11:04, 19/04/2022

Chen chúc trên vịnh Vân Phong

Các vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh Vân Phong đang trong tình trạng quá tải, lồng bè chen chúc, phát sinh nhiều hệ lụy; việc quản lý lồng bè đang gặp nhiều khó khăn. Để phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản lồng bè tại huyện Vạn Ninh, đã đến lúc phải thay đổi theo hướng nuôi xa bờ trên cơ sở ứng dụng công nghệ nuôi hiện đại.

Các vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) lồng bè trên vịnh Vân Phong đang trong tình trạng quá tải, lồng bè chen chúc, phát sinh nhiều hệ lụy; việc quản lý lồng bè đang gặp nhiều khó khăn. Để phát triển bền vững nghề NTTS lồng bè tại huyện Vạn Ninh, đã đến lúc phải thay đổi theo hướng nuôi xa bờ trên cơ sở ứng dụng công nghệ nuôi hiện đại.


San sát lồng bè


Sáng sớm, cảng Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) lại nhộn nhịp tàu vào ra. Trên bến, dưới thuyền nhộn nhịp, người tất tả đưa thức ăn ra bè cho tôm, cá nuôi, người mang tôm, cá vào bờ để bán, í ới cả một vùng cảng. Ông Trần Văn Thời - một người nuôi tôm hùm thâm niên ở vùng biển Đầm Môn, cho hay: “Với dân biển, người có tàu thì làm nghề khai thác, người có bè thì sống bằng nghề NTTS. Hàng chục năm nay vẫn thế, nghề nuôi tôm hùm, cá biển bằng lồng bè là nghề chính của người dân xã Vạn Thạnh. Thế nhưng, không như trước đây, nghề NTTS lồng bè bây giờ bấp bênh hơn. Gần đây, tôm hùm tiêu thụ chậm, giá thấp khiến người nuôi như ngồi trên đống lửa, hàng tấn tôm vẫn đang lưu lại trong lồng nuôi, chưa thể xuất bán được”. Nói rồi, ông Thời đưa chúng tôi theo ghe chở thức ăn tôm ra vùng nuôi Đầm Môn. Trước mắt chúng tôi, hàng chục bè nuôi tôm, nuôi cá san sát; phải quen vùng nước, ông Thời mới điều khiển ghe vượt qua được những dây neo bè dập dềnh trên mặt nước.

 

Ven bờ biển thôn Đầm Môn (xã Vạn Thạnh) có rất nhiều bè nuôi thủy sản của người dân  địa phương và người dân từ Phú Yên đến nuôi.

Ven bờ biển thôn Đầm Môn (xã Vạn Thạnh) có rất nhiều bè nuôi thủy sản của người dân địa phương và người dân từ Phú Yên đến nuôi.


Ghé thăm bè nuôi tôm hùm của gia đình ông T.V.D - ở Tuy An (tỉnh Phú Yên), chúng tôi được biết gia đình ông đến Vạn Thạnh nuôi tôm hùm lồng chừng 10 năm nay. Ngày ấy, thấy nhiều người ở Phú Yên đến Vạn Thạnh đầu tư nuôi tôm hùm có lãi lớn, ông cũng đến tìm hiểu rồi đầu tư nuôi cho đến nay. Ông D. kể: “Trước đây, khi nguồn nước chưa bị ô nhiễm, ít dịch bệnh, tôm nuôi lớn rất nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp nên mỗi vụ nuôi thả chừng 1.500 con, gia đình thu lãi lớn. Bây giờ nuôi khó lắm, có những đợt, tôi chỉ dám thả nuôi 1.000 con nhưng hao hụt đến hơn 40%, rồi những đợt gặp mưa bão mất trắng. Hiện nay, giá tôm xuống thấp, bán khó, người nuôi chỉ mong hòa vốn…”.


Không riêng vùng nuôi Đầm Môn, ở các vùng nuôi khác của huyện Vạn Ninh như: Khải Lương, Ninh Tân (xã Vạn Thạnh), Hòn Vung (thị trấn Vạn Giã), Xuân Vinh (xã Vạn Hưng)… cũng trong tình trạng quá tải. Theo Quyết định số 1788 (năm 2018) của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, toàn huyện Vạn Ninh có 6 vùng nuôi, với tổng diện tích 500ha mặt nước, chỉ bố trí khoảng 12.500 lồng nuôi. Tuy nhiên, do nhu cầu NTTS của người dân rất lớn nên đến nay, toàn huyện có đến 40.000 lồng, với khoảng 1.300 bè NTTS. Lý giải về tình trạng này, ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng: “Có 2 nguyên nhân, thứ nhất là nhu cầu nuôi của người dân địa phương rất lớn, trong khi mặt nước dành cho NTTS trên vịnh Vân Phong không thể đáp ứng được hết. Thứ hai, trên vịnh Vân Phong, nhất là khu vực xã Vạn Thạnh hiện nay có đến hơn 100 bè nuôi của người dân Phú Yên. Trong khi quy định của Luật Thủy sản, ưu tiên giao khu vực biển để NTTS cho các đối tượng chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang NTTS hoặc thường trú trên địa bàn mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ NTTS”.


