21:40, 17/10/2023

Những “bóng hồng” ở Hyundai Việt Nam

VĂN GIANG

Nói đến ngành đóng tàu hẳn ai cũng nghĩ những công việc nặng nhọc chỉ có nam giới mới đủ sức cáng đáng. Ấy vậy mà ở Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam (HVS), thị xã Ninh Hòa, vẫn có nhiều phụ nữ đảm nhận công việc quan trọng, góp phần hoàn thiện những con tàu từ hàng chục đến cả trăm nghìn tấn để bàn giao cho các đối tác.

Các nữ kỹ sư trao đổi trên bản thiết kế trước khi kiểm tra tàu.
Các nữ kỹ sư trao đổi trên bản thiết kế trước khi kiểm tra tàu.

Niềm vui của những nữ kỹ sư

Hơn 10 giờ, trời nóng như đổ lửa, nữ kỹ sư Mai Thanh Thúy - Phòng Quản lý chất lượng HVS vào bên trong hầm chiếc tàu 110.000 tấn đang được hoàn thiện để kiểm tra. Tay cầm đèn pin, chị soi tỉ mỉ từng chi tiết, ngóc ngách để kiểm tra từng mối hàn, từng con ốc vít, đường ống, đường dây điện xem đã đạt chuẩn kỹ thuật chưa. Trong hầm tàu không khí khá ngột ngạt, nóng hầm hập, ánh sáng yếu, quạt thông gió không vươn tới khiến mồ hôi bắt đầu túa ra, nhưng chị Thúy vẫn luồn lách qua từng khe hẹp để kiểm tra. Sau gần 1 giờ kiểm tra dưới hầm, chị Thúy lại leo lên sân thượng con tàu cao gần 40m kiểm tra các đường ống. Lúc này, chị mới tạm tháo thiết bị lọc khí để hít chút khí trời và thở phào nhẹ nhõm. Bộ trang phục màu xám, dày cộp ướt đẫm mồ hôi. Uống vội ly nước, chị Thúy tâm sự: “Ngày nào tôi cũng phải bám tàu theo từng giai đoạn hoàn thiện để kiểm tra, có ngày leo lên, leo xuống hơn 20 lần. Mỗi chiếc tàu được hoàn thiện mất khoảng 11 tháng. Khi chuẩn bị bàn giao cho đối tác, tôi lại theo tàu chạy thử lênh đênh trên biển gần 1 tuần. Tuy không say sóng nhưng về đến đất liền lại say bờ. Công việc vất vả nhưng mỗi chiếc tàu được bàn giao, công ty khen thưởng, tinh thần lại phấn chấn tiếp thêm động lực để tôi cố gắng hơn nữa trong công việc”. Nói rồi, chị Thúy khoe tấm bằng khen xuất sắc được công ty trao tặng cách đây vài ngày vì đã có nhiều đóng góp trong thực hiện dự án tàu số 509 có trọng tải 110.000 tấn.

Kỹ sư Mai Thanh Thúy kiểm tra các đường ống trên tàu.
Kỹ sư Mai Thanh Thúy kiểm tra các đường ống trên tàu.

Ở tầng 2 của chiếc tàu, chúng tôi gặp nữ kỹ sư Mai Tường Hậu - Phòng Quản lý chất lượng HVS đang kiểm tra từng lớp sơn vỏ tàu. Chị dùng tay xoa xoa lên lớp sơn, cảm nhận được sự trơn mịn tức là đã đạt kỹ thuật. Trong không gian chật hẹp của hầm tàu, bất kỳ ngóc ngách nào cũng được chị kiểm tra kỹ lưỡng, bởi mỗi chiếc tàu đạt chất lượng được bàn giao, đối tác tiếp nhận chính là niềm vui của công nhân, kỹ sư công ty. “Ngày còn nhỏ, mỗi lần thấy những chiếc tàu lớn chở hàng đi trên biển, tôi luôn tò mò rằng khối sắt to như vậy làm sao nổi trên mặt nước. Vì thế, tôi quyết định tự tìm lời giải bằng việc theo học chuyên ngành Hàng hải tại Trường Đại học Nha Trang, rồi về HVS làm việc” - chị Hậu mỉm cười kể về cơ duyên đến với nghề. Ngày đầu nhận việc, cô gái quê Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) choáng ngợp trước không gian rộng lớn của Nhà máy HVS, nhất là môi trường làm việc phần lớn là đàn ông. Nhưng làm mãi rồi cũng quen, mọi người luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau rất tận tình.

