Mấy năm qua, vấn đề nổi cộm ở Cam Lâm là tình trạng san ủi đất nông nghiệp, lợi dụng hiến đất làm đường để tách sổ phân lô, bán nền một cách rầm rộ. Không chỉ huyện Cam Lâm mà ở TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa hay huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh cũng xảy ra tình trạng này, gây nên hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục.
Mấy năm qua, vấn đề nổi cộm ở Cam Lâm là tình trạng san ủi đất nông nghiệp, lợi dụng hiến đất làm đường để tách sổ phân lô, bán nền một cách rầm rộ. Không chỉ huyện Cam Lâm mà ở TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa hay huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh cũng xảy ra tình trạng này, gây nên hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục.
Hiến đất để… phân lô
Thời điểm năm 2019, tình trạng phân lô, bán nền diễn ra rầm rộ trên địa bàn huyện Cam Lâm. Những đìa nuôi thủy sản, đất trồng xoài được “hô biến” bằng chiêu hiến đất làm đường để chuyển mục đích sử dụng lên đất ở, tách sổ rồi rao bán. Tháng 7-2019, bà Trần Thị Phương Hà đã làm văn bản hiến tặng một phần thửa đất số 24, tờ bản đồ số 03 tại tổ dân phố Bãi Giếng 1, thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm) để làm đường giao thông. Được UBND thị trấn Cam Đức xác nhận, bà Hà thực hiện các thủ tục để Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại huyện Cam Lâm tách thửa đất rộng 5.801m2 thành 55 thửa để bán. Cũng với cách này, bà Hà lại thực hiện chuyển mục đích sử dụng và phân lô thửa đất số 271 tờ bản đồ số 22 ở xã Cam Hải Tây (huyện Cam Lâm) thành 67 thửa. Việc tách thửa này được hoàn tất vào tháng 6-2021, nhưng bà Hà mới chuyển nhượng được hơn 40 lô.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2020, một lô đất ở xã Cam Hải Tây rộng gần 7.000m2 do ông Vũ Đình Chinh và Lương Công Dân đồng sở hữu cũng được “phù phép” có đường giao thông và chuyển đổi từ đất nuôi trồng thủy sản lên đất ở nông thôn, sau đó tách thành 74 thửa rồi sang nhượng cho các nhà đầu tư. Đó chỉ là 2 trong hàng trăm trường hợp hiến đất làm đường mà UBND huyện Cam Lâm và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Cam Lâm thời điểm đó cho phép, làm phá vỡ quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng trên địa bàn huyện, để lại hậu quả rất khó giải quyết khi huyện được quy hoạch thành đô thị sân bay, hiện đại.
Với tình trạng phân lô, bán nền tràn lan trên địa bàn huyện Cam Lâm, đầu năm 2021, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chủ trì, kiểm tra công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện. Ngày 10-6, UBND tỉnh đã ban hành Kết luận số 247 về tình trạng phân lô, bán nền tại huyện Cam Lâm. Theo kết quả kiểm tra, từ ngày 1-1-2018 đến 30-6-2021, huyện Cam Lâm đã cho phép 114 trường hợp hiến đất làm đường để tách thửa và đã tách tổng cộng thành 2.350 thửa với tổng diện tích đất hơn 57ha. Các hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất do Phòng TN-MT huyện Cam Lâm cho phép chưa đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định. Luật Đất đai không có khái niệm hiến đất, chỉ có trường hợp Nhà nước thu hồi đất do người khác tự nguyện trả đất. Việc hiến đất nói trên là nhằm phục vụ nhu cầu lợi ích của cá nhân, không phải tặng cho quyền sử dụng đất để Nhà nước thực hiện các công trình công cộng vì mục đích chung. Việc UBND huyện Cam Lâm chấp thuận phương án tách thửa với số lượng lớn, nhưng không xem xét đến quy định về kinh doanh bất động sản, không yêu cầu người sử dụng đất thực hiện việc lập doanh nghiệp khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các thửa đất được tách là không phù hợp với quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Tình trạng chung ở nhiều địa phương
Tại TP. Nha Trang, tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép tràn lan trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong khoảng thời gian này, cùng với sự nóng lên của thị trường bất động sản, tình trạng san ủi đất rừng sản xuất, đất đồi núi rồi tự ý phân lô, bán nền diễn ra khá phổ biến trên địa bàn xã Phước Đồng (TP. Nha Trang). Nằm cheo leo trên núi ở thôn Phước Hạ là khu đất rừng sản xuất rộng chừng 3ha (do ông Nguyễn Đức Phán đứng tên) được san ủi, tạo mặt bằng, phân thành gần 500 lô và bán từ năm 2019. Cách UBND xã Phước Đồng không xa cũng là một khu đất rừng sản xuất của ông Phán được san ủi, phân ra hàng trăm lô để bán. Mới đây, chúng tôi còn phát hiện tại xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) có một khu du lịch sinh thái Quang Đạt được xây dựng trên hơn 2ha đất rừng sản xuất… Bên cạnh đó, dư luận cũng bức xúc trước tình trạng xây dựng trái phép diễn ra tràn lan, nhất là xây sai quy hoạch tại Dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang, Dự án Khu biệt thự Nha Trang SeaPark...
Ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết, năm 2020, UBND TP. Nha Trang đã ban hành các quyết định thu hồi đất của ông Phán. Hiện nay, trên địa bàn xã Phước Đồng đã không còn tình trạng vi phạm san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, nhưng hậu quả từ thời điểm trước để lại vẫn chưa thể khắc phục.
Tại huyện Diên Khánh và Khánh Vĩnh, tuy không xảy ra nhiều nhưng vẫn có một số trường hợp vi phạm, tự ý mở đường, phân lô, bán nền, san ủi đất rừng trái phép. Đáng chú ý là dọc Quốc lộ 27C đi qua huyện Khánh Vĩnh có nhiều khu đất rừng bị san ủi để làm điểm dừng chân. Trong đó, có công trình điểm dừng chân Ecozone (thôn Đá Trắng, xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh) với hơn 25.000m2 xây dựng đầu năm 2021. UBND xã Cầu Bà đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hành vi xây dựng cổng ra vào trong phạm vi đất dành cho đường bộ và sử dụng đất sai mục đích.
Hậu quả khó khắc phục
Vừa qua, UBND tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Cam Lâm hủy các quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và các văn bản chấp thuận cho phép hiến đất làm đường giao thông đối với những trường hợp sai phạm. Đồng thời kiểm tra, xử lý về quản lý trật tự xây dựng đối với các khu vực đã xây dựng hạ tầng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay tại các khu vực hiến đất làm đường để tách thửa trên địa bàn huyện Cam Lâm đã có nhiều hộ xây nhà để ở hoặc kinh doanh. Theo báo cáo mới đây của UBND huyện Cam Lâm gửi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, tại thị trấn Cam Đức có 3 trường hợp xây dựng nhà ở, 1 quán cà phê và 3 dãy nhà trọ; tại xã Cam Thành Bắc có 3 trường hợp xây nhà ở; tại xã Cam Hải Tây có 7 trường hợp xây dựng nhà kiên cố, 4 trường hợp xây nhà tạm và 3 trường hợp đang mở móng xây nhà; tại xã Suối Cát có 3 trường hợp xây nhà ở và xã Suối Tân cũng có 4 trường hợp tương tự. Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc hủy các quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rất khó đảm bảo quyền lợi của người mua sau cùng, nhất là khi người dân đã xây nhà ở.
Trên địa bàn xã Phước Đồng có nhiều khu đất vi phạm Luật Đất đai đã bị UBND TP. Nha Trang ban hành quyết định thu hồi và bàn giao cho UBND xã quản lý, nhưng không giao nhiệm vụ khôi phục hiện trạng ban đầu. Do các khu đất này đều có diện tích rất lớn, từ vài nghìn mét vuông đến vài héc-ta; hiện trạng đã bị chặt cây, san ủi tạo mặt bằng nên vào mùa mưa rất dễ gây sạt lở, nguy hiểm cho khu dân cư phía dưới. Tuy nhiên, việc khôi phục lại hiện trạng rất khó và kinh phí rất lớn. Hiện nay, UBND xã Phước Đồng đã cho rà soát toàn bộ diện tích đất bị hủy hoại đã có quyết định thu hồi để báo cáo cụ thể vị trí, diện tích, hiện trạng từng khu đất lên UBND TP. Nha Trang để xin ý kiến về việc khôi phục hiện trạng các khu đất này.
Ông Nguyễn Trọng Trung - Bí thư Huyện ủy Cam Lâm cho biết, tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép diễn ra trong thời gian dài, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và phát triển kinh tế tại địa phương. Đồng thời, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, bức xúc trong nhân dân, làm thất thu ngân sách nhà nước. Trong khi đó, ông Vũ Chí Hiếu - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, lấn chiếm đất công ngày càng phức tạp, một số nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp. Các vi phạm chưa được xử lý kịp thời, dẫn đến hậu quả khó khắc phục, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
VĂN KỲ
Kỳ 2: Kiên quyết chấn chỉnh