11:07, 26/07/2019

Những ca khúc về Đường 9 bất hủ

Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh nổi tiếng trên chiến trường chống Mỹ năm 1968, chiến dịch mà quân ta giành chiến thắng toàn diện, xóa sổ toàn bộ quân Mỹ đồn trú ở Khe Sanh, góp phần giải phóng tây Quảng Trị, bảo vệ an toàn đường Hồ Chí Minh Tây Trường Sơn và Lào. Chính vì thế, trong các tác phẩm âm nhạc thời chống Mỹ, số lượng bài hát hay về chủ đề "Đường 9 - Khe Sanh" nổi trội về chất lượng, nhiều ca khúc cho đến hôm nay trở thành bất hủ và chưa có địa danh nào đi vào âm nhạc vừa bi tráng vừa hào hùng như những bài hát về " Đường 9".

Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh nổi tiếng trên chiến trường chống Mỹ năm 1968, chiến dịch mà quân ta giành chiến thắng toàn diện, xóa sổ toàn bộ quân Mỹ đồn trú ở Khe Sanh, góp phần giải phóng tây Quảng Trị, bảo vệ an toàn đường Hồ Chí Minh Tây Trường Sơn và Lào. Chính vì thế, trong các tác phẩm âm nhạc thời chống Mỹ, số lượng bài hát hay về chủ đề “Đường 9 - Khe Sanh” nổi trội về chất lượng, nhiều ca khúc cho đến hôm nay trở thành bất hủ và chưa có địa danh nào đi vào âm nhạc vừa bi tráng vừa hào hùng như những bài hát về “ Đường 9”.

 

Nghĩa trang Đường 9.

Nghĩa trang Đường 9.


Trong số những nhạc sĩ có tác phẩm nhiều nhất về chủ đề chiến thắng Đường 9 chính là nhạc sĩ Huy Thục. Ông được mệnh danh là “nhạc sĩ Đường 9”. “Tiếng hát trên đường quê hương”, “Con suối La La”, “Người con gái Pako”, “Tiếng đàn Ta lư”… bài nào cũng hừng hực khí thế lạc quan và chiến thắng của quân ta sau chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Cho đến hôm nay, nghe lại NSND Lê Dung thể hiện những giai điệu dạt dào, tha thiết và hào sảng của bài “Tiếng hát trên đường quê hương”, chúng ta thấy dâng trào cảm xúc về một thời đạn bom ở mảnh đất này: “Ai đã tới miền quê em Quảng Trị, Thừa Thiên. Qua đường 9, tình Gio Linh lắng nghe giọng hò. Mừng vui báo tin thắng trận, sông Ba Lòng bay bổng lời ca”. Đặc sắc nhất chính là bài hát “Con suối La La” như một bản trường ca về chiến thắng Đường 9, giống như “Sông Lô” thời chống Pháp của Văn Cao… Nhờ có Huy Thục mà lịch sử mảnh đất này còn lưu mãi bằng những trang âm nhạc đặc sắc. Nhạc sĩ Huy Thục sinh năm 1935, quê Hà Nam. Không chỉ nổi tiếng về chủ đề Đường 9 - Khe Sanh, ông còn là nhạc sĩ phổ nhạc thành công thơ chúc Tết của Bác Hồ thành bài hát “Tiến lên chiến sĩ đồng bào”, rồi bài hát cũng vô cùng đỉnh cao có tên “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”.


Cùng tham gia sáng tác chủ đề này có nhạc sĩ Trần Hoàn với ca khúc “Chiều trên Gio Cam giải phóng” với giai điệu giàu chất thơ, đậm màu quê hương Quảng Trị. Ca sĩ Bích Liên nổi tiếng nữ cao mà khi thể hiện đã bị giai điệu mượt mà của ca khúc này khuất phục. Bởi hơn ai hết, người nhạc sĩ của “Sơn nữ ca” nổi tiếng lãng mạn, khi nghe tin một phần mảnh đất quê hương mình giải phóng thì Trần Hoàn thực sự xúc động tới tận đáy lòng. Nghe bài hát này, nhiều người con không chỉ ở Quảng Trị khi đó đều rưng rưng nước mắt.


Đối với nhạc sĩ người Hà Nội - Văn Dung, khi đó vào Trường Sơn thì cảm xúc về chiến thắng Đường 9 cũng thấm vào ông với bài hát rất trẻ trung có tên “Bài ca về đường 9”: “Khe Sanh năm xưa anh đã về đây. Non sông nơi nơi dâng lên niềm vui. Nghe pháo nổ rền vang trời. Bao bốt đồn giặc tơi bời. Anh giải phóng ơi! Quê hương vui sao. Trên đường Chín anh ghi bao chiến công”. Văn Dung góp vào vườn hoa âm nhạc “Đường 9” với bông hoa trong veo cho đến tận hôm nay.


Thời gian có thể trôi đi, ký ức phai dần nhưng nhờ có âm nhạc với những bài hát đặc sắc của những nhạc sĩ tài hoa đã đem lịch sử của một thời oanh liệt trở thành tượng đài bất tử, trong đó có chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh.


DƯƠNG TRANG HƯƠNG