Kỹ sư Hoàng Thị Thu Uyên di chuyển từ tầng hầm lên kiểm tra các vị trí trên sàn tàu.
Kỹ sư Hoàng Thị Thu Uyên di chuyển từ tầng hầm lên kiểm tra các vị trí trên sàn tàu.

Leo lên giàn giáo cao hàng chục mét, nữ kỹ sư Hoàng Thị Thu Uyên - Phòng Thiết kế HVS trực tiếp chỉ huy tổ thợ lắp ráp cho đúng kỹ thuật. Chưa an tâm, chị còn trực tiếp kiểm tra từng mối ráp, từng con ốc vít. “Thấm thoắt đã 4 năm gắn bó với HVS. Ngày đầu mới vào làm, thấy toàn nam giới, tôi cũng ngại; rồi những lúc leo lên giàn giáo cao gần 40m, nhìn xuống dưới đất, hai chân lại run lập cập. Nhờ được mọi người giúp đỡ, làm việc lâu dần thành quen, giờ đây công việc đã trơn tru, tôi đã được thăng cấp trợ lý”, chị Uyên tâm sự.

Nhọc nhằn thợ sơn

13 giờ, ánh nắng gay gắt, đó cũng là thời điểm bắt đầu vào ca chiều. Bên khu nhà xưởng của HVS, những nữ công nhân sơn vào công việc. Đã thành nếp, chị Trần Thị Mỹ Loan đeo găng tay, mang giày bảo hộ và xách thùng sơn leo lên trên một khối sắt khổng lồ, chằng chịt đường ống lớn nhỏ chăm chú lăn sơn. Bộ đồ bảo hộ lấm lem đủ màu sơn. Thấy chúng tôi, chị kéo khẩu trang nở nụ cười tươi và hóm hỉnh đùa: “Các chú có thấy bộ quần áo bảo hộ của chúng tôi như vườn hoa ngũ sắc không? Màu sơn tô vẽ trong quá trình mưu sinh đấy”. Chị Loan quê ở thị xã Ninh Hòa. Trước đây, chị làm phụ hồ, nhưng do công việc bấp bênh, thu nhập thấp nên nộp đơn vào làm ở tổ sơn của HVS, tính đến nay đã 11 năm. Tuy công việc vất vả nhưng khoản tiền lương mỗi tháng gần 10 triệu đồng giúp chị đủ lo sinh hoạt và gửi cho 2 con đang học đại học ở TP. Hồ Chí Minh.

Chị Trần Thị Mỹ Loan lăn sơn các tấm thép.
Chị Trần Thị Mỹ Loan lăn sơn các tấm thép.

Ở phía dưới khối sắt, các nữ công nhân luôn phải lăn sơn trong tư thế ngửa mặt. Sau 30 phút, cả khu xưởng rộng lớn nồng mùi sơn. Lớp sơn vừa khô, các chị quay lại lăn lần hai. Phía xa là những giám sát viên thường xuyên túc trực kiểm tra nhằm đảm bảo chất lượng, kỹ thuật. Chị Phạm Thị Hoa chia sẻ: “Do suốt ngày ngước mặt lăn sơn nên tối về nằm ngủ, các khớp xương cổ rất đau nhức. Trong quá trình làm việc không thể tránh khỏi sơn rơi, bắn vào mặt phải dùng dầu hỏa để tẩy rửa. Mặc dù công ty đã trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, mặt nạ lọc khí song suốt ngày phải đeo khiến việc hít thở cũng khó khăn”.

