Năm nay, dịch giã vừa tạm lắng thì chúng ta lại đối mặt với nhiều nỗi lo khi mùa mưa bão đến gần. Trong đó có nỗi lo từ vùng hạ du với những hồ chứa nước xuống cấp…
Năm nay, dịch giã vừa tạm lắng thì chúng ta lại đối mặt với nhiều nỗi lo khi mùa mưa bão đến gần. Trong đó có nỗi lo từ vùng hạ du với những hồ chứa nước xuống cấp…
Hư hỏng nặng
Thời gian gần đây, khu vực thượng nguồn hồ Đá Bàn (thị xã Ninh Hòa) có mưa nhiều, hồ chứa tranh thủ tích nước để phục vụ sản xuất cho năm 2022 và đã đạt 50% dung tích. Tuy nhiên, điều khiến lực lượng quản lý, vận hành hồ Đá Bàn lo lắng hơn cả là mái hạ lưu đập hồ chứa này xuất hiện cả trăm hố sụp lún lớn nhỏ đe dọa trực tiếp đến an toàn hồ chứa. Ông Nguyễn Văn Khoa - Cụm trưởng hồ Đá Bàn (Văn phòng đại diện Đá Bàn, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Khánh Hòa) cho hay: “Mái hạ lưu đập hồ Đá Bàn được gia cố trồng cỏ bảo vệ kết hợp với hệ thống rãnh tiêu nước. Những năm gần đây, do mưa bão kéo dài, cường độ lớn, nhất là cơn bão số 12 năm 2017 đã làm xói lở mái hạ lưu đập, tạo nhiều rãnh, hố sâu. Năm 2018, một phần mái đập hạ lưu này đã được gia cố, tuy nhiên phần còn lại cao trình 34,5m - 68,97m chưa được gia cố, xuất hiện rất nhiều hố sụp, lún nguy hiểm; nhiều hố sụp lún đường kính 0,6m đến hơn 1m, chiều sâu bình quân các hố khoảng gần 1m. Chúng tôi đã báo cáo công ty để kiến nghị tỉnh đầu tư, khắc phục nhằm đảm bảo an toàn hồ Đá Bàn trong mùa mưa lũ năm nay”.
Không riêng gì hồ Đá Bàn, ghi nhận của chúng tôi tại hồ Hoa Sơn (huyện Vạn Ninh), mái hạ lưu hồ chứa xuất hiện nhiều hố xói sâu, sụp lún; có những vị trí xói sâu hơn 2m, diện tích có chỗ đến 20-30m2; trong phạm vi các hố, rãnh tiêu nước bị gãy và hư hỏng nặng. Ngoài ra, còn xuất hiện hiện tượng thấm ngược ở mái thượng lưu của hồ. Tình trạng hư hỏng cũng xuất hiện tại hồ Suối Hành (TP. Cam Ranh), cụ thể là đoạn gần vai hữu tràn dài khoảng 25m mái đập bị xói cục bộ, một số rãnh tiêu nước bị hư hỏng. Còn tại vị trí vai hữu tràn xả lũ xuất hiện lún sụt khoảng 7-10cm. Ngoài ra, khi đến các hồ: Cam Ranh (huyện Cam Lâm), Am Chúa (huyện Diên Khánh), Đồng Bò (TP. Nha Trang), chúng tôi cũng được đơn vị quản lý các hồ chứa này thông tin về hiện tượng nước thấm qua thân đập.
Trao đổi với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), chúng tôi được biết, thực tế sau các mùa mưa lũ gần đây, nhất là sau cơn bão số 12 năm 2017, nhiều hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư từ rất lâu nay đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ hàng năm.
8 hồ chứa đang được sửa chữa
Ông Nguyễn Duy Quang - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 hồ chứa gồm: Suối Lớn, Suối Luồng (Vạn Ninh), Suối Trầu, Bến Ghe (Ninh Hòa), Đồng Bò (Nha Trang), Láng Nhớt, Đá Mài, Cây Sung (Diên Khánh) đang được triển khai đầu tư nâng cấp sửa chữa thuộc Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8). Qua kiểm tra, các dự án này đều bảo đảm tiến độ thi công gia cố hoàn thiện phần đập chính, tràn các công trình, bảo đảm an toàn công trình và tích nước trong mùa mưa lũ năm 2021.
