11:01, 25/01/2022

Vùng rong nho Ninh Hải vào xuân

Giáp Tết, phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) bước vào vụ thu hoạch rong nho mới. Làng trên xóm dưới, đâu đâu cũng rôm rả chuyện Tết, chuyện rong. Thị trường rong nho dần mở rộng đã mang lại cuộc sống đủ đầy hơn cho người trồng và thợ hái rong nho nơi đây.

Giáp Tết, phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) bước vào vụ thu hoạch rong nho mới. Làng trên xóm dưới, đâu đâu cũng rôm rả chuyện Tết, chuyện rong. Thị trường rong nho dần mở rộng đã mang lại cuộc sống đủ đầy hơn cho người trồng và thợ hái rong nho nơi đây.


Bõ công lặn ngụp hái rong


6 giờ 30, chị Nguyễn Thị Thùy Dung (tổ dân phố Đông Hà) đeo bao tay, tất, khẩu trang, mang theo kính lặn và tấm phao xốp xuống đìa, bắt đầu ngày làm việc mới. Nghề hái rong nho đã giúp gia đình chị có cuộc sống tốt hơn trước, Tết năm nay cũng sẽ đủ đầy hơn. Úp mình trên tấm phao xốp, chị Dung nhẹ chân đạp nước, vừa liên tục đẩy khay lưới trước mặt, vừa quan sát từng đám rong nho bên dưới, thi thoảng vục mặt xuống nước, hái từng chùm rong nho, thả vào khay lưới. Cứ thế, chị Dung ngâm nước tới trưa, tranh thủ lên bờ đìa ăn rồi lại xuống làm tiếp 1-2 giờ. Hỏi chuyện nghề, chị Dung chỉ cười tươi: “Công việc này biết bơi là làm được”.

 

Niềm vui thu hoạch

Niềm vui thu hoạch


Nhưng thực tế, để lặn ngụp cả ngày dưới đìa mà chân không chạm đáy cũng đòi hỏi sự thuần thục nhất định. Người hái rong phải lựa hái những cây rong nho dài trên 6-8cm; trái dày, đều, to, màu xanh óng. Vừa qua mùa mưa, nước biển khá lạnh, ngâm mình lâu dưới đìa cũng cần có sức khỏe. “Muốn thu rong nho, chỉ có cách duy nhất là úp mình trên xốp, bơi không chạm đáy, cúi ngập đầu lựa từng cọng. Thợ hái rong trước tiên phải học thở. Người mới làm thường bị sặc nước, hoặc chỉ vớt được vài kg rong/ngày”, anh Huỳnh Đức Hoài Nam (tổ dân phố 7 Bình Tây) chia sẻ.


Thợ hái rong nho ở Ninh Hải chủ yếu là phụ nữ và đàn ông trung niên. Để chịu được nước biển và nắng gắt, họ thường trang bị kính bơi, khẩu trang, bao tay, tất chân. Chị Dung còn sắm thêm bộ đồ nhái để giữ ấm người lúc chớm mùa mưa. Cũng vì phải ngâm nước nên công việc tuy không quá phức tạp nhưng chồng chị Dung không theo được nghề này.

   

Người mua sẵn sàng cân rong nho ngay bờ đìa.

Người mua sẵn sàng cân rong nho ngay bờ đìa.


Tuy khá vất vả nhưng việc hái rong nho đã giúp nhiều người có cuộc sống ổn định hơn. Trước kia, chị Dung làm muối, chồng lặn biển, chi tiêu lúc nào cũng thiếu hụt. 2 năm nay, chị đi hái rong nho thuê. Mùa cao điểm, có ngày, chị lặn ngụp ở đìa 10 giờ, thu nhập 700.000 đồng đến 1 triệu đồng; cuối mùa, thu nhập cũng được 400.000 - 500.000 đồng/ngày, đủ lo cho gia đình với 2 con đang tuổi ăn học. Thoăn thoắt lựa từng cọng rong nho, anh Nam kể, từ lúc có dịch Covid-19, anh thôi đi biển, chuyển sang hái rong nho, giờ đã thạo nghề. “Tôi hái khoảng 40-50kg/ngày, có ngày hái cả tạ, tiền công 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng. Bạn thuyền trước làm biển được vài trăm ngàn đồng/ngày, giờ hái rong nho, một buổi cũng được 300.000 đồng. Bây giờ, vợ chồng họ cùng hái rong nho thuê”, anh Nam cho biết. Chị Nguyễn Thị Dàng (tổ dân phố Đông Hà) cho biết, 10 năm trước, chị làm muối, chồng lặn biển, thu nhập bấp bênh. Từ khi hái rong nho, anh chị đủ tiền nuôi 3 con ăn học, giờ con lớn học đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Diện tích rong nho ở Ninh Hải khá lớn nên không lo thiếu việc.


Lợi nhuận khá cao


Trên trục đường ra các đìa rong nho có một số cơ sở chế biến rong nho. Nhân viên ở đây luôn bận rộn sơ chế. Gần cuối dãy đìa, khu chế biến rong nho của Công ty Cổ phần Việt Nhật Organic Food ầm ì tiếng nước sục rong nho trong bể. Ông Nguyễn Quang Tần, quản lý sản xuất của công ty cho biết, thị trường rong nho đang rộng mở. Rong tươi về xưởng được sục nước, làm sạch tạp chất, vi sinh vật, phân loại… trong 2 - 4 ngày; sau đó nuôi trong bể một thời gian để hấp thu thêm dưỡng chất và giải phóng kim loại nặng độc hại nếu có, rồi đem muối hoặc sấy khô... Sản phẩm của công ty đang bán khắp cả nước, làm bao nhiêu cũng tiêu thụ hết. Công ty đã hợp đồng mua rong nho của nhiều chủ đìa trong vùng. Mùa cao điểm, công ty huy động khoảng 60 lao động, chủ yếu là người địa phương, sản lượng chế biến 3 tấn rong tươi/ngày.


