12:10, 03/10/2018

Ba ơi, mình đi đâu thế!

Truyền hình chiếu chương trình "Bố ơi mình đi đâu thế!" vào trưa thứ Bảy, giờ phát sóng lại nhằm vào giờ nghỉ trưa, lúc đó mẹ bắt Cà Rốt phải ngủ.

Truyền hình chiếu chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế!” vào trưa thứ Bảy, giờ phát sóng lại nhằm vào giờ nghỉ trưa, lúc đó mẹ bắt Cà Rốt phải ngủ. Thằng bé vốn năng động, gần như phải nhắm mắt, lắng nghe tiếng quạt máy chạy phát ra những âm thanh o o, lại lắng nghe ở ngoài đường có tiếng người cười nói. Ngủ trưa với thằng bé là điều chán nhất, nhưng nó phải nằm im vì mẹ bắt phải thế. Buổi trưa không được lấy chiếc ipad chơi game, cũng chẳng được mở ti vi xem các chương trình hoạt hình. Nói chung buổi trưa chỉ có ngủ. Còn hôm nay thì mẹ đi thăm cô bạn ở xa mới tới, nghe nói là họp mặt kỷ niệm, nên buổi trưa hai cha con được tự do. Tự do lớn nhất của Cà Rốt là không phải lên giường, giả vờ nhắm mắt ngủ.


“Bố ơi mình đi đâu thế” phát sóng nhiều tập rồi, nhưng tập này thật cảm động. Đó là mấy ông bố trở nên già, lụm cụm, mấy cô cậu bé con phải lo xoay xở kiếm thức ăn và chăm sóc bố mình. Cuối cùng, cả bọn lặn lội trong đêm, tìm chiếc rương thần để ước cho bố mình trẻ lại. Vừa coi Cà Rốt vừa hỏi: “Ba ơi, chiếc rương thần có thật không?”. Ba cười: “Mai mốt ba và mẹ già, con cũng phải chăm sóc như thế đó”. Cà Rốt “dạ”, trong lòng lại tưởng tượng cảnh mình tìm ra chiếc rương thần. Chắc chắn khi gặp chiếc rương thần, Cà Rốt sẽ ước mình có một mùa hè không phải học, không phải cắm cúi nhìn lên bảng. Cà Rốt phải có một mùa hè giống như các bạn trong “Bố ơi mình đi đâu thế”. Biển ở nhà ngoại đẹp lắm, trên bãi biển có cả dãy phi lao che bóng mát, còn trên bãi biển có những vỏ ốc trôi dạt rất xinh đẹp. Nếu mùa hè được đi biển, Cà Rốt sẽ tắm, sẽ học bơi và sẽ nhặt nhiều vỏ ốc xinh đẹp đem về làm quà cho bạn bè.


Mẹ và ba là hai thái cực, với mẹ thì phải giáo dục con cho thật tốt, không thể để giao tiếp nhiều với lũ trẻ hàng xóm, vì ảnh hưởng điều xấu. Xóm là xóm lao động, người dân nhiều tỉnh, thành tới đây tá túc, mãi rồi thành xóm. Lũ trẻ trong xóm cũng nói nhiều giọng vùng miền khác nhau, chiều chiều nghỉ học hay tụ tập ở sân đất trống dự định sẽ xây công viên vui chơi. Cà Rốt cũng thích chơi với thằng Cà, thằng Ngọt, con Mẫn, con Chi… lắm. Nhưng mẹ cấm. Mẹ bảo: “Con phải trở thành một đứa con ngoan, phải học hành cho giỏi, không thể chơi kiểu bờ bụi như thế được”. Mẹ có cái lý của mẹ, bởi Cà Rốt là con một, lại là cháu đích tôn, mẹ nói thế. Mỗi khi đi học thì ba lái ô tô chở đi, ngồi trong ô tô Cà Rốt không thích, chỉ thích đi xe máy. Có lần ô tô bị hỏng, ba chở xe máy đưa Cà Rốt ra phố, ghé quán cà phê. Chao ơi, cái cảm giác ngồi trên xe máy là một cảm giác lung linh, vui khó tả.


