23:01, 28/06/2024

Về miền quả ngọt

HẢI LĂNG

Tôi đã nghe vùng cao Khánh Sơn đang vào mùa đẹp nhất. Mùa của những bạn trẻ ưa thích di chuyển đi săn mây khắp miền Tô Hạp. Mùa của cây trái đang độ ngọt ngào. Khánh Sơn chào đón tôi với những vườn trái cây ngon lành và sự chân tình, ấm áp của người vùng cao.

Nhà vườn trồng sầu riêng ở xã Sơn Bình trao đổi về giá sầu riêng năm nay.

Vào mùa sầu riêng

Từ đỉnh đèo, trong bềnh bồng những biển mây ban sáng phủ khắp các thung lũng Ba Cụm, Tô Hạp…, tôi rong ruổi qua những cung đường vào xã Ba Cụm Nam, men theo dòng Tô Hạp xuôi mãi về phía tây qua những vườn cây trái xum xuê đang độ trĩu cành. Đón tôi tại thủ phủ sầu riêng Sơn Bình, ông Tạ Quốc Phong - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình chào theo cách thân thương của người Khánh Sơn: “Nhà báo mới lên à!”. Đưa tôi dạo khắp các nhà vườn ở địa phương, ông Phong chia sẻ: “Khánh Sơn đang chớm vào vụ sầu riêng. Một số nhà vườn trồng sầu riêng Ri6 đã bắt đầu thu hoạch nên miền sơn cước này đã chộn rộn hẳn lên. Nhà nhà bàn chuyện sầu riêng, người người nói chuyện chốt giá sầu riêng”. Sơn Bình là một trong những địa phương có diện tích sầu riêng lớn của huyện Khánh Sơn, với 490ha, trong đó có 400ha đang cho trái; ước tính sản lượng sầu riêng của địa phương này đạt 4.000 tấn.

Nhà vườn ở xã Sơn Bình đã bắt đầu thu hoạch sầu riêng Ri6.
Nhà vườn ở xã Sơn Bình đã bắt đầu thu hoạch sầu riêng Ri6.

Đi thăm một số vườn sầu riêng của Tổ hợp tác trái cây Sơn Bình, tôi len lỏi qua những cây sầu riêng lúc lỉu quả căng tròn, đâu đó trong vườn nghe thoang thoảng mùi sầu riêng đã chín rụng. Ông Lê Anh Quang - Tổ trưởng Tổ hợp tác trái cây Sơn Bình vui mừng nói: “Chưa năm nào sầu riêng đạt sản lượng cao, quả đẹp như năm nay. Hiện nay, thương lái đang đưa ra giá sầu riêng Ri6 50.000 - 55.000 đồng/kg; Monthong 70.000 - 80.000 đồng/kg, cao hơn 10 - 15% so với đầu vụ năm trước nhưng các nhà vườn chưa chốt bán”. Tổ hợp tác trái cây Sơn Bình là một trong những điển hình về phát triển sầu riêng VietGAP tại Khánh Sơn, cả 17 nhà vườn thành viên đều áp dụng quy trình sản xuất này, với diện tích hơn 100ha, trong đó có 32ha đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Dự kiến, sản lượng sầu riêng của các thành viên tổ hợp tác khoảng 1.800 tấn, trong đó có 800 tấn đã hợp tác với doanh nghiệp để xuất khẩu chính ngạch.

Dạo chơi khắp miền quả ngọt, tôi ghé thăm một số nhà vườn sầu riêng ở Sơn Bình, Sơn Lâm, Thành Sơn… đến đâu cũng bắt gặp niềm vui kép của nông dân vùng cao khi sầu riêng năm nay được mùa, được giá. Nhiều nhà vườn lớn, với diện tích trồng từ 10ha trở lên sẽ thu hoạch hàng trăm tấn sầu riêng. Không chỉ có những nhà vườn lớn của người Kinh, ở Khánh Sơn bây giờ còn có những vườn sầu riêng rất đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số Raglai cho thu nhập đến vài tỷ đồng mỗi vụ; những nhà trồng ít thì thu nhập vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Sau mấy chục năm bén rễ, sầu riêng không chỉ mang lại sự trù phú cho những nhà vườn lớn, có tiềm lực đầu tư mà còn là chìa khóa xóa nghèo cho người miền cao.

Sầu riêng là loại trái cây nghìn tỷ 
của huyện Khánh Sơn.
Sầu riêng là loại trái cây nghìn tỷ của huyện Khánh Sơn.

Ông Đỗ Nhi Huy - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn chia sẻ: Đến nay, Khánh Sơn đã có 2.600ha sầu riêng, trong đó có 1.700ha đang cho quả, chủ lực là 2 loại Monthong và Ri6, gần đây Musang king cũng đã bắt đầu cho thu hoạch. Ước tính năm nay, nông dân Khánh Sơn sẽ thu hoạch khoảng 17.000 tấn sầu riêng các loại, tăng khoảng 2.000 tấn so với năm trước. Nếu tính trung bình giá sầu riêng chỉ khoảng 65.000 đồng/kg, thì năm nay, sầu riêng sẽ trở thành loại cây nghìn tỷ của Khánh Sơn.