Với các nữ thợ sơn, vất vả nhất là những ngày làm việc ở cầu cảng để hoàn thiện tàu. Bởi lúc này, các chị liên tục phải ở ngoài nắng, gió biển làm cho da mặt ai cũng bị cháy nắng. “Công việc vất vả nhưng khi hoàn thiện một con tàu, bàn giao cho đối tác, tôi lại thấy lâng lâng niềm vui vì những đóng góp nhỏ của mình thật có ý nghĩa. Đặc biệt, tình cảm giữa chị em tổ sơn luôn gắn bó như người một nhà, dù việc nặng hay nhẹ cứ bảo ban nhau làm. Những lúc giải lao, chị em lại chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống và động viên nhau cùng cố gắng trong mọi việc”, chị Huỳnh Thị Tường Vy nói.

Kỹ sư Mai Tường Hậu kiểm tra các mối hàn trên sàn tàu.
Kỹ sư Mai Tường Hậu kiểm tra các mối hàn trên sàn tàu.

Những bông hoa thầm lặng

Đưa chúng tôi tham quan nhà máy, ông Nguyễn Thái Vũ - Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở HVS cho biết, hiện nay, toàn công ty có 140 nữ/hơn 3.500 người lao động, trong đó có 4 nữ kỹ sư, 14 nữ công nhân sơn, còn lại làm ở bộ phận văn phòng, tạp vụ. Trong nhiều năm qua, các nữ công nhân, lao động đã có nhiều đóng góp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Công việc đóng tàu toàn máy móc và sắt thép, ai cũng nghĩ chỉ nam giới mới đảm nhận nhưng trên thực tế, những nữ công nhân, lao động lại đang đóng vai trò quan trọng. Trên công trường, các chị là những “bông hồng thép”, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Khi trở về nhà, các chị là những người mẹ, người vợ mẫu mực trong xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc.

Chị Phạm Thị Hoa lăn sơn phía dưới một block của tàu.
Chị Phạm Thị Hoa lăn sơn phía dưới một block của tàu.

Ghi nhận những đóng góp đó, từ năm 2017 đến nay, toàn công ty đã có hơn 100 lao động nữ được thăng chức phó trưởng phòng, trưởng bộ phận, trợ lý. Cùng với việc đảm bảo chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật, hàng năm, HVS luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến những lao động nữ về đào tạo nâng cao tay nghề, khám sức khỏe, tổ chức các ngày lễ kỷ niệm, hội thao, văn nghệ, tham quan, du lịch… Bên cạnh đó, công đoàn cơ sở còn triển khai tốt các phong trào thi đua, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho lao động nữ. Qua đó, hàng năm có 100% lao động nữ đạt danh hiệu “Hai giỏi”; từ năm 2017 đến nay có 8 lượt chị được Công đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam tặng bằng khen, 31 lượt chị được công đoàn cơ sở khen thưởng, 80 lượt chị được công ty khen thưởng…

Chúng tôi rời nhà máy khi mặt trời còn nắng gắt. Ở phía cầu cảng, hàng trăm công nhân vẫn đang cần mẫn với công việc, trong đó có bóng dáng của các nữ công nhân cùng góp sức để tạo ra những con tàu mang thương hiệu HVS vượt đại dương…

Ông LEE JONG CHAN - Tổng Giám đốc HVS: Kể từ khi chuyển sang đóng mới (năm 2008) đến nay, HVS đã đóng mới và bàn giao 159 chiếc tàu, trong đó có 63% là tàu chở dầu với trọng tải từ 37.000 đến 115.000 tấn cho các nước trên thế giới. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, HVS đã bàn giao được 8/13 tàu theo kế hoạch với doanh thu hơn 300 triệu USD. Công ty đang nỗ lực để sớm bàn giao những chiếc tàu 115.000 tấn cho chủ tàu Anh và Hy Lạp. Có được những thành quả đó là nhờ sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết của tập thể cán bộ, lãnh đạo, người lao động toàn công ty, trong đó có các lao động nữ đã cùng góp sức, trí tuệ tạo dựng thành công cho HVS.

VĂN GIANG