UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản số 8537 yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai giải pháp cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PARI); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022 và những năm tiếp theo.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản số 8537 yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai giải pháp cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PARI); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022 và những năm tiếp theo. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Võ Chí Vương - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết:
Những năm qua, nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, tỉnh đã đạt một số kết quả tích cực trong việc cải thiện và nâng cao các chỉ số: PARI, SIPAS, PCI, PAPI. Tuy nhiên, tốc độ cải thiện nhìn chung còn chậm so với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Vị trí của Khánh Hòa trên bảng xếp hạng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Do đó, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 8537 chỉ đạo triển khai các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao điểm số và thứ bậc của tỉnh về 4 chỉ số trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
- Xin ông cho biết các giải pháp cơ bản mà UBND tỉnh yêu cầu thực hiện?
- Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch, dự án, thu - chi ngân sách địa phương; chủ động cung cấp đầy đủ các thông tin về cơ chế, chính sách; hướng dẫn, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tiếp cận, thực hiện thuận lợi. Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục rà soát, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, biểu mẫu, quy trình giải quyết TTHC, nhất là về đầu tư, đất đai, xây dựng, tư pháp... Cùng với đó, thực hiện nghiêm quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết hồ sơ TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phấn đấu tăng tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm hạn, giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn trên các lĩnh vực: Đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng, thuế, bảo hiểm xã hội, lao động, thương binh và xã hội xuống dưới 2%. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần đa dạng hóa hình thức cung cấp thông tin TTHC; niêm yết, công khai đường dây nóng, các quy định, quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị; công khai đầy đủ những nội dung đã tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về những tiện ích khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến; hỗ trợ người dân, tổ chức thực hiện khi có nhu cầu giải quyết hồ sơ TTHC; duy trì, đổi mới phương thức khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, phấn đấu mức độ hài lòng năm 2022 đạt hơn 83% theo kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh. Đồng thời, tăng cường đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; nâng cao trách nhiệm giải trình với cá nhân, tổ chức; giải quyết các đề xuất, kiến nghị thông qua tiếp dân định kỳ, các cuộc làm việc, tiếp xúc cử tri. Cùng với đó, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác cải cách hành chính, tập trung kiểm tra chuyên đề và đột xuất, qua đó khắc phục các hạn chế, xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác cải cách hành chính. Toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2022 trước ngày 31-1-2023 bằng nhiều giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách địa phương.
- Thưa ông, hồ sơ giải quyết TTHC ở lĩnh vực đất đai nhiều, tỷ lệ giải quyết trễ hẹn thường cao hơn một số lĩnh vực khác. Vậy, UBND tỉnh có những chỉ đạo cụ thể gì để khắc phục?
- UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các TTHC có kết quả phụ thuộc vào TTHC khác mà chưa công bố thời gian giải quyết, đề xuất giải pháp và báo cáo UBND tỉnh để khắc phục tình trạng thời gian giải quyết kéo dài, chuyển trả nhiều lần giữa các cơ quan trong quá trình phối hợp giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông. Đồng thời, khẩn trương tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh các quy trình nội bộ giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai, đảm bảo phù hợp với quy định và thực tiễn, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết TTHC cũng như cán bộ, công chức trong quá trình tác nghiệp trên phần mềm một cửa điện tử. Cùng với đó, tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý đẩy mạnh số hóa hồ sơ TTHC lĩnh vực đất đai; gửi, nhận văn bản, hồ sơ trên môi trường điện tử, không gửi kèm theo văn bản, hồ sơ giấy để tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả phối hợp giải quyết hồ sơ TTHC.
Ngoài ra, để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng điều hành, quản trị, hành chính công của chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở, từ đó tiếp tục nâng cao điểm số và vị trí của tỉnh đối với chỉ số PAPI, UBND tỉnh cũng đề nghị UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, cấp ủy cấp huyện, cấp xã và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tuyên truyền và thực hiện chức năng giám sát việc thực hiện Chỉ số PAPI. Sở Nội vụ theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
- Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VŨ (Thực hiện)