Kết quả giám sát vừa qua của đoàn giám sát HĐND tỉnh Khánh Hòa cho thấy, tình hình cải cách thủ tục hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai còn tồn tại, vướng mắc.
Kết quả giám sát vừa qua của đoàn giám sát HĐND tỉnh Khánh Hòa cho thấy, tình hình cải cách thủ tục hành chính (TTHC), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN-TC) trong lĩnh vực đất đai còn tồn tại, vướng mắc.
Còn tồn tại, vướng mắc
Năm 2017, UBND tỉnh đã công bố danh mục 249 TTHC thuộc thẩm quyền của các sở được cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định, trong đó có những thủ tục liên quan đến đất đai được cắt giảm 1/3 - 1/2 thời gian giải quyết. Tỉnh cũng thực hiện liên thông/ghép nối 19 TTHC về đất đai có mối liên hệ chặt chẽ với nhau để giải quyết trong cùng một quy trình… Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm trễ, để người sử dụng đất phải đi lại nhiều lần. Tại một số nơi, vẫn còn tình trạng nhận dư thành phần hồ sơ. Điều này chủ yếu do các văn bản quy định không thống nhất về thành phần hồ sơ đầu vào. Nhiều tờ khai còn trùng lắp thông tin.
Ngoài ra, cơ sở vật chất một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều TTHC trong lĩnh vực đất đai còn thực hiện thủ công (nhất là ở cấp xã). Việc cập nhật quy trình giải quyết TTHC liên thông lên phần mềm một cửa tại một số nơi thực hiện chậm (huyện Diên Khánh cập nhật xong vào cuối tháng 11-2017), hoặc chưa đầy đủ, chính xác. Người sử dụng đất còn khó khăn trong tiếp cận thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tình trạng lấn chiếm đất công, chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp, chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định tại một số khu vực vẫn phức tạp.
Hiện nay, việc phối hợp luân chuyển thông tin địa chính điện tử để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất giữa cơ quan thuế với cơ quan tài nguyên và môi trường đã giải quyết được đồng thời 2 TTHC (đất đai và thuế trong lĩnh vực đất đai) qua 1 đầu mối. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, kho bạc nhà nước được ủy quyền thu nộp các khoản thuế về đất đai cho các ngân hàng thương mại, người sử dụng đất vẫn phải đi lại nhiều lần, rất mất thời gian.
Bên cạnh đó, tình hình KN-TC vẫn còn phức tạp. Số lượng đơn KN-TC không đủ điều kiện xử lý vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể, đặc biệt là những đơn trùng, đơn gửi nhiều nơi. Từ năm 2015 đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 18.175 đơn KN-TC, kiến nghị, phản ánh, tranh chấp đất đai thì có 4.858 đơn không đủ điều kiện thụ lý, chiếm 26,7%. Tình trạng người dân không đồng ý với kết quả giải quyết KN-TC chuyển sang khiếu kiện diễn ra thường xuyên. Riêng trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, người khiếu nại thường khởi kiện ra tòa sau khi đã khiếu nại lần 2 (theo quy định là lần giải quyết cuối cùng). Ngoài ra, theo quy định, khi ra tòa chủ tịch UBND chỉ được ủy quyền cho phó chủ tịch, không được ủy quyền tiếp cho người thứ ba tham gia tố tụng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác tại địa phương.
Kiến nghị giải pháp
Tại cuộc họp thông qua kết quả giám sát tuần qua, nhiều đại biểu đã kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục rà soát, liên thông TTHC, nối kết các quy trình thủ tục để giảm mạnh các giấy tờ, biểu mẫu trùng lắp. Đồng thời, xem xét, chỉ đạo cơ quan thuế ủy quyền thu nộp các khoản thuế về đất đai nhằm tạo điều kiện cho người nộp thuế nộp tiền tại bộ phận một cửa (kho bạc thu tại bộ phận một cửa). UBND tỉnh sớm bổ sung mục giải quyết KN-TC trên cổng thông tin điện tử tỉnh và cập nhật kết quả giải quyết kịp thời. UBND cấp huyện cần xây dựng thư mục dữ liệu về những vụ việc KN-TC đã được giải quyết trên trang thông tin điện tử của UBND để các cơ quan chuyên môn cập nhật, phối hợp giải quyết KN-TC, hạn chế giải quyết lại nhiều lần.
Đặc biệt, nhiều đại biểu kiến nghị tích hợp thông tin dữ liệu giữa các cơ quan liên quan (bộ phận một cửa, văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế). Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, tài nguyên, đầu tư; về tiếp công dân, giải quyết KN-TC theo hướng nâng cao thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan thanh tra, cơ quan dân cử và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết KN-TC. Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị sửa đổi Luật Tố tụng hành chính theo hướng cho phép người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức được ủy quyền cho thủ trưởng cơ quan chuyên môn tham gia quá trình giải quyết vụ án. Việc giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính cần chuyển hẳn cho tòa án để đảm bảo tính khách quan cho cơ quan ban hành quyết định hành chính; đồng thời tránh tình trạng người dân được giải quyết khiếu nại lần 2 lại chuyển sang khởi kiện ra tòa.
NGUYỄN VŨ