Những ca khúc, bản nhạc được xem là đứa con tinh thần đối với các nhạc sĩ. Nhưng con đường từ bàn viết đến với công chúng của các sáng tác đó đối với nhạc sĩ xứ Trầm xem ra còn nặng trĩu những nỗi lòng.
Những ca khúc, bản nhạc được xem là đứa con tinh thần đối với các nhạc sĩ. Nhưng con đường từ bàn viết đến với công chúng của các sáng tác đó đối với nhạc sĩ xứ Trầm xem ra còn nặng trĩu những nỗi lòng.
Khánh Hòa là một trong số những địa phương mà dòng chảy sáng tác âm nhạc vẫn được duy trì. Những nhạc sĩ ít nhiều ghi được dấu ấn với công chúng âm nhạc trong và ngoài tỉnh, có thể kể đến như: Hình Phước Long, Tố Hải, Hình Phước Liên, Giao Tiên, Kiên Thanh… Có dịp trò chuyện với những nhạc sĩ xứ Trầm về con đường sáng tác, điều dễ nhận thấy là các nghệ sĩ có chút chạnh lòng.
Hiện nay, những tác phẩm âm nhạc vẫn được giới trẻ trong cả nước ào ào cho ra đời, giới thiệu trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội dù không cần biết đời sống của những tác phẩm đó như thế nào. Còn ở Khánh Hòa, các nhạc sĩ vẫn chung thủy với những cách giới thiệu ca khúc mang tính truyền thống. “Lâu nay, sau khi viết xong ca khúc, bản nhạc nào đó, tôi chủ yếu gửi tới các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên để dàn dựng biểu diễn. Còn thỉnh thoảng, nơi nào đó thấy thích thì tự lấy làm đĩa rồi đưa lên mạng”, nhạc sĩ Hình Phước Liên cho biết.
Con đường giới thiệu tác phẩm của các nhạc sĩ Khánh Hòa vẫn theo cách đưa tác phẩm đi tham dự các cuộc thi, gửi cho các đơn vị nghệ thuật, đài phát thanh - truyền hình để mong được họ dàn dựng; một số khác thì cho in trên các tờ báo, tạp chí chuyên ngành. Ngoài ra, hướng sáng tác theo đơn đặt hàng của các tập thể, cá nhân cũng là một cách để các nhạc sĩ mang những đứa con tinh thần của mình đến với công chúng. “Người nhạc sĩ chỉ biết viết tác phẩm rồi gửi đi, còn chuyện tác phẩm của mình có được sử dụng để dàn dựng, đến được với công chúng hay không còn phụ thuộc vào những yếu tố khác. Tôi cũng có một số tác phẩm đạt giải ở các cuộc thi lớn, nhưng sau khi nhận giải thì không thấy ban tổ chức đưa tác phẩm ra dàn dựng”, nhạc sĩ Kiên Thanh - Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh chia sẻ.
Việc đưa tác phẩm đi dự thi có đạt giải được hay không đã khó, nhưng đạt giải rồi có điều kiện để dàn dựng, công bố những tác phẩm hay không lại là một chuyện khác. Còn với cách gửi cho các đoàn nghệ thuật thì số phận của các tác phẩm mới cũng lênh đênh không kém. Bởi nếu tác phẩm phù hợp với chương trình của các đoàn thì mới có cơ may được dàn dựng, công diễn. Còn nếu không thì tác phẩm lại phải xếp hàng trong ngăn tủ của các đoàn. Việc đem tác phẩm giới thiệu trên các tờ báo, tạp chí chuyên ngành thực chất chỉ là phương án cuối cùng được lựa chọn. Bởi khi đã giới thiệu lên đó thì nghiễm nhiên tác phẩm đã được công bố, nên sẽ rất khó để có thể tham gia các cuộc thi. Và như thế, số nhuận bút thu lại từ việc viết tác phẩm mới của các nhạc sĩ sẽ thấp hơn nhiều.
Chính vì thế, các nhạc sĩ chuyên nghiệp (sống được bằng nghề viết nhạc, sáng tác ca khúc) ở Khánh Hòa chủ yếu là viết theo đơn đặt hàng hoặc tham gia các cuộc thi sáng tác của các ngành, các doanh nghiệp. Thường thì sau khi nhận được tác phẩm, các đơn vị sẽ trả một khoản nhuận bút xứng đáng cho tác giả, đồng thời thực hiện việc dàn dựng tác phẩm. Nhiều đơn vị sẵn sàng bỏ kinh phí lớn thuê ca sĩ nổi tiếng để hát, thuê nhà sản xuất âm nhạc để làm tác phẩm. Có thể kể tên một số tác phẩm đi ra từ các cuộc thi đã có đời sống trong thời gian qua như: Kể chuyện loài chim yến (nhạc sĩ Hình Phước Long), Đảo yến mùa xuân (nhạc sĩ Kiên Thanh), Ngôi sao niềm tin, ngôi sao Hồ Chí Minh, Em là hoa Ê ban (nhạc sĩ Hình Phước Liên)… “Bây giờ tôi chủ yếu sáng tác theo đơn đặt hàng. Còn cái nào mình thích thì viết, sau đó gửi vào TP. Hồ Chí Minh rồi nhờ bạn bè trong đó xem có sử dụng được không”, nhạc sĩ Hình Phước Liên cho biết.
Hiện nay, tình trạng những tác phẩm chính thống theo định hướng gần như không có kinh phí để dàn dựng đang là vấn đề lớn đối với các nhạc sĩ Khánh Hòa nói riêng và cả với Hội Nhạc sĩ Việt Nam nói chung. “Hàng năm, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh có cấp kinh phí để cho một số nhạc sĩ công bố tác phẩm hoặc sáng tác tác phẩm mới. Thế nhưng, nguồn kinh phí này quá hạn hẹp. Còn sự hợp tác với các nhà sản xuất vẫn chưa diễn ra, bởi đơn giản mình không có những tác phẩm như yêu cầu của họ”, nhạc sĩ Kiên Thanh cho biết.
Có lẽ, làm sao để những đứa con tinh thần của mình được mọi người biết và có chỗ đứng trong lòng người nghe vẫn là câu hỏi canh cánh đối với mỗi nhạc sĩ...
Giang Đình