Qua giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 trên địa bàn tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã kiến nghị một số nội dung nhằm nâng cao hiệu quả sắp xếp các đơn vị hành chính giai đoạn tiếp theo.
Qua giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 trên địa bàn tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã kiến nghị một số nội dung nhằm nâng cao hiệu quả sắp xếp các đơn vị hành chính giai đoạn tiếp theo.
Xã mới Bình Lộc
Ngày 1-4-2020, xã Bình Lộc - sáp nhập từ 2 xã Diên Bình, Diên Lộc (huyện Diên Khánh) chính thức hoạt động. Sau khi Huyện ủy Diên Khánh ra quyết định thành lập Đảng bộ xã Bình Lộc và kiện toàn tổ chức, HĐND 2 xã tổ chức kỳ họp thứ nhất, nhiệm kỳ 2016-2021, bầu chính quyền xã mới. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị được kiện toàn. Xã mới có 20 cán bộ, công chức, 12 người hoạt động không chuyên trách. 28 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc hưởng chế độ, chuyển công tác hoặc dôi dư đã được sắp xếp hợp lý, giải quyết chế độ theo quy định. Qua sắp xếp, xã mới đã giảm chi ngân sách gần 2,7 tỷ đồng. Hiện nay, xã Bình Lộc tạm sử dụng trụ sở xã Diên Bình; trụ sở xã Diên Lộc được dùng làm khu sinh hoạt thể thao, văn hóa. Các công đoạn lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính xã mới cơ bản hoàn thiện, chuẩn bị trình Bộ Nội vụ. Việc chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho công dân được thực hiện theo yêu cầu và miễn phí. Năm 2020, xã giải quyết hồ sơ đạt 98,3%, hầu hết trước hạn. Cùng năm, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Gẩm - Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cho biết, việc sáp nhập 2 xã, thành lập xã mới phù hợp với các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, UBTVQH và quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; giảm đầu mối, giảm biên chế, qua đó tiết kiệm chi thường xuyên, nâng cao chất lượng phục vụ của chính quyền.
Theo đánh giá của đoàn giám sát, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tại tỉnh giai đoạn 2019-2021 đáp ứng mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế; cải cách chế độ tiền lương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chất lượng, hiệu quả điều hành, quản lý hành chính được nâng lên…
Kiến nghị giải quyết vướng mắc
Kết quả giám sát việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 trên địa bàn tỉnh của Đoàn ĐBQH tỉnh cho thấy, việc sáp nhập 2 xã, thành lập xã mới Bình Lộc phù hợp với quá trình hình thành, phát triển, đặc điểm dân cư, kinh tế - xã hội, được 96,8% cử tri tham gia lấy ý kiến đồng ý. Xã mới chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số do có các yếu tố đặc thù; nếu nhập thêm thì diện tích, dân số cao hơn tiêu chuẩn và chưa được đa số người dân đồng tình. Đến nay, toàn tỉnh giữ nguyên 9 đơn vị hành chính cấp huyện và còn 139 đơn vị hành chính cấp xã. Huyện Khánh Sơn và xã Cam Lập (TP. Cam Ranh) thuộc diện sắp xếp nhưng đề nghị chưa thực hiện vì có nhiều yếu tố đặc thù, chưa được đa số người dân đồng thuận. |
Tuy nhiên, quá trình sắp xếp Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể, đặc biệt về chính sách giải quyết đối tượng dôi dư, trong khi nhiều người đã được chuẩn hóa theo quy định. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, cấp giấy phép xây dựng nhà ở, giấy phép kinh doanh, nhất là quản lý quy hoạch, sử dụng tài nguyên đất, nước… bước đầu còn khó khăn. Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân, tổ chức tuy không phải thay đổi nhưng khi giao dịch, kinh doanh phải xác minh, đối khớp thông tin, ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và thủ tục pháp lý liên quan của người dân. Theo ông Trần Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Bình Lộc, xã mới có địa bàn quản lý rộng hơn (từ 3 thôn lên 6 thôn) nhưng nguồn kinh phí phân bổ xây dựng cơ bản tập trung hàng năm vẫn bằng các xã loại 2 khác.
Ông Lê Hữu Trí - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, trong tháng 1 Đoàn ĐBQH tỉnh đã báo cáo kết quả giám sát và kiến nghị UBTVQH. Theo đó, đối với 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số trong Nghị quyết số 1211/2016 của UBTVQH, ở những đơn vị hành chính đã sắp xếp nhưng chưa đạt tiêu chuẩn, kiến nghị giao địa phương căn cứ thực tế để xem xét, quyết định. Đồng thời, có quy định chuyển tiếp theo hướng không áp dụng tiêu chuẩn trên đối với các đơn vị hành chính đã sắp xếp giai đoạn 2019-2021. UBTVQH rà soát tổng thể và xem xét, sửa đổi 2 tiêu chuẩn trên tại Nghị quyết 1211 để phù hợp với công tác quản lý về mọi mặt. Ngoài ra, cần bổ sung các tiêu chí đặc thù khác như: vị trí địa lý, lịch sử hình thành, văn hóa, phong tục tập quán, vùng trọng điểm quốc phòng - an ninh....
Giai đoạn 2022 - 2030, Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính theo 3 giai đoạn (2022 - 2024, 2025 - 2026, 2027 - 2030); quy định rõ nội dung, thời gian thực hiện, gắn với công tác tuyên truyền, vận động, chế độ, chính sách liên quan... Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ có cơ chế đặc thù cho đối tượng dôi dư do sắp xếp. Các tiêu chí sắp xếp cần phù hợp với đặc điểm vùng; có biên độ về diện tích, dân số... Những địa bàn rộng, phức tạp, dân cư thưa hoặc trong khu vực đặc thù cần có bộ tiêu chí riêng. Đề nghị tỉnh quan tâm phân bổ vốn đầu tư, có chính sách hỗ trợ ngân sách cho các đơn vị hành chính mới.
NGUYỄN VŨ