11:10, 16/10/2018

Chị tôi

Trời đã bắt đầu nhá nhem tối. Mảnh trăng mờ của những ngày đầu tháng cũng đã treo lên giữa trời. Gió hiu hiu thổi. Mẹ ngó mâm cơm, ngó chiếc đồng hồ treo tường rồi lại đi ra đi vào. Mẹ buông tiếng thở dài, lo lắng:

Trời đã bắt đầu nhá nhem tối. Mảnh trăng mờ của những ngày đầu tháng cũng đã treo lên giữa trời. Gió hiu hiu thổi. Mẹ ngó mâm cơm, ngó chiếc đồng hồ treo tường rồi lại đi ra đi vào. Mẹ buông tiếng thở dài, lo lắng:


- Giờ này chị bây còn chưa về. Không biết có việc gì chứ mọi ngày nó có về muộn vậy đâu. Cơm canh nguội lạnh cả rồi.


- Hay mẹ cứ ăn trước đi kẻo đói bụng. Để con đợi chị được rồi.


Mẹ đi ra hiên ngóng, chép miệng:


- Đói gì chứ! Chờ nó về ăn cho vui. Có ba mẹ con mà người ăn trước, người ăn sau hay sao!


Mẹ vừa dứt lời thì có tiếng xe máy êm êm đầu ngõ, rồi ánh đèn là là mặt đất tiến dần vào sân.


- Chị về rồi mẹ ơi!


- Nay về muộn vậy con? Nhanh, đi tắm rồi ăn cơm kẻo đói.


Chị “vâng” rồi tắt máy, xuống xe.


Ngồi vào mâm cơm, chị nhẹ nhàng:


- Con xin lỗi đã về muộn quá! Lần sau mẹ và em cứ ăn trước đi, chờ con như thế này lại đói bụng cả nhà. Cơm canh nguội ăn cũng mất ngon. Mà mẹ để đói là không tốt đâu.


- Em cũng nhắc mẹ ăn trước nhưng mẹ có chịu đâu, nhất định chờ chị về.


Chị không nói gì nhưng có vẻ rưng rưng nơi khóe mắt. Mẹ thấy vậy, vội giục:


- Ăn đi các con. Này, hôm nay mẹ hái được nắm đậu đũa đầu mùa, xào ngọt lắm nha.


Ba mẹ con tôi vừa ăn, vừa chuyện trò vui vẻ. Chị tôi làm nhân viên tư pháp ở xã. Công việc cũng không có gì nặng nhọc, thường thì cứ hết giờ là về. Nay tự nhiên chị về muộn, mẹ tôi mới lo. Chị kể, chiều nay có đôi vợ chồng đến xin nộp đơn ly dị. Họ còn trẻ lắm, mới cưới nhau được hai năm. Đứa con mới gần một tuổi. Cô vợ mắt đỏ hoe, vừa khóc lóc vừa nói với chị rằng không thể chấp nhận người chồng suốt ngày đi sớm về khuya với bạn, quên cả vợ con. Người chồng cũng bực tức nói không thể ở được với người vợ lúc nào cũng muốn quản lý chồng, không cho chồng được tự do. Họ lời qua tiếng lại ngay trong phòng làm việc của chị. Chờ họ bớt lời, chị mới tìm cách hỏi han, tìm hiểu mọi chuyện, rồi phân tích đúng sai, khuyên can họ.


- Vậy cuối cùng họ có chia tay không chị?


Chị cười nhẹ nhàng:


- Không! Họ đã hiểu và về rồi.


- Bọn trẻ bây giờ lạ thật. Lúc thì đòi lấy cho bằng được, rồi hơi tí là đòi ly dị. Bỏ vợ, bỏ chồng mà chẳng chịu nghĩ ngợi hậu quả ra sao cả.


- Con cũng nói với hai vợ chồng đó. Sống ở trên đời gặp được nhau đã là một cái duyên. Nên vợ nên chồng lại là mối duyên lớn hơn. Còn được bên nhau thì nên trân trọng. Mỗi người bớt đi một chút lòng tự tôn, bỏ qua cái ích kỷ cá nhân của riêng mình, đừng chỉ biết nhìn vào lỗi lầm của người khác mà bắt bẻ nọ kia. Sống với nhau nên biết sẻ chia, bao dung. Đặt mình vào vị trí của đối phương để thấu hiểu họ. Như vậy, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Một quyết định sai lầm có khi cả đời không sửa lại được. Cuộc sống đôi khi chẳng biết trước được điều gì, vì vậy hãy cố gắng thương yêu và giữ lấy nhau khi có thể.


