Theo ý kiến của các địa phương, nên gắn kết chương trình xây dựng nông thôn mới với công tác bảo vệ, trùng tu, sửa chữa di tích đình làng nhằm sử dụng hiệu quả các cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa ở các địa phương hiện nay.
Theo ý kiến của các địa phương, nên gắn kết chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) với công tác bảo vệ, trùng tu, sửa chữa di tích đình làng nhằm sử dụng hiệu quả các cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa ở các địa phương hiện nay.
Nhiều đình làng ở các địa phương bị xuống cấp trầm trọng do thiếu kinh phí tu sửa. |
Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa ở các thôn, xã hiện đang gặp rất nhiều khó khăn khi huy động nguồn kinh phí, quỹ đất đầu tư xây dựng. Đó là chưa kể nhiều thôn, xã sau khi xây dựng xong các nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng thì hiệu quả sử dụng không cao, gây ra tình trạng lãng phí. Như nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Buôn Lác, thôn Buôn M’Đung (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa) đang bị xuống cấp nghiêm trọng do thiếu sự quản lý, lâu ngày không sử dụng hoặc chỉ sử dụng 1, 2 lần trong năm để tổ chức lễ hội, tiếp xúc cử tri…
Trong đợt giám sát mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, nhiều ý kiến của lãnh đạo huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, TP. Nha Trang… đề xuất nên gắn kết giữa chương trình xây dựng NTM với công tác quản lý, trùng tu, bảo vệ di tích đình làng nhằm giải quyết bài toán khó khăn kinh phí trong việc bảo vệ, trùng tu, sửa chữa các di tích lịch sử văn hóa, vừa chống lãng phí. Theo ông Lê Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, đến cuối năm 2015, huyện phấn đấu có 2 xã đạt chuẩn NTM là Vạn Hưng và Vạn Lương. Tính đến nay, trên địa bàn huyện chỉ có xã Vạn Lương đạt 15/19 tiêu chí; 4 xã: Vạn Hưng, Vạn Phú, Vạn Thọ, Vạn Bình đạt từ 12 đến 13 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 6 đến 9 tiêu chí. Hiện nay, khó khăn nhất của các địa phương chính là nguồn kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn NTM. Trong khi đó, công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị lịch sử văn hóa đình làng ở các xã gặp không ít vướng mắc. Ông Thắng đề xuất tỉnh xem xét việc kết hợp tiêu chí xây dựng thiết chế văn hóa thôn, xã với công tác bảo vệ, trùng tu các đình làng. Việc này sẽ giúp địa phương chủ động trong việc phân bổ nguồn kinh phí. “Đình Trung Dõng 1 (xã Vạn Bình) là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân trong thôn. Hiện nay, đình đang bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng thiếu kinh phí trùng tu, sửa chữa. Do đó, thay vì bỏ ra hơn 500 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa thôn thì có thể sử dụng số tiền này nâng cấp, sửa chữa hội trường của đình để tạo điều kiện cho người dân có nơi hội họp, phát huy các giá trị truyền thống và giúp địa phương chủ động nguồn kinh phí”, ông Thắng đề nghị.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Lê Đình Trị - Phó Chủ tịch HĐND TP. Nha Trang, thành viên đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho biết, hiện nay, các địa phương trên toàn tỉnh đang gặp khó khăn trong việc phân bổ nguồn kinh phí để có thể hoàn thành tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa cũng như trùng tu, sửa chữa các di tích lịch sử. Để bảo tồn và phát huy giá trị đình làng, trong 5 năm (từ 2006 - 2010), TP. Nha Trang đã có 17 đình, đền, miếu được tu bổ với tổng kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng (nguồn kinh phí này được phân bổ theo tỷ lệ 60% ngân sách Nhà nước, 40% đóng góp của nhân dân). Năm 2014, có 12 di tích lịch sử văn hóa được hỗ trợ tu bổ theo tỷ lệ 80% kinh phí ngân sách và 20% kinh phí nhân dân đóng góp. Hiện nay, có 4 đình được hỗ trợ tu bổ xong với kinh phí hơn 3,6 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này rất lớn, không phải địa phương nào cũng có thể bố trí được như TP. Nha Trang. Chính vì vậy, việc gắn kết chương trình xây dựng NTM với công tác bảo vệ, trùng tu, sửa chữa di tích đình làng sẽ giúp địa phương chủ động kinh phí, sử dụng một cách có hiệu quả các cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa này.
Thiết nghĩ, ý kiến đề xuất của các địa phương cần được UBND tỉnh xem xét, tạo cơ chế.
AN NHIÊN