Ba khác với mẹ, ba bảo không cần thiết gò bó con mình vào khuôn phép, mà cần phải cho thằng bé được vui chơi. Ngày xưa ba là trẻ mồ côi, may được bà ngoại nuôi nấng. Đi học ba phải đi bộ, đôi dép nhiều khi đứt lên đứt xuống, ba lấy dây thép cột lại để đi. Ba kể khi đó mái tóc dài quá lứa mà không có tiền hớt tóc, ba bị thầy giám thị phạt quỳ, đến khi biết chuyện đã dắt ba đi hớt tóc. Hồi đó, mùa hè ba chẳng đi học thêm, học phụ đạo, chẳng học vẽ, không học đàn. Nói chung mùa hè chỉ là đi chơi. Rồi ba thở dài: “Tại hồi đó ba có muốn học cũng không được, còn bây giờ con phải học, học thật giỏi để lớn lên con còn lo cho gia đình của mình”. Cà Rốt “dạ” với ba.


Nhưng đi học quả thật là chán, chán lắm luôn. Hết học ở trường, tối về mẹ bảo đi học nhạc. Cà Rốt thỏ thẻ với ba: “Bạn con có mấy đứa được đi chơi, sao con không được đi chơi?”. Ba trả lời: “Mẹ bảo con đi học vì muốn con mai sau trở thành người có ích cho xã hội. Vì mai sau lớn lên, con muốn học nữa cũng không được đâu”. Cà Rốt dạ.


Mẹ có mấy người bạn thân học chung từ nhỏ. Thỉnh thoảng mẹ mời bạn về nhà chơi. Thường những buổi gặp mặt đó ba không tham gia, vì ba bảo chẳng biết nói chuyện gì. Còn Cà Rốt thì hay được mẹ kêu ra để “khoe con”. Mỗi lần mẹ kêu ra, y như rằng ai cũng vuốt đầu Cà Rốt, hỏi chuyện học hành và khen mẹ nuôi con tốt. Sau đó họ lại bàn đến chuyện tương lai của con mình. Người bạn nào của mẹ cũng nói về chuyện học trường nào cho con mình giỏi, và lại bàn đến chuyện học hè. Một người lại kể chuyện những đứa trẻ do cha mẹ có điều kiện nuông chiều, lớn lên trở thành những đứa trẻ vô trách nhiệm và sống ích kỷ.


Nhưng buổi tối khi cả nhà ăn cơm xong, mẹ bỗng kêu Cà Rốt lại: “Mình về ngoại chơi nửa tháng nghe, về ngoại mẹ cho con ra biển”. Trong khi đó Cà Rốt lại đang nghĩ đến chuyện mẹ sẽ bảo mình đi học đàn, hay thậm chí đi học một môn gì đó mà mẹ nghĩ ra.


Cả nhà cùng đóng cửa, mua vé tàu làm một cuộc hành trình về quê ngoại. Đó cũng là lần đầu tiên Cà Rốt đi tàu lửa. Tàu chạy ban ngày, cảnh vật cứ lướt qua, lướt qua khiến cậu bé không thể nào không ngắm nhìn, và nói líu lo mọi thứ chuyện.


Cà Rốt nói với ba: “Ba ơi, mình ra biển nhé”. Rồi Cà Rốt cũng nói với mẹ: “Mẹ ơi, mình đi biển đi, con thích đi biển. Rồi con sẽ kiếm cái rương thần, con sẽ ước ba và mẹ luôn luôn trẻ mãi không già”. Mẹ nhìn ba, có chút ngạc nhiên. Cà Rốt không biết là ba đã lên mạng, mở mấy tập phim “Bố ơi, mình đi đâu thế” để mẹ cùng xem. Mẹ hiểu để cho con cái trưởng thành không phải chỉ là đi học, mà còn một cách giáo dục khác, tỉ dụ như đi về quê ngoại và ra biển…

 

. Truyện ngắn của Khuê Việt Trường