12:05, 03/05/2017

Nỗi buồn không tên

Buổi chiều sau giờ tan sở, trước khi về nhà, anh và bạn thường đến quán vỉa hè uống bia. Theo lệ, mỗi người uống đủ hai chai bia, sau đó chia tay, mạnh ....

Buổi chiều sau giờ tan sở, trước khi về nhà, anh và bạn thường đến quán vỉa hè uống bia. Theo lệ, mỗi người uống đủ hai chai bia, sau đó chia tay, mạnh ai nấy trả tiền. Lúc đầu, anh và bạn có nhiều chuyện tâm sự, nào chuyện gia đình, cơ quan, rồi những tin tức nóng hổi trên báo. Lâu ngày, nói chuyện cuộc đời mãi cũng chán, hai người chỉ ngồi im lặng ngắm nhìn hàng cây, góc phố thân quen, ngắm dòng người ngược xuôi qua lại.


Một lần, hai người đang ngồi thì có một nhóm người vào quán. Nhìn bề ngoài của họ áo quần dính đầy vôi, lem luốc, anh đoán biết ngay họ là dân thợ hồ hoặc thợ sơn. Trong số họ, có một phụ nữ tuổi khoảng trên ba mươi, khuôn mặt rám nắng, sương gió và bươn chải. Ở quán đa phần là đàn ông, dân lao động, có người phụ nữ làm anh và bạn chú ý. Tuy anh và bạn không nói ra, nhưng trong lòng đều nghĩ, họ cũng như mình, sau một ngày làm việc vất vả, họ uống vài ly bia giải khoây, tìm niềm vui cho riêng mình.


Từ đó trở đi ngày nào cũng vậy, hai người ngồi một lúc thì nhóm người đó lại vào quán. Họ nói năng to tiếng, ồn ào và náo nhiệt, hơi thiếu lịch sự. Anh và bạn bắt đầu hơi khó chịu, đặc biệt ấn tượng không tốt về người phụ nữ này. Anh nói bâng quơ: “Nếu là phụ nữ mẫu mực, giờ này đã về nhà với gia đình, chồng con…”. Bạn hiểu ý anh: “Phụ nữ cũng nên nhậu nhẹt, nhưng chỉ quan hệ làm ăn hoặc giao lưu bạn bè, cưới hỏi, tiệc tùng. Chứ nghiện bia rượu, chiều nào cũng nhậu, mình không thích lắm...”. Anh cười cười: “ Đàn ông cũng lạ, chơi bời thì thích phụ nữ ăn nhậu nhưng lại không chọn làm vợ, vẫn thích phụ nữ giỏi việc nhà…”.


Một buổi chiều, sau khi uống vài ly bia, người phụ nữ cầm ly bia sang bàn anh giao lưu: “Em mời hai anh”. Anh cùng bạn nâng ly và nói: “Chiều nào bạn cũng nhậu, thích nhỉ?”. Người phụ nữ có chút men nên mở lòng, tâm sự: “Em làm công nhân phụ hồ anh ạ, vất vả, nhưng chủ thầu ngày nào cũng bắt em đi nhậu chung. Nếu em không đi, hắn giao việc nặng, em làm không nổi. Vì miếng cơm manh áo chứ em là phụ nữ, giờ này cũng muốn về nhà lo chồng con, cơm nước. Vui gì đâu, các anh ơi!… Nói thật với các anh, em mệt mỏi như thế này lắm rồi!...”. Nói xong, như chạm vào nỗi đau, người phụ nữ trở về bàn mình. Anh và bạn bỗng dưng thấy lòng chùng xuống. Tuy không nói ra, nhưng cả hai người cảm thấy có lỗi vì đã nghĩ không hay về chị.


Chiều hôm sau và hôm sau nữa, nhóm thợ hồ lại đến như thường lệ, nhưng không thấy người phụ nữ đó. Anh và bạn bỗng dưng buồn, một nỗi buồn thật vô cớ. Anh nói: “Có lẽ chúng ta buồn vì thói quen. Giống như việc hút thuốc có thể nghiện hoặc không, nhưng sau ăn cơm, đến giờ lại hút, nếu thiếu cảm thấy buồn buồn, nhớ nhớ…”. Bạn lắc đầu, bảo: “Không phải, mình buồn vì lời tâm sự của người phụ nữ ấy…”. Anh cũng đồng tình, hạ giọng: “Có thể vì làm việc nặng, hoặc không chịu nổi bia rượu, nên người phụ nữ ấy đã nghỉ làm phụ hồ rồi…”. Bạn “ừ” rồi im bặt, suy nghĩ mông lung. Anh cũng im lặng, uống ly bia thấy đắng đắng, buồn bã, nỗi buồn không tên…


LÊ ĐỨC QUANG