07:06, 09/06/2019

Xâm hại di tích đình Văn Định

Di tích lịch sử đình Văn Định được hình thành từ năm 1800, trải qua nhiều lần trùng tu trước đây, đình vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, cổ kính...

Di tích lịch sử đình Văn Định được hình thành từ năm 1800, trải qua nhiều lần trùng tu trước đây, đình vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, cổ kính. Tuy nhiên, cách đây hơn 1 tháng, di tích này bỗng được tân trang khiến cho người dân nơi đây không còn nhận ra hình dạng của ngôi đình làng một thuở.
 
Hình ảnh đình Văn Định trước đây.
Hình ảnh đình Văn Định trước đây.
 
Nhận được phản ánh của người dân thôn Văn Định (xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa), chúng tôi đã đến đình Văn Định để tìm hiểu sự việc. Khi chúng tôi đến, ngôi đình đang được những người thợ thi công phần sơn vẽ lại các hoa văn, con vật trang trí cho tòa chính điện. Bên ngoài gian chính điện, nhà phía Đông, nhà phía Tây, tường rào đã được sơn mới. Các câu đối bằng chữ Hán dọc theo những trụ cột của gian chính điện đều chưa được viết lại. Bên trong gian chính điện, nền đã được lát gạch men hoàn toàn. Tường chính điện ở ngoài hành lang và bên trong cũng được ốp gạch men sáng màu. Một số bức hình các vị thần, linh vật đã được sơn vẽ lại trông rất tươi tắn. So sánh với hình ảnh được chụp trước đây thì diện mạo ngôi đình hiện tại có sự thay đổi rất nhiều. “Người dân chúng tôi rất ủng hộ việc trùng tu lại đình nhưng không có nghĩa là làm mới theo kiểu hiện đại như thế này. Bây giờ nhìn ngôi đình đã không còn nhận ra những nét thân quen như trước”, một người dân thôn Văn Định chia sẻ.
 
Theo ông Nguyễn Chín - Trưởng thôn Văn Định, sau cơn bão số 12 năm 2017, đình Văn Định có bị hư hỏng nhẹ ở phần mái của chính điện, một số mảng tường, nền cũng bị bong tróc. Với thực trạng đó, người dân trong thôn đã họp bàn thống nhất việc tu bổ đình. Sau khi có một mạnh thường quân ủng hộ 70% kinh phí (tổng kinh phí sửa đình hết 65 triệu đồng), người dân đóng góp 30% kinh phí còn lại, thôn đã trình lên UBND xã Ninh Phú về việc tu bổ di tích đình Văn Định. “Trước khi thực hiện việc tu bổ đình, tôi đã đến UBND xã gặp anh Khánh (ông Tô Mỹ Khánh - Chủ tịch UBND xã Ninh Phú) để hỏi về trình tự thủ tục vì nó có liên quan đến di tích được xếp hạng. 
 

 

Di tích lịch sử đình Văn Định đang được tân trang.
Di tích lịch sử đình Văn Định đang được tân trang.
 
Lúc đó, anh Khánh nói về làm đơn xin phép xã được tu bổ đình, kèm theo biên bản họp dân và biên bản kiểm tra tình trạng hư hại của đình. Sau khi gửi đơn xin phép xã và được lãnh đạo xã đồng ý, chúng tôi thực hiện thi công tu bổ đình”, ông Nguyễn Chín nói. 
 
Ông Phạm Lượm - Trưởng Ban quản lý di tích đình Văn Định cho rằng: “Khi được lãnh đạo xã đồng ý, ngày 24-4, việc trùng tu đình được bắt đầu triển khai, đến nay đã hoàn thành khoảng 95% công việc. Người dân chúng tôi ít hiểu biết về trình tự thủ tục để xin phép tu bổ, sửa chữa di tích, nên sau khi viết đơn xin phép xã và được lãnh đạo xã cho làm thì chúng tôi thực hiện”. 
Đình Văn Định được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2013. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình là địa điểm gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử cách mạng ở địa phương. Đình cũng là nơi che giấu cán bộ, chiến sĩ bí mật hoạt động cách mạng; cất giấu lương thực, thực phẩm, thuốc men phục vụ cho chiến khu Hòn Hèo và các hầm trong hệ thống hầm bí mật của làng Văn Định. Đây cũng là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống của người dân địa phương. Hàng năm, các lễ hội truyền thống của người dân trong làng vẫn được tổ chức ở đình. Hiện nay, đình lưu giữ được 5 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn. 
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, đến ngày 5-6, Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đều chưa nhận được một văn bản nào thông báo về việc tu bổ di tích lịch sử đình Văn Định. Ông Phạm Thanh Sinh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Phú cho biết, ông có nghe qua việc thôn Văn Định gửi đơn xin phép sửa nền và vách tường bị bong tróc của đình, tuy nhiên nội dung cụ thể như thế nào thì không nắm rõ. Việc tu bổ, sửa chữa đình Văn Định như hiện nay là có những thiếu sót về mặt trình tự thủ tục.
 
Theo ông Hoàng Quý - Trưởng phòng Nghiệp vụ Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, theo Luật Di sản, đối với di tích đã được xếp hạng, khi tiến hành sửa chữa bất kỳ một hạng mục nào đều phải có đơn xin phép, hồ sơ thiết kế từ cơ sở trình cơ quan chức năng các cấp để xem xét. Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan có thẩm quyền chưa nhận được bất cứ một văn bản nào liên quan đến việc xin phép tu bổ, sửa chữa đình Văn Định. “Sau khi nghe thông tin người dân phản ánh về việc sửa chữa di tích lịch sử đình Văn Định, chúng tôi đã đi khảo sát thực tế. Qua đó, chúng tôi nhận thấy việc tu bổ, sửa chữa này đã làm biến dạng chính điện - khu vực vùng lõi của di tích bằng cách nền đã được lát gạch men, tường được ốp gạch men. Điều này so với hiện trạng trước đây được thể hiện trong hồ sơ di tích đã không còn đúng và có thể xem là hành vi xâm hại di tích đã được xếp hạng. Theo quy định, với di tích cấp tỉnh, việc tu bổ, sửa chữa, trùng tu, tôn tạo di tích gốc, vùng lõi của di tích phải được UBND cấp tỉnh cho phép. Với tình hình đó, chúng tôi đã đề nghị tạm ngừng việc tu bổ để không có những hành động tiếp theo làm sai lệch đối với di tích. Cùng với đó, chúng tôi sẽ có văn bản gửi Sở Văn hóa và Thể thao để có hướng xử lý”, ông Hoàng Quý cho biết.  
 
GIANG ĐÌNH