10:04, 15/04/2022

Lấn chiếm đất rừng Xa Pác

Khu vực rừng dầu Xa Pác (thuộc tiểu khu 170, địa giới hành chính xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh) được Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa (gọi tắt là Công ty Lâm sản Khánh Hòa) trồng từ năm 1998. Năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt cho công ty tiến hành khai thác rừng trồng sản xuất tại đây. Khai thác vừa xong, chưa kịp trồng lại rừng thì hàng chục hộ dân ở các địa phương đã đến lấn chiếm hàng chục héc-ta.

Khu vực rừng dầu Xa Pác (thuộc tiểu khu 170, địa giới hành chính xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh) được Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa (gọi tắt là Công ty Lâm sản Khánh Hòa) trồng từ năm 1998. Năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt cho công ty tiến hành khai thác rừng trồng sản xuất tại đây. Khai thác vừa xong, chưa kịp trồng lại rừng thì hàng chục hộ dân ở các địa phương đã đến lấn chiếm hàng chục héc-ta.


Nhiều diện tích bị lấn chiếm


Từ trung tâm xã Liên Sang qua cầu treo Bầu Sang bắc qua sông Cái, vượt quãng đường đồi chừng 1,5km, trước mắt chúng tôi là những quả đồi đã được phát dọn sạch, có nơi người dân đã trồng mì, bắp lên xanh tốt, nhiều người đã dựng chòi, nhà để canh rẫy; có nơi những khoảng lồ ô, dây leo mới được phát dọn, chuẩn bị đốt dọn để trỉa lúa. Hỏi chuyện nhóm người mới từ thôn Bầu Sang vào khu vực Xa Pác, họ cho biết, tranh thủ trời mát vào đây để đốt rẫy, chuẩn bị trồng lúa, mì… Như trường hợp bà Cao Là Chiêng - ở thôn Bầu Sang (xã Liên Sang), đầu tháng 3 vừa rồi, gia đình bà đã đến phát dọn gần 1ha đất tại khu vực này, nay thực bì đã khô, bà cùng người nhà đến đốt dọn để chuẩn bị trồng lúa rẫy. Khi chúng tôi hỏi sao lại đốt dọn đất được Nhà nước giao cho công ty lâm sản trồng rừng, bà Chiêng cho rằng: “Đất công ty thì công ty chứ! Đất này là đất cha mẹ tôi trước đây, tôi phải nhớ! Bây giờ tôi vào phát dọn lại để trồng lúa, lấy cái ăn”.

 

Một khu vực người dân lấn chiếm đã đốt dọn xong.

Một khu vực người dân lấn chiếm đã đốt dọn xong.


Không riêng trường hợp bà Cao Là Chiêng, chỉ trong tháng 2 và tháng 3-2022, tại khu vực rừng Xa Pác có 3 trường hợp khác ở xã Liên Sang đến phát dọn dây leo, bụi rậm, cây lồ ô để lấy đất sản xuất. Đó là trường hợp Cao Xà Nâng phát dọn khoảng 0,48ha, Cao Thị Biêm phát dọn khoảng 0,32ha và Cao Tấn phát dọn khoảng 0,46ha. Mặc dù Đội bảo vệ rừng Khánh Thượng (Công ty Lâm sản Khánh Hòa) đã đến từng nhà vận động người dân trả lại đất cho công ty để triển khai trồng rừng nhưng người dân không chịu ký.


 Ông Lê Xuân Lý - Phó Giám đốc Công ty Lâm sản Khánh Hòa cho biết: “Từ năm 2020 đến nay, khu vực rừng Xa Pác có 59 trường hợp người dân đến lấn chiếm đất rừng sau khai thác của công ty để lấy đất sản xuất, với tổng diện tích lấn chiếm lên đến hơn 83ha. Trong đó, có 41 hộ chúng tôi đã xác định được người lấn chiếm, với tổng diện tích hơn 59,3ha; còn 18 trường hợp chưa xác định được người lấn chiếm, với diện tích hơn 23,6ha; trường hợp lấn chiếm diện tích lớn nhất lên đến 3,8ha. Công ty đã tổ chức lực lượng vào hiện trường ngăn chặn, đẩy đuổi nhưng các hộ rất manh động, liều lĩnh, hăm dọa, chống đối quyết liệt”.


Chưa thể trồng lại rừng


Theo tìm hiểu của chúng tôi, diện tích đất rừng tại tiểu khu 170 được Công ty Lâm sản Khánh Hòa tiếp nhận lại từ Lâm trường công ích Sông Trang năm 1997, từ năm 1998 tiến hành trồng rừng sản xuất với loại cây dầu. Tháng 4-2020, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Phương án khai thác gỗ rừng trồng sản xuất năm 1998 của Công ty Lâm sản Khánh Hòa tại tiểu khu 170, với tổng diện tích 94,58ha. Trong đó, diện tích khai thác và trồng lại rừng là 79,89ha; diện tích trồng lại rừng trên đất chưa có rừng 12,28ha; diện tích có rừng giữ lại nuôi dưỡng là 2,41ha. UBND tỉnh giao Công ty Lâm sản Khánh Hòa khai thác lâm sản và trồng lại rừng trên toàn bộ diện tích 92,17ha. Tuy nhiên đến thời điểm này, Công ty Lâm sản Khánh Hòa chưa thể tiến hành trồng lại rừng theo phương án được duyệt.