Theo lời giới thiệu của ông Quang, chúng tôi đến hồ Suối Lớn. Tại đây, không khí thi công sửa chữa công trình rất khẩn trương. Những chiếc máy múc, xe lu đang vận hành hết công suất để hoàn thiện công trình. Theo đơn vị thi công, việc sửa chữa, nâng cấp đập chính của hồ Suối Lớn đã đạt hơn 70%, tràn xả lũ đạt 80% và kênh xả sau tràn đạt hơn 95% khối lượng công trình. Còn tại hồ chứa nước Suối Luồng, những hạng mục chính trong dự án sửa chữa hồ chứa này cũng đã gần như hoàn tất, trong đó đập chính đạt 85%, tràn xả lũ 95%. Đây là 2 hạng mục quan trọng nhất được đơn vị thi công tập trung phương tiện, nhân lực để hoàn thiện trong tháng 10 nhằm bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du khi mùa mưa lũ đang cận kề. Tại hồ chứa nước Suối Trầu, tuy gần đây mưa nhiều, lượng nước tích được đã lên đến 6,88 triệu m3, đạt 70% dung tích, nhưng nhờ các hạng mục chính như: đập chính, đập phụ, tràn xả lũ, tràn sự cố đã được nâng cấp, sửa chữa gần xong nên đã có thể tích nước phục vụ cho các mục tiêu của hồ vào năm sau.
Các giải pháp để bảo đảm an toàn
Để nâng cao mức độ an toàn các công trình hồ chứa, nhất là các hồ Đá Bàn, Hoa Sơn, UBND tỉnh sẽ trình kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa VII xem xét thông qua chủ trương đầu tư các dự án sửa chữa mái hạ lưu hồ Đá Bàn (kinh phí gần 8 tỷ đồng); sửa chữa mái hạ lưu hồ Hoa Sơn (kinh phí gần 15 tỷ đồng). Theo ông Nguyễn Thái Hùng - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa, trong số 18 hồ chứa công ty đang quản lý khai thác, lo lắng nhất trong mùa mưa bão năm nay là những hư hỏng, sụp lún ở các hồ Đá Bàn, Hoa Sơn. Trong khi chủ trương đầu tư các dự án này đang được xem xét; để gia cố, khắc phục tạm thời những hư hỏng ở 2 hồ chứa nêu trên và hồ Suối Hành trước mùa mưa lũ năm nay, công ty đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét, phê duyệt danh mục công trình khắc phục, sửa chữa đột xuất các hồ chứa này với tổng kinh phí 810 triệu đồng.
Để tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình đập, hồ chứa nước trong mùa mưa bão năm 2021, Sở NN-PTNT đã đề nghị các địa phương, đơn vị quản lý khai thác hồ đập trong tỉnh khẩn trương rà soát, khắc phục, sửa chữa tạm thời các vị trí sụp lún, xói lở, sạt trượt, đứt gãy tại các đập, hồ chứa nước. Đặc biệt, chú ý các vị trí xuất hiện dòng thấm qua đập, thường xuyên quan trắc, đo đạc và báo cáo về lưu lượng, thời gian thấm, thời điểm xuất hiện, kết thúc dòng thấm tại các vị trí trên thân đập. Bên cạnh đó, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai đảm bảo an toàn đập trong mùa mưa lũ năm 2021; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, trang thiết bị, vật tư dự phòng; đảm bảo nhân lực trực 24/24 giờ tại hồ trong mọi tình huống, kể cả trong tình huống bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Một vấn đề được người dân hết sức quan tâm mỗi mùa mưa lũ đến là việc vận hành hồ chứa vừa đảm bảo an toàn công trình vừa giảm lũ, cắt lũ an toàn cho vùng hạ du cần được các đơn vị quản lý hồ, chính quyền địa phương quan tâm. Muốn vậy, đơn vị quản lý hồ cần tăng cường quan trắc, theo dõi, cập nhật tình hình khí tượng thủy văn trên toàn lưu vực hồ chứa; tính toán để nâng cao hiệu quả vận hành điều tiết hồ chứa một cách khoa học, phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, cần đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện thông báo điều tiết, xả lũ các hồ chứa; hạn chế việc thông báo xả lũ có biên độ xả lũ lớn, thời gian thông báo kéo dài; trong mùa mưa lũ phải cập nhật, nắm bắt thông tin dự báo để tăng cường điều tiết sớm, điều tiết ban ngày hạn chế xả lũ ban đêm; thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương trong việc thông tin, cảnh báo và sơ tán dân vùng hạ du...
Qua kiểm tra một số hồ chứa trên địa bàn tỉnh mới đây, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, các dự án sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi đã được triển khai đúng tiến độ, các hạng mục chính đã gần như hoàn tất phục vụ cho việc tích nước cũng như nâng cao khả năng an toàn trong mùa mưa bão năm nay. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT và các địa phương, đơn vị tập trung triển khai thực hiện tốt các phương án ứng phó thiên tai được duyệt, trong đó nhiệm vụ đảm bảo an toàn công trình, an toàn cho vùng hạ du được đặt lên trên hết. __________________________________
|
HỒNG ĐĂNG - HẢI LĂNG