Gia tăng giá trị 

Nghe có nhà báo dưới xuôi lên, ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn gọi điện thoại mời ghé thăm. Ông chia sẻ với tôi rằng: “Khánh Sơn đã chớm vụ trái cây ngon và luôn mời gọi khách phương xa đến thăm. Không chỉ có sầu riêng đã trở thành đặc sản, nổi tiếng với Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, Khánh Sơn còn có măng cụt, bơ, bưởi, chôm chôm, mía tím… đều là những sản vật nức tiếng gần xa. Chúng tôi đang tìm mọi cách để nâng cao giá trị của thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn, từ đó tăng thêm thu nhập cho các nhà vườn”. Nói rồi, ông mở hộp sầu riêng sấy mời tôi dùng thử và cho biết đây là sản phẩm sầu riêng chế biến sâu của doanh nghiệp địa phương.

Tôi tâm đắc khi nghe lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn chia sẻ việc phát triển đa dạng các sản phẩm từ sầu riêng tươi phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sẽ góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cho sầu riêng Khánh Sơn, nâng cao thu nhập cho người trồng sầu riêng; gia tăng giá trị sản xuất bình quân/ha đất canh tác của huyện thêm nữa, chứ không dừng lại ở mức 100 triệu đồng/ha như hiện nay.

Nông dân huyện Khánh Sơn vui mừng khi sầu riêng năm nay được mùa, được giá.
Nông dân huyện Khánh Sơn vui mừng khi sầu riêng năm nay được mùa, được giá.

- Huyện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư như thế nào, thưa ông? - tôi hỏi

- Chúng tôi mời gọi các doanh nghiệp đến với Khánh Sơn để phát triển nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị, ngoài giá trị nông sản là chính, còn có sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đa dạng các sản phẩm OCOP, tích hợp nông nghiệp với du lịch, liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Địa phương cũng kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Khánh Sơn đầu tư nhà máy chế biến sầu riêng và nông sản… - ông Dũng nói.

Đến thăm xưởng sản xuất của Công ty TNHH Nông nghiệp Thành Hưng (xã Ba Cụm Bắc), tôi được biết doanh nghiệp này đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết với các hợp tác xã trồng cây ăn trái, nhà vườn trên địa bàn huyện để mở rộng, phát triển vùng trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn để đưa vào chế biến sâu, tiếp tục nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm từ trái sầu riêng tươi và xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng ra nước ngoài. “Từ vùng trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, đã đạt chuẩn VietGAP, từng trái sầu riêng đạt độ chín được thu hoạch, qua quá trình chế biến tại nhà xưởng đạt tiêu chuẩn đã cho ra đời các dòng sản phẩm sầu riêng sấy, kem sầu riêng, sầu riêng cấp đông, sữa chua sầu riêng… Đây là cách chúng tôi đa dạng sản phẩm, gia tăng giá trị của thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn”, bà Nguyễn Thị Vinh Hằng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Thành Hưng nói.

Quảng bá thương hiệu

Sầu riêng Khánh Sơn nay đã trở thành Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Đưa hương sầu riêng Khánh Sơn bay xa là khát vọng của người vùng cao từ nhiều năm nay. Vì thế, Khánh Sơn đã tổ chức được “Lễ hội trái cây Khánh Sơn”. Trò chuyện cùng tôi, ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Khánh Sơn bày tỏ: “Qua 2 lần được tổ chức, lễ hội trái cây Khánh Sơn đã dần “định vị” được đất và người Khánh Sơn trong lòng bạn bè, du khách gần xa. Năm nay, huyện tiếp tục tổ chức Lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ III, từ ngày 8 đến 14-8, để tiếp tục quảng bá tiềm năng, thế mạnh, truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào Raglai, đặc sản trái cây ngon của huyện đến với khách xa gần”.

Lễ hội trái cây Khánh Sơn năm nay được đánh giá có quy mô lớn nhất so với 2 lần tổ chức trước, với nhiều hoạt động hấp dẫn du khách như: Hội thi trái cây ngon, thi sầu riêng siêu to, bưởi siêu to; hội thi trưng bày trái cây và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa; hội thi ẩm thực với những món ăn ngon gắn với bản sắc địa phương; hội thi già làng khéo tay… Lễ hội sẽ thu hút khách với những trải nghiệm văn hóa độc đáo khi tham dự lễ tạ ơn cha mẹ, lễ ăn đầu lúa mới của người Raglai; tham gia các trò chơi dân gian; nghe biểu diễn nhạc cụ truyền thống của người Raglai như đàn đá, mã la, chapi… Tại lễ hội lần này, huyện Khánh Sơn còn tổ chức các hội thảo thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trái cây sạch, an toàn; các hoạt động gặp gỡ với doanh nghiệp sản xuất lĩnh vực nông nghiệp; kết nối cung cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản để các nhà vườn, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện kết nối đầu ra với các doanh nghiệp. Cùng với đó, huyện tổ chức hội nghị xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch nhằm khai mở tiềm năng phát triển của địa phương…

Tôi rời Khánh Sơn khi gió cuốn theo chiều xuống, qua miền quả ngọt. Vẳng nghe tiếng ai hát: “…Ơi đàn đá Khánh Sơn/…/ Gọi buôn làng nương rẫy/ Mừng ngày mới bừng lên…”!

HẢI LĂNG