Đã 65 năm trôi qua, nhưng những thước phim về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn đem đến cho khán giả cảm xúc về những ký ức hào hùng năm xưa.
Đã 65 năm trôi qua, nhưng những thước phim về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn đem đến cho khán giả cảm xúc về những ký ức hào hùng năm xưa.
Hoa ban đỏ, Ký ức Điện Biên, Đường lên Điện Biên, Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi… là những bộ phim góp phần làm sống lại những ngày tháng khoét núi, ngủ hầm đầy gian khó mà lẫy lừng của quân dân ta trên mặt trận Điện Biên. Một điều trùng hợp là những bộ phim này đều được phát hành gắn liền với những mốc kỷ niệm về chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong đó, Hoa ban đỏ - bộ phim chiến tranh dạng bán tài liệu của đạo diễn Bạch Diệp được công chiếu lần đầu năm 1994, nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã nhanh chóng ghi được dấu ấn trong lòng khán giả. Câu chuyện phim xoay quanh mối tình của Phương - một tiểu đoàn trưởng bộ đội chủ lực và Tấm - cô nữ dân quân kiêm y tá xinh đẹp. Tình yêu đó đã bị chia cắt bởi chiến tranh, khi trong những đoàn quân trở về sau chiến dịch đã không có Phương. Bên cạnh câu chuyện tình yêu buồn, bộ phim khiến khán giả rơi nước mắt với những mất mát, hy sinh to lớn của bộ đội ta để có được chiến thắng. Hoa ban đỏ khắc họa một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc những mất mát, đau thương của con người trong chiến tranh, nhưng trên hết là ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trong trận đánh lịch sử này.
Năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, khán giả cả nước đón chờ bộ phim Ký ức Điện Biên của Hãng phim truyện Việt Nam. Bộ phim do đạo diễn Đỗ Minh Tuấn làm đạo diễn và có những cảnh quay được thực hiện ở thủ đô Paris của nước Pháp. Điện Biên Phủ được tái hiện thông qua ký ức của nhân vật Bạo - người lính vệ quốc đoàn và Bernard - trung sĩ Pháp khi hai người gặp lại nhau. Từ những câu chuyện xảy ra trong quá khứ của mỗi nhân vật, các tác giả phim đã khắc họa những giá trị nhân văn trong chiến tranh. Với thủ pháp đan xen giữa ký ức và hiện tại, giữa hồi tưởng quá khứ và mong ước tương lai một cách khéo léo đã tạo nên sự hấp dẫn đối với khán giả. Bên cạnh những hình ảnh hầm hào, bom đạn… đậm chất chiến tranh, khán giả còn thấy được khao khát hòa bình của chính những người trong cuộc.
Năm 2009, Đài Truyền hình Việt Nam đã mua bản quyền phát sóng bộ phim tài liệu Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi của đạo diễn người Pháp Daniel Roussel. Bộ phim đã tổng hợp lại một cách chân thực, đa diện về những diễn biến trên chiến trường Điện Biên Phủ từ cuối năm 1953. Trong phim, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại những suy nghĩ và quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của mình đó là chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Những hình ảnh quý giá về hội nghị Giơnevơ với những diễn biến thông tin về quá trình đàm phán cũng được tác giả sử dụng.
Cách đây 5 năm, bộ phim truyền hình dài 26 tập của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng với tựa đề Đường lên Điện Biên đã thể hiện một cách khá trọn vẹn mối quan hệ nghĩa tình giữa lực lượng dân công hỏa tuyến với bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hành trình của một tiểu đoàn bộ binh chủ lực lên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và chuyến đi thồ lương, tải đạn cho chiến dịch của 500 cô gái dân công hỏa tuyến chính là chất xúc tác cho phim. Qua đó, khán giả thấy được những cảnh chiến đấu đầy khốc liệt và cả những khoảng lặng, những câu chuyện tình lãng mạn giữa những người lính và các cô gái dân công. Những cảnh phim đẹp được lấy bối cảnh ở nhiều địa phương khác nhau từ Hà Nội đến Điện Biên, Sơn La, Yên Bái… đã góp phần lớn tạo nên sự thành công của bộ phim.
Những bộ phim về đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã đưa đến cho khán giả cái nhìn chân thực, xúc động về những con người đã làm nên lịch sử dân tộc Việt Nam. Mỗi thước phim như làm sống lại những ký ức về một thời lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
GIANG ĐÌNH (Tổng hợp)