Giọng chị chùng xuống. Chị liếc lên khung hình của anh treo trên tường. Chị lại nhớ anh. Rồi chị cười:


- Cuối cùng thì họ cũng đưa nhau ra về, không đòi ly dị nữa. Bõ công mình ngồi thuyết phục, hòa giải cả buổi.


Mẹ cười. Mẹ thương chị lắm. Ngày chị vui mừng chuẩn bị mặc váy cô dâu để về nhà chồng thì anh trai tôi phát hiện mình bị ung thư gan giai đoạn cuối. Anh tìm cách hắt hủi chị, anh không muốn cuộc đời chị bị chôn vùi, lỡ dở bởi anh. Chị đau khổ lắm, cứ nhìn anh khóc hoài. Nhưng anh càng xua đuổi chị càng không buông tay. Mẹ tôi thương anh nhưng cũng không nỡ để chị chịu thiệt thòi, sau này chịu cảnh đơn chiếc như mẹ, khổ lắm. Chị nấc nghẹn, thưa với mẹ:


- Trên giấy tờ, con và anh Lâm đã trở thành vợ chồng. Đám cưới chỉ là để ra mắt họ hàng. Con không cần đám cưới nữa. Không tổ chức đám cưới cũng được mà mẹ. Con xin mẹ, hãy cho con được ở bên anh Lâm. Con sẽ chăm sóc anh ấy. Chắc chắn anh rất cần có con bên cạnh.


Nước mắt mẹ chan hòa trên khuôn mặt. Mẹ đỡ lấy chị. Xua đuổi không đành, mẹ thương yêu chị thật nhiều, như thể chính đứa con mình sinh ra. Hai năm sau, anh trai tôi mất. Dẫu biết sớm muộn gì cũng có cuộc chia xa này, dẫu đã chuẩn bị tâm lý đón nhận nhưng chị vẫn không cam lòng. Chị bơ phờ, tiều tụy hẳn. Chị gục đầu vào lòng mẹ khóc từng đêm. Vậy mà đã gần mười năm chị ở bên mẹ con tôi. Thương yêu. Lo lắng. Gần mười năm, từ khi tôi còn là một bé con, đến giờ đã quên mất chị là chị dâu của mình. Chị thương tôi, thương mẹ thay cả phần của anh tôi. Đã nhiều lần mẹ khuyên chị tìm cho mình một chỗ nương tựa, nhưng chị ôm mẹ cười, mẹ để con phụ mẹ nuôi em Minh lớn khôn đã chứ. Rồi tôi cũng lớn. Chị lại nói chờ gả chồng cho em Minh xong rồi tính chuyện của con cũng được.


Mẹ buông đũa. Nhìn chị:


- Thương này, Minh cuối năm nay lấy chồng rồi. Con cũng tính xem thế nào. Ở vậy mãi sao được. Thằng Lâm dưới suối vàng chắc cũng không muốn sau này con vò võ một mình đâu.


Chị nhìn mẹ nói vui:


- Em Minh đi lấy chồng, con mà đi nữa thì mẹ ở với ai. Mỗi khi trái gió trở trời, ai xoa bóp cho mẹ! Rồi ai sẽ ăn những món ngon mẹ nấu? Thôi, con không lấy chồng đâu. Ở nhà với mẹ sướng hơn.  


Mẹ lặng lẽ. Bởi mẹ biết, dù có nói thế nào chị cũng không thay đổi. Chị không muốn bỏ mẹ vò võ một mình. Đã bao lần như vậy.


Ngoài kia gió thổi, trời cuối thu đã se se lạnh. Trong nhà đã tắt đèn đi ngủ. Nằm ở gian nhà bên này, tôi còn nghe bên giường mẹ và chị trong gian bên kia tiếng nói chuyện thủ thỉ. Thỉnh thoảng chị lại khúc khích cười.


. Truyện ngắn của Trương Thị Thúy