Quan sát quanh các bè nuôi tôm, không khó để bắt gặp túi ni lông, rác thải sinh hoạt… không được người dân thu gom, xả thẳng ra biển. Đó là chưa kể, lượng thức ăn tươi cho tôm, cá mỗi ngày cả trăm tấn đổ xuống biển, khiến môi trường nước ngày càng ô nhiễm. Việc mạnh ai nấy chiếm mặt nước để NTTS còn ảnh hưởng lớn đến các luồng lạch, giao thông đường thủy trên vịnh. Không chỉ vậy, ngư dân chủ yếu nuôi theo quy trình truyền thống, quy mô nhỏ, vật liệu làm lồng chủ yếu là gỗ, yếu ớt nên rất dễ thiệt hại mỗi khi mưa bão lớn. Cùng với đó, công tác quản lý NTTS lồng bè tại đây cũng gặp khó khăn khi quy hoạch phát triển ngành Thủy sản tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 đã hết hiệu lực, trong khi quy định tạm thời về khu vực NTTS chưa được ban hành. Điều này ảnh hưởng đến việc quản lý vùng nuôi cũng như việc hỗ trợ cho người dân khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra…


Hướng đến nuôi biển công nghệ cao


NTTS trên biển đã mang lại đời sống ổn định, khá giả cho người dân. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển NTTS phải thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững; đồng thời khai thác tối đa tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế biển, đưa NTTS trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn theo định hướng phát triển chung của tỉnh, đã đến lúc nghề NTTS trên vịnh Vân Phong phải chuyển đổi dần từ kiểu nuôi truyền thống hiện nay sang quy trình nuôi hiện đại, hướng ra xa bờ.

 

Ngư dân huyện Vạn Ninh chủ yếu nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè gỗ, dễ thiệt hại mỗi khi có bão lớn

Ngư dân huyện Vạn Ninh chủ yếu nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè gỗ, dễ thiệt hại mỗi khi có bão lớn


Ông Võ Khắc Én cho biết thêm: “Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ ra, NTTS của tỉnh sẽ phát triển theo hướng nuôi biển công nghệ cao. Chương trình hành động của Chính phủ, của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 09 cũng xác định, đối với NTTS trên địa bàn tỉnh, bên cạnh hoàn thiện quy hoạch vùng NTTS sẽ chuyển đổi từ nuôi lồng bè truyền thống sang nuôi công nghệ cao và nuôi công nghiệp vùng biển xa bờ. Hiện nay, Chi cục Thủy sản đang tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình UBND tỉnh kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển NTTS trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là nuôi biển xa bờ, ứng dụng công nghệ cao; đề xuất cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp và người dân đầu tư trên lĩnh vực này, nhằm đảm bảo sinh kế của người dân ven biển”.


Thực tế, vịnh Vân Phong là nơi đầu tiên trong cả nước phát triển NTTS lồng bè theo hướng hiện đại, quy mô công nghiệp. Tại đây đang có nhiều trang trại nuôi cá biển công nghệ cao, quy mô lớn. Điển hình như Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam phát triển nuôi cá chẽm quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, với 3 vùng nuôi ở vịnh Vân Phong; mỗi vùng có 14 lồng, mỗi lồng có thể thu hoạch 300 tấn cá mỗi chu kỳ nuôi. Trong khi đó, Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I tại vịnh Vân Phong có 20 lồng tròn, thể tích 2.500m3/lồng để nuôi thương phẩm cá chim vây vàng cùng 22 lồng vuông nuôi cá bố mẹ và ương dưỡng cá giống. Việc quản lý, vận hành trang trại nuôi này chủ yếu ứng dụng công nghệ, phương tiện, máy móc; nhờ áp dụng công nghệ lồng nhựa HDPE nên trang trại vẫn an toàn trong bão lớn. Thành công của các trang trại NTTS trên vịnh Vân Phong cho thấy tiềm năng nuôi biển xa bờ tại huyện Vạn Ninh là rất lớn.  


Theo ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, điều kiện môi trường biển ở Vạn Ninh có nhiều khu vực thuận lợi cho việc phát triển NTTS. Tuy nhiên, diện tích mặt nước phục vụ cho NTTS đang thu hẹp, trong khi đó nhu cầu nuôi của người dân rất lớn; đây là bài toán khó trong NTTS lồng bè trên địa bàn huyện hiện nay. “Nhất thiết phải chuyển đổi, phát triển NTTS lồng bè ra xa bờ trên cơ sở ứng dụng công nghệ nuôi hiện đại. Tuy nhiên, quy mô đầu tư sẽ rất lớn, chỉ phù hợp với những người nuôi có tiềm lực, còn với những hộ nuôi nhỏ lẻ thì phải tính toán việc liên kết, tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ để người nuôi đầu tư; những hộ không đủ khả năng đầu tư thì phải tính toán việc chuyển đổi nghề cho họ. Muốn vậy phải có kế hoạch, lộ trình, phải tính toán cụ thể”, ông Ý nói.


HẢI LĂNG