08:09, 12/09/2021

Kỳ 2: Chuyển đổi và thích ứng

Trên toàn tỉnh Khánh Hòa, nhiều địa phương phải bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến. Dẫu nhiều khó khăn, cả thầy và trò đều quyết tâm thích ứng với hoàn cảnh mới theo phương châm của Bộ Giáo dục và Đào tạo "tạm dừng đến trường, không dừng việc học".

Kỳ 2: Chuyển đổi và thích ứng

 

Trên toàn tỉnh Khánh Hòa, nhiều địa phương phải bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến. Dẫu nhiều khó khăn, cả thầy và trò đều quyết tâm thích ứng với hoàn cảnh mới theo phương châm của Bộ Giáo dục và Đào tạo “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.

Khẩn trương chuẩn bị


Không khí chuẩn bị cho năm học mới ở TP. Nha Trang rất khẩn trương. Tại Trường THPT Lý Tự Trọng, sân trường vẫn vắng lặng, nhưng tại phòng họp, màn hình trực tuyến kết nối với cán bộ, giáo viên (GV) hầu như luôn sáng. Thầy Hiệu trưởng Trương Minh Trình liên tục điều hành các cuộc họp, chỉ đạo chuyên môn, theo dõi tiến độ tập huấn… Đến nay, trường đã xây dựng xong kế hoạch giáo dục trong năm, kế hoạch dạy học từng nhóm bộ môn, thời khóa biểu; ấn định mốc thời gian ôn tập cuối học kỳ, các ngày nghỉ để GV chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy, hướng dẫn học sinh (HS) tự học; lựa chọn phần mềm dạy học trực tuyến... Nhà trường cũng yêu cầu GV hoàn thành soạn bài giảng trực tuyến cho 2 tuần học đầu tiên. Các bản hướng dẫn dạy - học trực tuyến cho GV chủ nhiệm, GV bộ môn và HS cũng đã hoàn thành cùng với việc tập huấn cán bộ quản lý, GV…

 

Thầy Hiệu trưởng Trịnh Minh Trình theo dõi buổi tập huấn dạy trực tuyến.

Thầy Hiệu trưởng Trương Minh Trình theo dõi buổi tập huấn dạy trực tuyến.


Trường THCS Thái Nguyên (TP. Nha Trang) đã xây dựng được 40 phòng học ảo cho 40 lớp trên Google Meet, sẵn sàng cho GV bộ môn tương tác với HS theo thời khóa biểu. Các nhóm bộ môn cũng tạo các file bài giảng bằng PowerPoint lồng tiếng GV giảng để tải lên Google drive/YouTube cho các em không có điều kiện học trực tuyến. Trường sẽ tổ chức họp phụ huynh trực tuyến để thống nhất cách học và phối hợp quản lý, nhắc nhở, hướng dẫn HS cách thức, nội quy học trực tuyến.


Trường THCS Hùng Vương (thị xã Ninh Hòa) cũng đã xây dựng kế hoạch chuyên môn cho năm học; phân công GV chủ nhiệm, GV bộ môn, thời khóa biểu; liên hệ với VNPT để được cung cấp, giảng dạy trên phần mềm VNPT E-Learning, đầu tư nâng cấp đường truyền. Trường cũng liên hệ với HS, phụ huynh qua hệ thống vn.edu để nhắn tin tài khoản vào học trực tuyến… Huyện Cam Lâm đã hoàn thành tập huấn cho cán bộ quản lý và GV THCS; lập tài khoản cho các HS đã có hồ sơ điện tử…


Bộn bề khó khăn


Thầy Trương Minh Trình chia sẻ, tuy chuẩn bị chu đáo nhưng khi triển khai vẫn phát sinh tình huống, có thể thiết bị, đường truyền trục trặc, thao tác còn lúng túng. Đó là chưa kể giảng trực tuyến phải kiểm tra đường truyền, HS vào lớp nên thời gian bị hạn hẹp hơn. GV vừa phải chuẩn bị giáo án dạy trực tuyến, vừa phải chuẩn bị tài liệu chốt lại kiến thức cần học, gửi bộ phận chuyên môn duyệt rồi đẩy lên website cho HS không có điều kiện học trực tuyến hoặc gặp trục trặc lúc học. Cô Phan Thị Thảo Uyên - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Nguyên cho biết, việc mua sắm, nâng cấp các thiết bị phục vụ dạy học trực tuyến khó khăn do Nha Trang còn giãn cách xã hội. Hệ thống tín hiệu của nhà mạng cũng phải đảm bảo.

 

Phụ huynh TP. Nha Trang hướng dẫn con tập tham gia lớp học trực tuyến.

Phụ huynh TP. Nha Trang hướng dẫn con tập tham gia lớp học trực tuyến.


Bên cạnh đó, nhiều HS chưa quen học trực tuyến. Một số em không đủ trang thiết bị hoặc chưa có sách giáo khoa. HS lớp 6 còn khó khăn hơn vì các em mới chuyển lên cấp THCS, lại là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Thầy Phan Thành Chung - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền (TP. Nha Trang) chia sẻ, trở ngại lớn nhất là thông tin hai phía giữa HS lớp 6 và GV. Nhà trường chỉ biết HS qua danh sách tuyển sinh, chưa tiếp cận được phụ huynh. Trong hoàn cảnh giãn cách, chỉ có thể giao tiếp gián tiếp cần thiết có số điện thoại của phụ huynh.


