10:01, 16/01/2022

Kỳ 1: Độc đáo trận địa đánh bắt cá

Trải qua hàng chục năm bám trụ giữa Biển Đông, ngư dân lưới vây khơi của tỉnh đã dựng trận địa đánh bắt cá độc đáo ở Trường Sa với sản lượng tăng cao. Điều đặc biệt là mô hình này giống như neo "cột mốc" chủ quyền biển, đảo của đất nước ở giữa ngàn trùng khơi. Dù ở nơi đầu sóng, ngọn gió, họ vẫn kiên cường bám trụ để vừa khai thác thủy sản, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trải qua hàng chục năm bám trụ giữa Biển Đông, ngư dân lưới vây khơi của tỉnh đã dựng trận địa đánh bắt cá độc đáo ở Trường Sa với sản lượng tăng cao. Điều đặc biệt là mô hình này giống như neo “cột mốc” chủ quyền biển, đảo của đất nước ở giữa ngàn trùng khơi. Dù ở nơi đầu sóng, ngọn gió, họ vẫn kiên cường bám trụ để vừa khai thác thủy sản, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

    
Kỳ 1: Độc đáo trận địa đánh bắt cá



Thắng lợi của người mở đường


“Cái neo này chiều dài hơn 5m, nặng cả tấn của mấy ông chủ tàu lưới vây đặt làm để thả ngoài vùng biển khơi có độ sâu từ 2.000 đến 4.000m nhằm giữ bó chà dẫn dụ cá tới để đánh bắt. Nghe đâu mấy chiếc tàu “trinh sát” ở lại ngoài đó liên tục mấy tháng mới vào bờ. Làm kiểu đó chẳng khác nào mấy anh hải quân ở trên nhà giàn giữ biển, đảo của Tổ quốc” - ông chủ thợ hàn Lê Văn Minh, sát cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang) giới thiệu. Ông Minh kể: “Năm ngoái, ông Quang chủ tàu lưới vây ở Bình Định đặt tôi làm một cái neo. Sau thời gian ngắn, ông làm trúng cá, tàu lớn đầy cá cập vào cảng Hòn Rớ bán lãi cả tỷ đồng. Ông tiếp tục đặt làm cái thứ 2, 3... rồi lập cả một biên đội tàu lưới vây, tàu hậu cần, tàu “trinh sát”. Chỉ khoảng 1 năm, ông phất lên nhanh từ cái neo khởi nghiệp...”.

 

Tàu lưới vây đang cảo cá lên tàu

Tàu lưới vây đang cảo cá lên tàu


Câu chuyện của ông Minh kể có vẻ không đầu, không đuôi, nhưng ẩn chứa nhiều chi tiết hay. Tôi đã nhiều lần đi theo tàu lưới vây, mành chụp, câu cá ngừ đại dương... hoạt động ở giữa Biển Đông có độ sâu từ 2.000 đến 6.000m. Với mực nước này, không có neo và dây tàu đánh cá nào chịu nổi. Các tàu chỉ sử dụng neo dù (neo nước) để hạn chế tàu trôi theo chiều gió. Bây giờ nghe nói mô hình neo thả ở độ sâu lớn để dựng trận địa đánh bắt cá, quả là độc đáo.


Chúng tôi gặp thuyền trưởng Phạm Được (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang), người đưa ra ý tưởng dùng neo giữ chà (bó lá dừa) ở độ sâu trên dưới 3.000m. Gia đình ông Được làm nghề lưới vây khơi từ lâu, trước đây, thường hay cho tàu chạy hàng trăm hải lý đi tìm chà (những khúc gỗ) trôi giữa biển, ban đêm cử các thợ lặn giỏi xuống biển quan sát và đếm cá, rồi thả lưới vây trọn đàn cá. Những năm gần đây, họ nghĩ ra cách nuôi những chiếc tàu thả neo dù trôi giữa biển - thay thế những khúc gỗ dẫn dụ cá về cư ngụ. “Tôi nghĩ làm chà trôi trên biển để dụ cá về ở lâu rồi, nhưng tính toán chi phí quá cao, một mình không làm nổi. Tôi đem chuyện này bàn với anh Lê Trứ (phường Vĩnh Phước), thế là 2 anh em hợp tác cùng nghiên cứu làm neo chà. Với kinh nghiệm làm biển nhiều năm, tôi chọn vùng biển Trường Sa, cụ thể là ở mặt ngoài bãi Tư Chính của Việt Nam. Vùng này giống như “ngã ba quốc tế”, nghĩa là đón bắt dòng cá ngừ, loại cá di cư theo dòng hải lưu từ vùng biển của nước này qua vùng biển nước khác. Sau khi tham khảo ý kiến của Hải quân Vùng 4, Chi cục Thủy sản tỉnh, vị trí đặt neo thuộc vùng biển của Việt Nam đã công bố và cài đặt vào hệ thống máy định vị, máy giám sát hành trình trên tàu đánh cá của ngư dân. Tháng 2-2019, chúng tôi bắt đầu thả cái neo đầu tiên” - thuyền trưởng Được kể.

 

Những cái neo được làm chắc chắn thả xuống đáy biển, sâu từ 2.000 đến 3.000m để giữ bó chà (lá dừa) dẫn dụ cá về ở.

Những cái neo được làm chắc chắn thả xuống đáy biển, sâu từ 2.000 đến 3.000m để giữ bó chà (lá dừa) dẫn dụ cá về ở.


Ở vùng biển Việt Nam chưa ai làm neo thả chà ở mực nước 2.000 - 3.000m. Ông Lê Trứ, chủ nhóm tàu lưới vây, tính toán làm cái neo sắt nặng gần 1 tấn, phía đầu neo cột thêm cục bê tông nặng mấy tạ, dây to gần bằng cổ tay, dài từ 3.500 đến 4.000m, phao nổi làm bằng sắt, phía dưới biển treo bó lá dừa, với độ sâu gần 100m... tổng trị giá hơn 200 triệu đồng.

