Khoảng từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã diễn ra tình trạng một số nhóm người thu mua đất đìa, đất trồng cây lâu năm của người dân rồi chuyển đổi mục đích sử dụng, tách ra thành nhiều lô, giao cho các sàn giao dịch bất động sản để bán. Tình trạng này không chỉ làm phá vỡ quy hoạch, về lâu dài sẽ gây khó khăn về quỹ đất phục vụ sự phát triển của địa phương.
Khoảng từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã diễn ra tình trạng một số nhóm người thu mua đất đìa, đất trồng cây lâu năm của người dân rồi chuyển đổi mục đích sử dụng, tách ra thành nhiều lô, giao cho các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) để bán. Tình trạng này không chỉ làm phá vỡ quy hoạch, về lâu dài sẽ gây khó khăn về quỹ đất phục vụ sự phát triển của địa phương.
Kỳ 1: Loạn đất nền
Hàng trăm héc-ta đất đìa, đất trồng xoài đã được chuyển đổi mục đích sử dụng, phân lô bán nền. Mỗi khu vực chỉ chia ra vài chục lô, đường khoảng 3 - 4m nhưng các sàn tung chiêu, quảng bá dự án, khu dân cư nhằm nâng giá, bán cho khách.
Tràn lan phân lô
Tuy đang trong thời gian dịch bệnh, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhưng các sàn giao dịch BĐS vẫn chạy quảng cáo rầm rộ. Một môi giới tên Hải cho biết, khách muốn đất ở vị trí nào cũng có, từ phía đông đến phía tây Quốc lộ 1, đất ven đầm Thủy Triều cho đến đất trồng cây lâu năm chưa phân lô. Giá cả linh động từ 5 triệu đồng/m2 ở những vị trí xấu đến 8 triệu đồng/m2 ở khu vực phía tây Quốc lộ 1 hoặc 15 - 17 triệu đồng/m2 ở khu vực ven đầm Thủy Triều.
Hải dẫn chúng tôi đi qua đoạn đường ngoằn ngoèo đã xuống cấp nghiêm trọng, đến một khu đất đã phân khoảng 20 lô ở xã Cam An Bắc; phía trên khu đất là trụ điện và đường dây 110kV của Nhà máy điện mặt trời Trung Sơn. “Vì nằm dưới đường dây điện và đường đi khó khăn nên giá đất khu này chỉ dao động trên dưới 5 triệu đồng/m2. Anh mua ở đây sẽ nắm chắc lợi nhuận. Cam Lâm là vùng đất giàu tiềm năng, chỉ cần đầu tư là sẽ tăng giá khủng trong tương lai”, Hải tư vấn.
Ngoài các khu đất đã được chuyển đổi, tách thửa, trên địa bàn huyện Cam Lâm còn có tình trạng chưa chuyển đổi mục đích xong nhưng chủ đất đã san lấp mặt bằng, vẽ sơ đồ phân lô để chào hàng. Dẫn chúng tôi đến khu đất rộng hơn 1ha tại thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc, một người dân địa phương cho biết, tuy là đất nuôi trồng thủy sản nhưng chủ đất đã cho xe san lấp tạo mặt bằng, vẽ sơ đồ với 81 lô đất để chào bán. Rà theo các văn bản pháp lý thì quy hoạch sử dụng đất khu này là đất ở. Năm 2020, chủ đất đã đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở vào năm 2021, nhưng mãi đến cuối tháng 9 mới được phê duyệt. Chính vì vậy, kế hoạch “ra hàng” của chủ đất này bị chậm lại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn huyện Cam Lâm có hàng nghìn lô đất đã được chuyển đổi mục đích, phân lô và chào bán, trong đó sôi động nhất là thời gian từ năm 2019 đến nay. Chẳng hạn khu vực bên hông nhà thờ ở xã Cam Hải Tây có gần 20 lô đã bán từ thời điểm cuối năm 2019 với giá 10 triệu đồng/m2 nhưng nay vẫn được các sàn rao bán với giá 13 - 15 triệu đồng/m2; khu vực trục đường Đinh Tiên Hoàng nối dài ở xã Cam Hải Tây với hơn 50 lô được các sàn BĐS thay nhau rao bán từ năm 2020 đến nay. Ngoài ra, còn hàng chục khu vực ở các xã Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc đã san lấp, phân ra hàng trăm lô đất cũng đang được các sàn BĐS ngoài Hà Nội chào bán.