Giáo dục mũi nhọn cũng có những khó khăn. Thầy Nguyễn Thọ Minh Quang - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn chia sẻ, mọi năm, vào dịp hè, các em được tham dự trại hè, được bồi dưỡng trực tiếp bởi các chuyên gia, giáo sư. Còn hè năm nay, các em chỉ được tập huấn trong tỉnh. Đây là một thiệt thòi lớn.


Thực hiện linh hoạt


Tuy vậy, với phương châm “HS tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, các trường vẫn đang nỗ lực thực hiện linh hoạt, sáng tạo kế hoạch giáo dục.


Trường THCS Nguyễn Hiền đã phân lớp, niêm yết danh sách HS kèm số điện thoại của GV chủ nhiệm lên website của trường để phụ huynh tiện liên lạc; đồng thời phối hợp với các trường tiểu học lấy số điện thoại của phụ huynh HS lớp 5 cũ. Trường cũng làm việc với Công ty Sách và Thiết bị trường học Khánh Hòa để đăng ký số lượng sách giáo khoa; thông báo trên website của trường về các loại sách lớp 6 trường đã chọn sử dụng để phụ huynh tự mua hoặc nhờ trường đặt mua giúp; đồng thời đăng tải đường dẫn sách giáo khoa điện tử lớp 6 lên website của trường. Nhà trường cũng yêu cầu GV họp lớp, họp phụ huynh trực tuyến; chuẩn bị tạo phòng học ảo, hướng dẫn GV, HS quản lý phòng học ảo, tập dượt nhận lớp, điểm danh, kiểm tra tình hình tiếp cận lớp của HS, từ đó tháo gỡ tiếp…


Ông Trần Nguyên Lập - Trưởng phòng GD-ĐT TP. Nha Trang cho biết, phòng đã chỉ đạo các trường trên địa bàn vừa phòng, chống dịch, vừa dạy học trực tuyến; chú ý tải tài liệu lên website của trường để HS có thể tiếp thu kiến thức cơ bản bằng nhiều cách. Đồng thời, đề xuất xem xét việc miễn, giảm học phí cho HS. Phòng cũng yêu cầu các trường lập danh sách HS khó khăn, không thể học trực tuyến để chuyển đơn vị cung cấp phần mềm có kế hoạch hỗ trợ việc học hoặc liên hệ chuyển tài liệu qua phụ huynh.


Huyện Cam Lâm sẽ tạm lập nhóm Zalo của phụ huynh HS lớp 6, đồng thời làm việc với đơn vị cung cấp phần mềm dạy học trực tuyến ưu tiên cấp tài khoản cho HS. Về sách giáo khoa, bên cạnh bản giấy, các trường gửi đường dẫn sách điện tử cho cha mẹ HS ở “vùng đỏ”, “vùng cam”. Hiện nay, huyện chỉ còn khó khăn với 381 HS dân tộc thiểu số. Các em hầu như không có thiết bị học trực tuyến; thầy cô lại chưa thể gửi tài liệu trực tiếp do các “vùng xanh” xen kẽ “vùng đỏ”, “vùng cam”, đi lại khó khăn.


Đối với giáo dục mũi nhọn, cuối tháng 9, tỉnh sẽ tổ chức kỳ thi chọn HS giỏi cấp tỉnh để thành lập đội tuyển tham dự kỳ thi HS giỏi quốc gia. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh sẽ có các phương án khác.


Dạy và học trực tuyến có thể còn nhiều trục trặc khi triển khai. Nhưng khi tất cả cùng quyết tâm tiếp thu, điều chỉnh, thầy và trò toàn tỉnh sẽ tiếp tục có các giải pháp khắc phục để dạy và học tốt. Chia sẻ của một GV THCS ở TP. Nha Trang với HS cũng là tiếng lòng chung của các thầy, cô giáo: “Chúng ta sẽ đồng hành cùng các con, nắm chắc tay các con, tập thích ứng với bối cảnh thực tại: học trực tuyến! Rồi trường học sẽ lại rộn ràng tiếng nói cười, mỗi ngày đến trường là một ngày vui thật sự!”.

 

Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở GD-ĐT: Sở đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các trường tổ chức học trực tuyến quy định cụ thể thời gian theo môn học, khối lớp học, GV thực hiện; chọn lọc kiến thức trọng tâm. GV chủ động xây dựng bài dạy trực tuyến bằng nhiều hình thức; đăng tải trên website của trường để HS tải về tự học. Với HS không có điều kiện học trực tuyến, tổ/nhóm chuyên môn, GV chuẩn bị tài liệu và hướng dẫn tự học (bản giấy) gửi tới HS. Các trường cần rà soát số HS gặp khó khăn về thiết bị, hoàn cảnh để hỗ trợ; linh hoạt giải pháp tiếp cận, giúp đỡ các em.


TIỂU MAI - THANH TRÚC