, chợt bật cười vì cái sự bài lai của mình. Vườn ở quê bây giờ cũng là nơi sinh ra tiền, đầu tư công phu chứ đâu có như trước. Những khu vườn xoài, vú sữa, bưởi da xanh... trên Khánh Vĩnh hay trong Cam Lâm cứ đều tăm tắp, chăm bón định kỳ, thu hoạch định kỳ. Nói nôm na là trở thành những vườn chuyên canh, chọn giống cây nào cho năng suất cao, bán trái được nhiều tiền chứ ở đó mà mộng với mơ.


Vậy mới càng nhớ những khu vườn trong ký ức, nơi cuộc đời ta bắt đầu nuôi dưỡng những xúc cảm ban đầu, để rồi thành một phần trong tâm thức. Như những tâm sự trong veo của Lưu Quang Vũ: “Vườn không níu được bước chân trở lại, nhưng lá còn che mát suốt đời anh…”.


Thủy Ngân