08:08, 01/08/2022

Nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 12, ngày 31-3-2017 của Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 12, ngày 31-3-2017 của Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Phát biểu chỉ đạo, ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải xem CCHC là một trong những đột phá để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Trung ương về Khánh Hòa.


Chuyển biến toàn diện


Theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 5 năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, nghiêm túc Chương trình hành động số 12. Các giải pháp cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến được triển khai đều khắp. Tổ chức bộ máy chính quyền địa phương được kiện toàn, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) được tinh giản, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng; việc ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh…

 

Đồng chí Nguyễn Hải Ninh trao bằng khen cho các tập thể tiêu biểu trong thực hiện Chương trình hành động số 12.

Ông Nguyễn Hải Ninh trao bằng khen cho các tập thể tiêu biểu trong thực hiện Chương trình hành động số 12.

 

Ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: Tập trung thực hiện tốt cải cách thể chế, nhất là trong quá trình triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội. Đồng thời, tiếp tục rà soát, nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng phục vụ, không phân biệt địa giới hành chính, đa dạng đầu mối, phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả. Đặc biệt, tập trung thực hiện Nghị quyết số 16 ngày 19-10-2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, nhất là ở các lĩnh vực tác động tới đời sống người dân và sự phát triển của doanh nghiệp... Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ ban hành kết luận để Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo quyết liệt, hiệu quả hơn công tác CCHC từ nay đến năm 2030.

Toàn tỉnh có hơn 300 TTHC được cắt giảm thời gian giải quyết, trong đó nhiều thủ tục giảm 1/3 đến 1/2 thời gian. Tỷ lệ hồ sơ trễ hạn đến năm 2021 chỉ còn 1,14%. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã có hơn 454.400 hồ sơ trực tuyến được tiếp nhận, giải quyết thành công, đạt 22,7%; riêng những tháng đầu năm 2022 đạt 38,14%, tăng hơn 16,6% so với bình quân 5 năm trước. Qua 1 năm triển khai, kết quả thanh toán trực tuyến phí, lệ phí của tỉnh đạt hơn 2,8 tỷ đồng; thanh toán nghĩa vụ tài chính đất đai kết nối qua Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt hơn 240 tỷ đồng, chiếm 1/5 tổng số thu trực tuyến cả nước. So với cuối năm 2015, hiện nay, toàn tỉnh đã giảm 33 đầu mối thuộc và trực thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (20,5%) và 63 đơn vị sự nghiệp công lập (hơn 9,2%); giảm 10,08% biên chế công chức, 10,04% biên chế viên chức. Tỉnh đã sáp nhập 2 xã ở huyện Diên Khánh thành 1 xã; giảm 13 thôn, 6 tổ dân phố. Đến năm 2020, chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đạt hơn 80%, hoàn thành mục tiêu đề ra.


Tiếp tục cải thiện các chỉ số, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến


Tuy nhiên, công tác CCHC vẫn còn một số hạn chế: Một số chỉ số thành phần về tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, tiên phong của chính quyền, thiết chế pháp lý còn đạt thứ hạng thấp. Hồ sơ trễ hạn tập trung ở một số lĩnh vực tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội; tỷ lệ giảm đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt mục tiêu...


Tại hội nghị, ông Nguyễn Hải Ninh chỉ rõ, các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức, chưa chủ động hoạch định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp CCHC mang tính trọng tâm. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh còn hạn chế. Một số chỉ số thấp, chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh, năng lực thực thi của hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền tỉnh… Ông yêu cầu, thời gian tới, toàn tỉnh tập trung thực hiện tốt 6 nội dung công tác CCHC, trong đó cần thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác CCHC trong các cấp ủy, các ngành, địa phương, gắn với tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương về Khánh Hòa; xem CCHC là một trong những đột phá, giải pháp quan trọng thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; quyết tâm nâng cao thứ bậc xếp hạng của các chỉ số quan trọng.


Hội nghị thống nhất thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện tốt việc thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời, xây dựng đề án, chính sách khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chậm nhất hoàn thành vào cuối tháng 6-2023; phấn đấu đến năm 2025, có tối thiểu 50% hộ thành thạo nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương; tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước; cải cách chế độ công vụ; xây dựng đội ngũ CB,CC,VC đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Ngoài ra, tỉnh sẽ thực hiện không xếp hạng tốt với cơ quan, đơn vị có từ 5% hồ sơ trễ hạn trở lên hoặc chỉ số hài lòng từ 80% trở xuống; không xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đối với CB,CC,VC có hơn 10% hồ sơ trễ hạn, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có kết quả xếp hạng CCHC từ trung bình trở xuống...

 

Một số mục tiêu CCHC thời gian tới:


- 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4; cho phép truy cập, đăng ký dịch vụ trên nhiều phương tiện, nền tảng.


- Từ năm 2022, 100% dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được tích hợp, liên thông với Cổng Dịch vụ công quốc gia.


- Đến năm 2025, giảm 50% lượt giao dịch trực tiếp, chuyển sang giao dịch trực tuyến; giảm tối thiểu 10% số đơn vị sự nghiệp công lập, 10% số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước; ít nhất 20% số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh tự chủ chi thường xuyên.


- Chỉ số hài lòng đạt tối thiểu 90% vào năm 2025 và 95% năm 2030.


- Giai đoạn 2022 - 2030, các chỉ số CCHC: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index); chuyển đổi số (DTI) của tỉnh duy trì ở nhóm 25 địa phương dẫn đầu cả nước.


NGUYỄN VŨ