Những dự án tự phong
Tìm kiếm trên google với từ khóa “đất nền Cam Lâm”, không khó để nhận ra hàng loạt dự án có cái tên nghe rất hoành tráng. Chẳng hạn “Cam Lâm Golden Lake” là “dự án ma” được môi giới chào hàng mạnh trong thời gian gần đây. Theo giới thiệu, dự án này nằm ở xã Cam Hòa, do Meha Group làm chủ đầu tư, có quy mô 2.570m2, phân ra làm 22 lô đất nền với giá bán ưu đãi cùng nhiều chính sách hấp dẫn; được “thổi” lên hoành tráng: “Cam Lâm Golden Lake nằm trên mặt đường ven đầm quy hoạch 30m (hiện trạng đường 16m) rất thuận tiện di chuyển đến các tiện ích ven đầm... Dự án sở hữu địa thế đất có một không hai, tọa sơn hướng thủy... mang lại nhiều tài lộc cho chủ nhân”. Theo tìm hiểu của phóng viên, khu đất này trước kia của ông Trần Như Trí, sau này ông Trí bán lại cho một sàn BĐS ngoài Hà Nội. Hiện nay, các sàn phía bắc đang rao bán đất ở đây với giá 10 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, hàng loạt dự án tự phong như: Cam Lâm Central Park, Suối Tân Diamond, Cam Lâm Future City, Cam Lâm Sky Lake... cũng đang được các sàn BĐS ngoài Hà Nội quảng bá bán đất phân lô nhằm tạo sự tin tưởng cho khách hàng, nâng giá trị đất một cách bất chấp. Thực tế, rất nhiều khách hàng khu vực Hà Nội và các tỉnh phía bắc không hiểu nhiều về Cam Lâm. Khi nghe thấy tên dự án, giá mềm, lại gần sân bay quốc tế và khu vực bắc bán đảo Cam Ranh thì rất dễ bị hấp dẫn.
Ông Huỳnh Quốc Dũng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm khẳng định, trên địa bàn huyện không có dự án phân lô, bán nền nào có tên như các sàn giao dịch BĐS rao bán gần đây. Ví dụ “Casino của Tập đoàn Hưng Thịnh” là do môi giới tự nghĩ ra. Thời gian qua, lãnh đạo huyện có nắm được thông tin một số sàn BĐS mạo danh dự án để rao bán đất nền trên các trang mạng xã hội. UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nắm rõ, khi mua đất cần liên hệ cơ quan chức năng kiểm tra để bảo đảm an toàn.
Ai té nước theo mưa?
Ngày 17-10, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành để nghe một tập đoàn lớn báo cáo đề xuất đầu tư dự án tại huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh. Rất nhanh nhạy, ngay tối hôm ấy, trên mạng xã hội Facebook ngập tràn status của các môi giới BĐS đăng tải tờ giấy mời cuộc họp kèm những lời có cánh dự báo tương lai tươi sáng cho khu vực ven đầm Thủy Triều của huyện Cam Lâm. Sau đó, các thông tin như: “Cam Lâm sẽ là Đà Nẵng thứ 2”, “Báu vật Cam Lâm sinh lời vô hạn”… xuất hiện ngày càng dày đặc. Một môi giới BĐS cho rằng, thương hiệu của tập đoàn này sẽ làm đất nền Cam Lâm tăng giá mạnh mẽ trong thời gian ngắn. Vì vậy, cần đầu tư sớm nếu không sẽ mất cơ hội.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đình Quý - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa cho biết rất bức xúc trước tình trạng hàng trăm môi giới dùng một tờ giấy mời họp liên quan đến tập đoàn lớn để chào hàng những lô đất nền phân lô tại huyện Cam Lâm. “Đây là tình trạng “té nước theo mưa”, bán hàng bất chấp, sẽ gây thiệt hại cho khách hàng về sau. Họ cho rằng tập đoàn này đầu tư vào Cam Lâm là cơ hội cho khách hàng, nhưng tôi khẳng định đó là dấu chấm hết cho tình trạng phân lô, bán nền tràn lan ở đây”, ông Quý phân tích.
Ông Huỳnh Quốc Dũng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm: Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, rao bán đất nền xuất hiện ở huyện Cam Lâm từ năm 2017, sau đó phát triển mạnh vào năm 2019. Lúc đầu, tình trạng này tập trung ở xã Cam Hải Tây và thị trấn Cam Đức, sau đó mở rộng ra xã Cam Thành Bắc, nhưng vẫn tập trung quanh đầm Thủy Triều. Đến năm 2019, UBND huyện Cam Lâm lập Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 thì ở thị trấn Cam Đức và xã Cam Thành Bắc chủ yếu được quy hoạch là đất thương mại dịch vụ nên tình trạng phân lô bán nền chủ yếu còn tập trung tại xã Cam Hải Tây. |
VĂN KỲ
Kỳ 2: Để lại hệ lụy lâu dài