 

Một khu vực người dân lấn chiếm đã đốt dọn xong


Lý giải về vấn đề này, ông Lê Xuân Lý cho biết: “Công ty đã chuẩn bị gần 6 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh để trồng lại rừng keo trên toàn bộ diện tích 92,17ha tại tiểu khu 170. Theo phương án, khai thác tới đâu chúng tôi tiến hành phát dọn, xử lý thực bì tới đó để chờ mùa mưa xuống sẽ tiến hành trồng lại rừng; dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, khi chúng tôi phát dọn thực bì đến đâu thì người dân tràn vào lấn chiếm đến đó. Công ty đã nhiều lần báo cáo, phối hợp với UBND xã Liên Sang, UBND xã Khánh Thượng và các lực lượng chức năng của huyện Khánh Vĩnh để mời các hộ dân đến làm việc nhiều lần nhưng số hộ đến rất ít. Qua các buổi làm việc, chúng tôi đã giải thích việc các hộ dân lấn chiếm đất của công ty là trái pháp luật, công ty đề nghị hỗ trợ tiền công phát dọn nhưng các hộ đều phản đối và cương quyết không chịu trả lại đất lấn chiếm. Khi chúng tôi tổ chức trồng lại rừng được gần 3ha thì người dân kéo đến nhổ bỏ hết cây trồng, việc trồng lại rừng dừng lại cho đến nay”.


Cần xử lý dứt điểm


Đi sâu tìm hiểu nguyên nhân người dân xã Liên Sang lấn chiếm đất rừng của Công ty Lâm sản Khánh Hòa có phải xuất phát từ tình trạng thiếu đất sản xuất hay không, chúng tôi được biết, trong các năm 2018 và 2019, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Công ty Lâm sản Khánh Hòa đã tiến hành bóc tách đất để chính quyền địa phương giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo xã Liên Sang thiếu đất sản xuất, với tổng diện tích 120ha. Trong số những hộ lấn chiếm đất rừng tại khu vực Xa Pác, có nhiều hộ không thiếu đất sản xuất, như trường hợp bà Cao Là Chiêng có khoảng 1ha đất, đang được gia đình bà trồng điều. Ngoài ra, trong cơn sốt đất rẫy ở các địa phương của huyện Khánh Vĩnh như hiện nay, không khó tránh khỏi tình trạng người dân đã có đất sản xuất nhưng vì nhiều lý do khác nhau đã bán đi tư liệu sản xuất của mình rồi quay lại lấn chiếm đất rừng để lấy đất sản xuất.


Không riêng khu vực rừng Xa Pác, hiện nay, tình trạng lấn chiếm đất rừng, trong đó có đất rừng sau khai thác, chuẩn bị trồng lại rừng của Công ty Lâm sản Khánh Hòa diễn biến rất phức tạp tại địa bàn các xã: Khánh Thành, Liên Sang, Khánh Thượng... Để bảo vệ diện tích rừng trồng, Công ty Lâm sản Khánh Hòa tổ chức thêm các chốt chặn ở những khu vực trọng điểm, hợp đồng thêm nhân viên tuần tra bảo vệ rừng nhằm tăng cường tuần tra, sớm phát hiện, ngăn chặn những vụ việc vi phạm; phối hợp với các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng, đất rừng được giao. Đồng thời, công ty kiến nghị UBND huyện Khánh Vĩnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục có giải pháp quyết liệt xử lý một số vụ việc trọng điểm để răn đe, tránh tình trạng người dân tiếp tục chặt phá, lấn chiếm rừng trồng như hiện nay. Công ty cũng kiến nghị các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở phối hợp vận động người dân tháo dỡ lán trại, di dời ra khỏi các khu vực rừng trồng của đơn vị, ngăn chặn việc trồng, trỉa hoa màu trên khu vực đất lấn chiếm. Đồng thời, phối hợp thu hồi toàn bộ diện tích đất rừng bị lấn chiếm để công ty trồng lại rừng.


Theo ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, với những diễn biến phức tạp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, đất rừng được giao quản lý hiện nay, Công ty Lâm sản Khánh Hòa cần tổ chức tốt lực lượng, trạm, chốt để liên tục tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ vi phạm nhằm quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng, đất rừng được giao; rà soát những diện tích bị lấn chiếm để có hướng xử lý. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng của huyện Khánh Vĩnh, các địa phương trong lâm phận công ty cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị chủ rừng để thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ rừng. Chi cục đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh phối hợp chặt chẽ với đơn vị chủ rừng để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.


HẢI LĂNG