21:26, 17/11/2023

Tích cực bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

GIANG ĐÌNH

Với mục tiêu giữ gìn nét đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống, các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sinh sống đã triển khai nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, gắn việc phát huy giá trị di sản văn hóa vào hoạt động du lịch.

Nỗ lực gìn giữ

Mới đây, tại xã Ninh Tây, UBND thị xã Ninh Hòa tổ chức bế giảng lớp truyền dạy sử dụng và trình diễn nhạc cụ mã la, cồng chiêng, ching kok cho đồng bào dân tộc Raglai, Ê đê trên địa bàn xã. Sau 2 tuần diễn ra lớp học, 40 học viên là các già làng, trưởng thôn, thành viên đội văn nghệ các thôn đã được cung cấp những kiến thức, kỹ năng để sử dụng 3 loại nhạc cụ nêu trên. Từ lớp học, đã xuất hiện một số nhân tố có khả năng, niềm yêu thích đối với nhạc cụ truyền thống. “Sau khi tham gia lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống, các học viên sẽ tiếp tục được bồi dưỡng, luyện tập thêm những làn điệu mới để sử dụng, biểu diễn được nhiều bài mã la, cồng chiêng, ching kok. Các học viên cũng là lực lượng nòng cốt để xây dựng mô hình câu lạc bộ, đội văn nghệ ở mỗi buôn làng nhằm tiếp tục duy trì, phát triển di sản văn hóa truyền thống của ĐBDTTS”, bà Bùi Thị Song Na - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa cho biết.

Đồng bào Raglai ở huyện Khánh Vĩnh tái hiện lễ ăn mừng đầu lúa mới.
Đồng bào Raglai ở huyện Khánh Vĩnh tái hiện lễ ăn mừng đầu lúa mới.

Từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm giữ gìn di sản văn hóa tiêu biểu của người dân. Huyện Khánh Sơn đã thành lập 5 đội văn nghệ quần chúng người DTTS; xây dựng 3 tủ sách cộng đồng ở các xã: Sơn Lâm, Thành Sơn, Ba Cụm Nam; chuẩn bị tổ chức phục dựng lễ tạ ơn cha mẹ của đồng bào Raglai; mở 1 lớp truyền dạy sử dụng nhạc cụ đàn đá. Huyện Khánh Vĩnh đã tổ chức thành công chương trình tái hiện lễ ăn mừng đầu lúa mới của người dân Raglai; mở 1 lớp truyền dạy sử dụng nhạc cụ mã la. TP. Cam Ranh thực hiện 1 lớp truyền dạy nhạc cụ mã la…

Các địa phương cũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa; xây dựng, sửa chữa các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao tại các thôn vùng ĐBDTTS và miền núi. Đến nay, nhiều thiết chế văn hóa ở các thôn đã hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa, góp phần quan trọng trong việc tổ chức sinh hoạt văn hóa của đồng bào.

Gắn với du lịch

Từ cuối năm 2021 đến nay, các huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Cam Lâm, cùng thị xã Ninh Hòa và TP. Cam Ranh được chọn để thực hiện kế hoạch triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Nhiều việc làm cụ thể, thiết thực đã được các địa phương tổ chức thực hiện nhằm từng bước hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ do UBND tỉnh đề ra. Đặc biệt, cùng với việc quan tâm giữ gìn di sản văn hóa truyền thống của ĐBDTTS, mỗi địa phương đều hướng đến việc đưa giá trị văn hóa gắn với hoạt động phát triển du lịch. Bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: "Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của ĐBDTTS, thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh đã tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn về văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là ĐBDTTS vừa bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa khai thác giá trị vào hoạt động du lịch, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của chính người dân”. 

Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, thực hiện Dự án 6, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành sưu tầm tư liệu di sản văn hóa phi vật thể truyền thống của ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh. Sở Du lịch phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa và Thể thao, các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát sản phẩm phục vụ du lịch tại huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa. Theo dự kiến, Sở Du lịch sẽ phối hợp với UBND huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ lễ tân, buồng phòng, nghiệp vụ bàn, chế biến món ăn phục vụ du lịch; lớp kỹ năng điều hành tour, hướng dẫn du lịch.

Để di sản văn hóa truyền thống ĐBDTTS có thể trở thành sản phẩm du lịch, các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị tại nhà sinh hoạt cộng đồng ở 29 thôn - nơi tổ chức các hoạt động biểu diễn, trình diễn di sản văn hóa phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Tất cả đang hướng tới mục tiêu đến năm 2025, những giá trị di sản văn hóa truyền thống của ĐBDTTS sẽ được chính đồng bào giới thiệu, quảng bá tới du khách. Từ đó, vừa bảo tồn di sản văn hóa một cách bền vững, vừa tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

GIANG ĐÌNH