Thời gian qua, UBND tỉnh Khánh Hòa thường xuyên quan tâm, có nhiều chỉ đạo để nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nhằm cải thiện môi trường đầu tư, giúp các doanh nghiệp và người dân đặt niềm tin vào bộ máy công quyền.
Thời gian qua, UBND tỉnh Khánh Hòa thường xuyên quan tâm, có nhiều chỉ đạo để nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nhằm cải thiện môi trường đầu tư, giúp các doanh nghiệp và người dân đặt niềm tin vào bộ máy công quyền.
Tập trung chỉ đạo
Những năm gần đây Chỉ số PAPI của tỉnh liên tục nằm vào nhóm thấp điểm khiến lãnh đạo tỉnh hết sức trăn trở. Để cải thiện chỉ số này, lãnh đạo tỉnh đã đôn đốc các sở, ngành, địa phương thay đổi trong quản trị, điều hành công việc. Trong năm 2021, tỉnh đã có nhiều cuộc họp để tìm giải pháp cải thiện chỉ số, dần đưa Khánh Hòa vào nhóm tỉnh, thành phố có điểm số cao. Các cấp, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân hiểu về Chỉ số PAPI; từ đó tạo sự thay đổi nhận thức về hành chính công, tạo được mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền và người dân. UBND tỉnh xác định, việc nâng cao Chỉ số PAPI phải được tiến hành liên tục và cần có kế hoạch, giải pháp dài hơi. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng điều hành, qụản trị và hành chính công của bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, theo phương châm “Tỉnh sát xã, huyện sát thôn, xã sát từng hộ dân”.
Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều đổi mới trong cải cách hành chính và thu hút đầu tư. Chính quyền đã nỗ lực rất nhiều trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép về phát triển kinh tế và kiểm soát dịch bệnh. Đặc biệt, tỉnh cũng liên tục học hỏi và phát triển các mô hình hay để nâng cao năng lực cạnh tranh; quan tâm hơn nữa đến các lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ươm mầm khởi nghiệp. UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị thực hiện khảo sát Chỉ số PAPI trên toàn tỉnh; chịu trách nhiệm đánh giá định kỳ và tổ chức tuyên truyền bộ câu hỏi của PAPI đối với người dân; tham mưu cho UBND tỉnh đổi mới, tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; thực hiện cải cách thủ tục hành chính hiệu quả… Bên cạnh đó, chính quyền các cấp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại. UBND các xã, phường, thị trấn giải quyết tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao trách nhiệm trong công việc.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Nhằm cải thiện và nâng cao hơn nữa Chỉ số PAPI trong năm 2022 và các năm tiếp theo, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện Chỉ số PAPI, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh đối với các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định về công khai, minh bạch trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự án, công trình đầu tư; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khung giá đền bù; thu, chi ngân sách địa phương và các nội dung về chế độ, chính sách của người dân... Cùng với đó, kịp thời giải quyết các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tránh khiếu nại vượt cấp, kéo dài.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cải cách đồng bộ, hiệu quả thủ tục hành chính liên quan đến người dân, tổ chức, thủ tục, quy trình giải quyết công việc nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm thời gian và chi phí của người dân, tổ chức; kịp thời cập nhật, công khai đầy đủ thủ tục hành chính theo quy định. Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực để đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, giúp người dân, tổ chức có thể thực hiện dịch vụ trực tuyến mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành và địa phương trong việc cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI. Đặc biệt, UBND tỉnh còn đề nghị UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, cấp ủy cấp huyện, cấp xã và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tuyên truyền và thực hiện chức năng giám sát việc thực hiện Chỉ số PAPI ở các địa phương. Đồng thời, phối hợp với UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) trong việc xây dựng khung công việc, phương án khảo sát ở cấp xã và hướng dẫn giám sát việc thực hiện; chỉ đạo các tổ chức chính trị ở cơ sở tham gia tích cực và có trách nhiệm vào việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm thực hiện đầy đủ, thực chất phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tổ chức khảo sát thường xuyên mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức về triển khai các chế độ, chính sách liên quan đến người dân; tiếp nhận, giải quyết kịp thời thắc mắc, phản ánh, kiến nghị, góp ý và đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế, thiếu sót nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của người dân thông qua các buổi tiếp dân định kỳ, các cuộc làm việc, tiếp xúc cử tri. |
ĐÌNH LÂM