Với nhiều việc làm cụ thể, hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã góp phần vào việc thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng. Tuy nhiên, để văn hóa đọc có bước phát triển vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Với nhiều việc làm cụ thể, hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã góp phần vào việc thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng. Tuy nhiên, để văn hóa đọc có bước phát triển vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Nỗ lực xây dựng phong trào đọc sách
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao, thực hiện đề án phát triển văn hóa đọc, đến nay mức hưởng thụ bình quân sách trong hệ thống thư viện công cộng đạt 0,5 bản/người; tổng số lượt người truy cập và sử dụng thông tin tại các thư viện đạt 470.000 lượt/năm; có 20% thư viện công cộng có vốn tài liệu tổng hợp đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng. Bà Phan Thị Long Trà - Phó Giám đốc phụ trách Thư viện tỉnh cho biết, các chỉ tiêu nhiệm vụ của năm 2018, đơn vị đều đạt và vượt so với năm trước. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm đưa văn hóa đọc đến gần hơn với người dân.
Bà Phan Thị Long Trà - Phó Giám đốc phụ trách Thư viện tỉnh: Trong năm 2018, Thư viện tỉnh đã bổ sung, xử lý 10.336 bản sách với 3.655 tên sách, nâng tổng số sách hiện có là 367.399 bản; bổ sung 183 tên báo, tạp chí. Đơn vị cũng đã cấp mới, gia hạn 1.800 thẻ bạn đọc, trong đó có 567 thẻ thiếu nhi. Số lượng độc giả đến đọc, mượn sách báo đạt 132.471 lượt bạn đọc… |
Thông qua các hoạt động như: hội thi thiếu nhi kể chuyện sách; tổ chức 21 lần thông tin tuyên truyền, 8 đợt trưng bày triển lãm sách báo, đặc biệt là trưng bày ở các trường học đã góp phần khích lệ độc giả, nhất là học sinh đến gần hơn với văn hóa đọc. Năm qua, Thư viện tỉnh cũng đã thực hiện việc nâng cấp phòng đọc sách thiếu nhi từ nguồn kinh phí xã hội hóa, thu hút một lượng độc giả nhí thường xuyên đến đây đọc sách. Một số trường học trên địa bàn TP. Nha Trang đã có sự phối hợp với Thư viện tỉnh để tổ chức cho học sinh đến đọc sách, tìm kiếm tài liệu. “Tôi thường cho con đến Thư viện tỉnh vào mỗi dịp cuối tuần. Đến đây, cháu có điều kiện để tìm đọc những quyển sách mình yêu thích, từ đó có thêm kiến thức cho bản thân”, chị Nguyễn Thanh Thúy Hoa (đường Bạch Đằng) cho biết.
Để xây dựng phong trào đọc sách trong toàn tỉnh, nhiều năm qua, Thư viện tỉnh đã làm tốt công tác luân chuyển sách xuống cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Riêng trong năm 2018, đơn vị đã thực hiện 45 lần luân chuyển sách với số lượng 38.000 bản. Đơn vị cũng đã xây dựng thêm 4 điểm tiếp nhận sách ở trường học, nâng tổng số các điểm hiện nay là 76 điểm; thực hiện việc chia sẻ 622 bản sách được biếu tặng cho thư viện ở các địa phương.
Đối với hệ thống thư viện cấp huyện, toàn tỉnh có 9 thư viện ở các huyện, thị xã, thành phố. Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động nhưng các thư viện cũng đã nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần đưa văn hóa đọc trở lại với người dân. Năm 2018, các thư viện cấp huyện đã cấp mới, gia hạn 2.265 thẻ bạn đọc, trong đó có 888 thẻ cho thiếu nhi; đón tiếp 82.828 lượt bạn đọc; thực hiện việc luân chuyển sách tới 76 điểm với số lượng 12.285 bản.
Vẫn còn khó khăn
Theo ông Võ Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, hoạt động của hệ thống thư viện công cộng đã góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng. Tuy nhiên, trong hoạt động thư viện vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đối với hệ thống thư viện cấp huyện, cơ sở vật chất còn gặp nhiều thiếu thốn, địa điểm thường ở xa khu dân cư nên chưa thu hút người dân đến với thư viện. Kho sách của các thư viện cấp huyện cũng chưa thực sự phong phú, việc bổ sung sách mới còn hạn chế; việc ứng dụng công nghệ thông tin vẫn chưa được thực hiện. Với thư viện cấp xã, hiện chỉ còn 2 thư viện nhưng hoạt động cũng chưa nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Các điểm đọc sách ở bưu điện văn hóa xã hoạt động không hiệu quả.
“Để từng bước giải quyết những khó khăn trên, trong năm 2019, chúng tôi sẽ tập trung vào một số vấn đề như: tăng cường phối hợp với UBND các địa phương, các ban, ngành liên quan để có sự quan tâm hơn nữa đến hoạt động của mạng lưới thư viện cấp huyện, cấp xã; tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương trong việc luân chuyển sách. Đồng thời, đề nghị Thư viện Quốc gia hỗ trợ phần mềm quản lý thư viện cho hệ thống thư viện cấp huyện”, ông Võ Ngọc Hùng cho biết.
Giang Đình