03:04, 16/04/2020

Amazon bạo chi 250 triệu bảng mua tên sân vận động Tottenham

"Gã khổng lồ" công nghệ Amazon của Mỹ quyết định bỏ ra số tiền khổng lồ lên đến 250 triệu bảng để mua quyền đặt tên cho sân bóng của CLB Tottenham trong vòng 10 năm.
 

"Gã khổng lồ" công nghệ Amazon của Mỹ quyết định bỏ ra số tiền khổng lồ lên đến 250 triệu bảng để mua quyền đặt tên cho sân bóng của CLB Tottenham trong vòng 10 năm.
 
Bất chấp sự cạnh tranh quyết liệt từ hãng sản xuất trang phục thể thao Nike, Amazon vẫn nổi lên như là đối tác tiềm năng số 1 của Tottenham trong dự án sang nhượng tên sân bóng lớn nhất trong lịch sử. Năm 2004, Arsenal bán tên sân cho hãng hàng không Emirates với giá 4 triệu bảng/năm trong vòng 15 năm, hoặc Man City đổi tên sân City of Manchester thành Etihad khi nhận được bản hợp đồng 10 năm trị giá 12 triệu bảng/năm từ hãng hàng không quốc gia của Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).

 

Sân Tottenham trị giá 1,1 tỉ bảng vừa được đưa vào sử dụng tháng 4-2019.
Sân Tottenham trị giá 1,1 tỉ bảng vừa được đưa vào sử dụng tháng 4-2019.
 
Mặc dù đôi bên chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, nhất là trong tình hình khó khăn chung về tài chính do cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 gây ra, thế nhưng Amazon được cho là sắp chính thức ký kết hợp đồng lịch sử này. Hơn nửa năm qua, sự hiện diện của Amazon tại Tottenham Stadium đã trở nên hết sức quen thuộc khi họ chính là đối tác thực hiện bộ phim tài liệu hậu trường "All or nothing" nói về đội bóng Bắc London.
 
Theo chủ tịch CLB Daniel Levy, Tottenham hoàn toàn có thể đảm bảo khoản thu lên tới 25 triệu bảng/mùa trong ít nhất 10 năm cho thỏa thuận quyền đặt tên sân bóng trị giá hơn 1 tỉ bảng vừa được hoàn tất và đưa vào sử dụng cách đây không lâu. Sức hấp dẫn toàn cầu của giải Ngoại hạng Anh và việc các trận đấu Champions League diễn ra trên sân bóng đẹp nhất London này chính là điểm thu hút rõ ràng đối với các bên quan tâm đến việc hợp tác cùng Spurs.

 

Nike, nhà tài trợ trang phục cho Spurs, quan tâm đến việc mua tên sân.
Nike, nhà tài trợ trang phục cho Spurs, quan tâm đến việc mua tên sân.
 
Việc Tottenham Stadium cũng được sử dụng để tổ chức các trận đấu của giải bóng bầu dục NFL hay các sự kiện xã hội, thể thao hàng đầu khác cũng khiến cho việc thương thảo hợp đồng đặt tên sân trở nên hấp dẫn hơn đối với các đối tác. Trong bối cảnh tài chính hiện tại, Amazon hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu giá cả của Tottenham khi nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng vọt vì dịch bệnh đã đẩy giá trị cổ phiếu Amazon tăng 5%, lên mức cao nhất trong lịch sử hôm 14-4 vừa qua. Giá trị của "gã khổng lồ" làng công nghệ và bán lẻ trực tuyến này hiện đạt 1,1 nghìn tỉ bảng, biến Amazon thành công ty lớn thứ 2 thế giới đạt cột mốc nghìn tỉ bảng, chỉ sau Microsoft.

 

Amazon trở thành công ty thứ 2 thế giới vượt mốc nghìn tỉ bảng.
Amazon trở thành công ty thứ 2 thế giới vượt mốc nghìn tỉ bảng.
 
Tottenham trong khi đó cũng trở thành CLB Ngoại hạng đầu tiên giao sân bóng của mình cho Cơ quan Y tế quốc gia (NHS) sử dụng để phục vụ cho việc chữa trị bệnh nhân mắc Covid-19. Sân bóng có 62.000 chỗ ngồi này đã mở cửa hôm 14-4, nhận thực hiện 70 ca kiểm tra nhiễm virus SARS-CoV-2 mỗi ngày với 10 nhân viên y tế túc trực tại chỗ 5 ngày trong tuần. Bãi đậu xe tầng hầm của sân được sử dụng làm nơi kiểm tra không phải dừng xe dành cho nhân viên Bệnh viện Đại học North Middlesex.

 

Sân Tottenham được giao cho NHS phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Sân Tottenham được giao cho NHS phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19.
 
Năm 2015, Real Madrid đạt thỏa thuận "bán" tên sân Bernabeu cho Quỹ đầu tư tài chính Abu Dhabi với giá 300 triệu bảng trong vòng 20 năm trước sự thất vọng của hai "ông lớn" CocaCola và Microsoft. Tuy nhiên, dự án này đã đổ vỡ khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người hâm mộ trong bối cảnh Real Madrid không hề gặp bất cứ khó khăn tài chính nào.
Năm 2018, Barcelona cũng có ý định bán tên sân Nou Camp cho hãng dược phẩm Grifols trong vòng 20 năm với hợp đồng trị giá 355 triệu bảng. Tuy vậy, vì nhiều lý do, thỏa thuận này đã không thành hiện thực.
 
Theo nld.com.vn