 

Làm xong “ngôi nhà” cho cá đầu tiên khoảng 15 ngày, ông Trứ chưa thấy có cá về ở, nôn nao gọi điện hỏi thuyền trưởng Được: “Vì sao thả chà lâu rồi mà chưa thấy có cá về ở vậy?”. Ông Được cười giải thích: “Cá chưa quen chỗ ở mới, phải từ từ để cá con về ở trước, cá lớn đi qua thấy mồi ghé vào ăn, dần dà mới ở lại dưới bó chà”. Sau hơn 1 tháng, tàu “trinh sát” báo về bờ, cá lớn đã về chà ở nhiều. Thuyền trưởng Được cho tàu lưới vây rời cảng Hòn Rớ và chiếc tàu hậu cần cũng khởi hành bám theo, chạy 3 ngày 3 đêm mới đến được trận địa đánh bắt. “Đánh mẻ lưới đầu tiên là cá đầy cả chiếc tàu hậu cần, chạy vào cảng Hòn Rớ bán được 1 tỷ đồng. Ngày thứ 2, cá đang gom đàn trở lại ở dưới chà, đánh mẻ lưới thứ 2 cũng chở đầy chiếc tàu hậu cần khác. Chúng tôi phải chờ tàu hậu cần chạy ra mới đánh tiếp mẻ lưới thứ 3, cá cũng đầy tàu” - thuyền trưởng Được cho biết.

 

Phao nổi giữ chà thả ở biển khơi của tàu lưới vây khơi.

Phao nổi giữ chà thả ở biển khơi của tàu lưới vây khơi.

 

Thắng lợi neo chà đầu tiên, ông Lê Trứ tiếp tục đầu tư làm thêm 5 giàn neo chà, thả thành hàng dọc giống như đường biên giới nổi trên biển. Trên các phao nổi có sơn màu đỏ tên Lê Trứ, như khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng những cột mốc nổi. Hệ thống neo - phao được ông Trứ làm rất chắc, chịu được những cơn bão cấp 13 đi qua. Năm ngoái, tàu kiểm ngư có trọng tải mấy trăm tấn của nước ta đi tuần, gặp gió to, tắt máy buộc dây vào phao chà mười mấy ngày mà không vấn đề gì.  


Nhiều người làm theo


Lúc đầu, khi nhóm của ông Lê Trứ làm neo chà ngoài biển, nhiều người trong nghề hoài nghi, cho rằng không bao giờ thành công, vì mực nước quá sâu, sóng quá lớn, biển quá xa với đất liền, tàu không thể ở ngoài đó mãi để canh giữ chà... “Mới đầu làm chưa có kinh nghiệm, tôi làm phao nhỏ, lúc sóng lớn bị nhấn chìm xuống; hay thả neo trúng vào rạn đá, chỉ được thời gian ngắn nó cứa đứt dây... làm mất hết 20 neo và phao nổi, thiệt hại trên dưới 4 tỷ đồng. Từ thực tiễn sóng to, gió lớn, tôi nghiên cứu và điều chỉnh dần dần, càng về sau càng làm phao nổi to lớn hơn; khi biển không có sóng nhìn giống như hòn đảo chìm, có tảng đá nhô lên khỏi mặt nước. Mỗi neo chà tôi đặt cách nhau khoảng 5 - 10 hải lý, thành cụm “đảo nổi” của Việt Nam. Rõ ràng ở thực địa trên biển, chúng ta đã có dấu mốc chủ quyền bằng hệ thống neo phao. Vì tình yêu biển, đảo, vì chủ quyền của Tổ quốc, tôi bất chấp tất cả, làm kỳ được” - ông Lê Trứ tâm sự.


Ông Trứ và ông Quang (tỉnh Bình Định) là người bà con dòng họ, ông Trứ đã hướng dẫn bí quyết cách làm neo giữ chà cho ông Quang làm theo như ông thợ hàn giới thiệu ở trên. Các nhóm tàu này làm trúng cá, nhóm tàu ông Huỳnh Văn Khâu, TP. Nha Trang bắt chước làm theo. Nhóm tàu của ông Trứ có mấy chục neo giữ chà, nhóm ông Quang có 25 cái, nhóm ông Khâu có gần 15 neo... Từ đây lan ra nhiều nhóm tàu lưới vây khác ở tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Bình Định, tất cả họ đều đặt neo giữ chà ở vùng biển xa nhất của Việt Nam.

 

Thạc sĩ Nguyễn Viết Hùng - Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản (Trường Đại học Nha Trang): Tập tính dòng họ cá ngừ di chuyển và tìm thức ăn từ mặt nước xuống độ sâu 150m, đi theo từng đàn, dân biển hay gọi dòng cá nổi. Khi thấy vật gì trôi nổi trên biển, tạo ra bóng che, giống như “ngôi nhà” của nó, cá sẽ dừng lại cư ngụ để kiếm ăn vùng biển xung quanh. Ngư dân sau nhiều năm kinh nghiệm trên biển đã hiểu được tập tính của cá ngừ, họ nghĩ ra nhiều cách để đánh bắt hiệu quả nhất. Vùng biển Trường Sa có nhiều rạn đá san hô, vực thẳm, vùng nước trồi... đa dạng nguồn lợi thủy sản. Đây là vùng biển đánh bắt truyền thống của ngư dân tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh Nam Trung Bộ.

 
HẢI LUẬN


Kỳ 2: Đội quân “nhà giàn” cơ động