Sớm thấy triển vọng của rong nho, năm 2017, ông Nguyễn Minh Mẫn (tổ dân phố 7) đã cải tạo 3 đìa làm muối, nuôi tôm, ốc hương sang trồng rong nho. Thấy thu hoạch bao nhiêu đều bán hết, ông Mẫn quyết định chuyển cả 10 đìa với diện tích 5ha sang trồng rong nho; ngoài ra còn đi thu mua thêm. Tiền đắp đìa, mua giống, cây cắm, lưới che để điều tiết ánh sáng, nhiệt độ nước… khoảng 10 triệu đồng/sào, 10 đìa hết 500 triệu đồng. Sau 20 ngày, rong nho cho thu hoạch lứa đầu. Mùa nắng (tháng 2 đến tháng 10), ông Mẫn thu khoảng 20 tấn/tháng, giá bán khoảng 30.000 đồng/kg. Do không bị ứ hàng nên ông thường xuyên sử dụng 27 lao động hái, lựa, sơ chế rong nho với thu nhập mùa nắng khoảng 500.000 - 900.000 đồng/ngày, mùa mưa khoảng 200.000 đồng/buổi. “Trồng rong nho đầu tư không cao, lợi nhuận khá, lao động có việc làm ổn định. Nếu không gặp bão, chỉ cần đầu tư 1 mùa là lấy lại vốn, những năm sau cứ thế thu tiếp. Nếu không may gặp bão thì cũng chỉ mất tiền cây chống, lưới chứ không thua lỗ nhiều như nuôi tôm, ốc hương. Trong khi đó, đầu ra đang khá tốt”, ông Mẫn chia sẻ.


Ông Trần Ngọc Hưng (tổ dân phố 1), chủ 6 đìa rong nho diện tích 2ha cho biết, sau mùa mưa, mỗi hec-ta chỉ cần khoảng 5 tấn giống (1,5 triệu đồng/tấn) với vài công rải giống lại (350.000 đồng/công). Hiện nay, rong đầu vụ ít nên giá bán ở mức 50.000 đồng/kg và sẽ duy trì giá này trong khoảng 3 tháng, sau đó hạ dần, thấp nhất khoảng 30.000 đồng/kg. Kể cả với giá 30.000 đồng/kg, nếu mỗi hec-ta thu 20 tấn/năm, trừ chi phí cũng lãi 350 triệu đồng.


Cần phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ


Nghề trồng rong nho đã mang lại thu nhập khá ổn định cho một số người dân Ninh Hải. Nhưng ngay cả khi đang bán chạy, ông Hưng vẫn chưa thực an tâm. Ông tâm sự, diện tích trồng rong nho ở đây chủ yếu được chuyển đổi tự phát từ diện tích nuôi ốc hương, tôm, làm muối kém hiệu quả. Đến nay, chưa người dân địa phương nào được đào tạo bài bản về kỹ thuật. Chất lượng rong tươi một phần do các đơn vị thu mua đánh giá, một phần phụ thuộc vào lịch thu mua. Có trường hợp, rong nho đến thời điểm thu hoạch nhưng đơn vị thu mua không xếp được lịch nhập hàng, chủ đìa phải dời lịch thu hoạch, dẫn đến rong bị già, giảm chất lượng. Hoặc tuy rong chất lượng cao nhưng tại thời điểm hái, nếu người mua chỉ có nhu cầu loại vừa, rong đã thu hoạch cũng không thể giữ lại hoặc yêu cầu giá cao hơn. Vì vậy, đầu ra vẫn còn tiềm ẩn bấp bênh. “Người dân ở đây vẫn loay hoay, thấy cái gì hiệu quả thì làm, đến khi thị trường bão hòa lại lo chuyển đổi. Chúng tôi rất mong có đơn vị nào đó đứng ra liên kết người mua và người bán. Ai có rong tốt bán cho người cần loại chất lượng cao, ai có rong loại vừa đáp ứng người chỉ cần loại vừa…”, ông Hưng bày tỏ.


Ông Trần Hải - Chủ tịch UBND phường Ninh Hải cho biết, nghề trồng rong nho ở Ninh Hải đã có hơn 10 năm. Những năm đầu, tổng diện tích chỉ khoảng 10ha. Khoảng 5 năm trở lại đây, do có nhiều công ty thu mua, diện tích rong nho tăng lên đến 70-80ha, tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương với thu nhập cao. Phường cũng luôn tạo thuận lợi cho các đơn vị đến tập huấn kỹ thuật nuôi trồng, bảo quản… rong nho. Tuy nhiên, để bảo đảm phát triển bền vững, địa phương chỉ khuyến khích chuyển đổi diện tích làm muối không hiệu quả sang trồng rong nho.


Chia tay chúng tôi khi những chuyến xe chở rong nho đang hối hả rời đìa về nơi chế biến để kịp xuất xưởng trước Tết, ông Hải cho biết, tháng trước, kỹ sư Lê Bền, người đầu tiên đưa giống rong nho về trồng thành công tại Việt Nam, đã dẫn một nhóm chuyên gia về đây khảo sát và tư vấn phường nên thành lập một tổ chức liên kết trồng - bán rong nho bài bản để phát triển bền vững. Đây cũng là điều lãnh đạo địa phương mong mỏi và hướng tới thực hiện.


NGUYỄN VŨ - BÁ NGHĨA