09:09, 15/09/2021

Kỳ 2: Xung phong vào tuyến đầu

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", đội ngũ y, bác sĩ ở các bệnh viện dã chiến vượt lên trên những khó khăn, kể cả nguy cơ cao bị lây nhiễm… để ngày đêm đồng hành cùng bệnh nhân chiến thắng bệnh Covid-19.

Kỳ 2: Xung phong vào tuyến đầu

 

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đội ngũ y, bác sĩ ở các bệnh viện (BV) dã chiến vượt lên trên những khó khăn, kể cả nguy cơ cao bị lây nhiễm… để ngày đêm đồng hành cùng bệnh nhân chiến thắng bệnh Covid-19.


Sẵn sàng lên đường


Ngày 7-8, sau khi nhận lời kêu gọi từ BV Đa khoa tỉnh, bác sĩ trẻ Nguyễn Minh Đức (Khoa Ngoại Tổng quát BV Đa khoa tỉnh) nhờ người bạn cắt vội mái tóc, gửi người vợ đang mang bầu 4 tháng cho ông bà ngoại để lên đường nhận công tác tại BV dã chiến số 7 - được thành lập vào đầu tháng 8, chuyển đổi công năng từ Khu ký túc xá Trường Cao đẳng Mẫu giáo Trung ương Nha Trang, điều trị cho những bệnh nhân F0.

 

Những phút giây thư giãn, tự động viên nhau của cán bộ y tế Bệnh viện dã chiến.

Những phút giây thư giãn, tự động viên nhau của cán bộ y tế Bệnh viện dã chiến.


Những ngày đầu tiên, bác sĩ Đức cùng với đội ngũ y, bác sĩ đến đây vừa chăm sóc bệnh nhân vừa hoàn thiện xây dựng BV. Họ phải tự tay làm tất cả các công việc từ chuyên môn đến chuẩn bị hậu cần cho bệnh nhân như: vận chuyển, khuân vác đồ đạc, dụng cụ, hàng hóa.... Bác sĩ Đức kể, 17 giờ ngày 7-8, BV tiếp nhận gần 100 bệnh nhân nhập viện. Ê-kíp hơn 31 người làm việc cho đến sáng; chưa kịp nghỉ ngơi, BV lại tiếp nhận thêm 150 bệnh nhân. Những ngày sau, lượng bệnh nhân nhập viện cũng nhiều như vậy. Cả đội ngũ y, bác sĩ đều phải thức trắng đêm. Hỏi chuyện, bác sĩ Đức không kể khó kể khổ bởi khi nhận nhiệm vụ đã xác định những khó khăn, vất vả và rủi ro sẽ gặp phải. “Điều tôi bận lòng nhất là vợ đang mang thai nhưng lại không có chồng ở bên cạnh để chăm sóc. Tôi cũng chỉ biết an ủi và động viên vợ hàng ngày qua điện thoại. Tôi hy vọng dịch bệnh sớm được khống chế để chúng tôi có thể về nhà, tôi được chứng kiến ngày con chào đời” - bác sĩ Đức tâm sự.


Không nằm trong danh sách cử đi, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Kim Tiên (Khoa Phụ sản, BV Đa khoa tỉnh) đã xung phong đăng ký tham gia làm việc tại BV Dã chiến số 7 với suy nghĩ giản đơn mong góp một phần sức trẻ của mình cho công tác chống dịch. Để thuận tiện cho công việc, điều dưỡng Tiên đã cắt đi mái tóc dài nuôi dưỡng hơn 10 năm. Gần 2 tháng nhận nhiệm vụ, chịu nhiều áp lực, rủi ro khi làm việc tại BV dã chiến, nhưng Tiên chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Bao nhiêu cái khó, cái khổ, Tiên không nhớ, nhưng lại nhớ nhất kỷ niệm ngày 16-8, ngày đầu tiên Tiên và đồng nghiệp trao giấy ra viện cho bệnh nhân, nhớ những ánh mắt rưng rưng hạnh phúc của người bệnh khi được về nhà.


Thời điểm giữa tháng 7, khi thị xã Ninh Hòa đang bùng phát dịch Covid-19 với số ca ngày càng tăng cao, Trung tâm Huấn luyện quốc phòng, Trường Sĩ quan Thông tin (thị xã Ninh Hòa) được chuyển thành cơ sở phụ của BV dã chiến số 5. Trong đêm 17-7, dưới sự kêu gọi của Sở Y tế, 3 bác sĩ và 6 điều dưỡng ở Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn tức tốc lên đường chi viện cho Ninh Hòa. Trong thời gian 2 tháng tham gia hỗ trợ công tác chữa trị F0 tại đây, trong bộ đồ “phi hành gia” và dưới cái nắng nóng của mùa hè, nhiều bác sĩ, y tá ngất xỉu khi vừa hết ca, có ngày chỉ chợp mắt được 2 tiếng. Thế nhưng, khi tỉnh lại, họ lại khoác lên mình bộ đồ bảo hộ tiến vào phòng cách ly tiếp tục điều trị cho bệnh nhân.

 
Chỗ dựa cho bệnh nhân


Nhiều bác sĩ trong các BV dã chiến chia sẻ rằng, điều khủng khiếp nhất của dịch Covid-19 không chỉ là chia cách tình thân, cắt đứt mọi giao tiếp xã hội mà còn đẩy những người bị nhiễm vào hoàn cảnh đơn độc, khi không có người thân chăm sóc bên cạnh. Vì vậy, các y, bác sĩ ở BV dã chiến không những hết lòng chăm sóc bệnh nhân, còn xem bệnh nhân như người thân trong gia đình, thường xuyên động viên giúp bệnh nhân lấy lại tinh thần để tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh.


Hai tháng trời ròng rã ở trong khu điều trị cho bệnh nhân F0 tại Bệnh viện dã chiến số 2 và thêm 14 ngày cách ly, bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Huệ - cán bộ y tế BV Lao và Bệnh phổi tỉnh được về thăm chồng con. Bác sĩ Huệ chia sẻ, hai tháng qua những giường bệnh không bao giờ trống, có ngày con số lên hơn 300 bệnh nhân nhưng đội ngũ y, bác sĩ đều nắm rõ bệnh trạng của từng bệnh nhân để khi họ có triệu chứng gì thì sẽ kịp thời điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp. Nhiều tháng trôi qua, niềm vui của bác sĩ Huệ cũng như các y, bác sĩ trong BV dã chiến là được thấy các bệnh nhân F0 phục hồi và xuất viện. Đã từng tham gia hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở Phú Yên nên khi nhận nhiệm vụ tại cơ sở 2 BV dã chiến số 7, bác sĩ Nguyễn Khắc Hoàng Lâm (BV Đa khoa tỉnh) chia sẻ: “12 giờ đêm, sau một ngày làm chưa kịp nghỉ tay thì lại có tin báo bệnh nhân chuyển nặng. Lúc này, chúng tôi phải gấp rút chuẩn bị mọi thứ để hỗ trợ bệnh nhân chuyển viện, vừa trấn an tâm lý cho họ. Còn việc tối, khuya, sáng sớm nhận được điện thoại thắc mắc, âu lo của bệnh nhân về tình trạng bệnh là chuyện thường ngày. Chúng tôi biết, tâm lý của bệnh nhân lúc này rất hoảng loạn. Vì vậy, chỉ cần họ thắc mắc hoặc cần hỗ trợ, giúp đỡ, chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn bất kể ngày đêm” - bác sĩ Lâm chia sẻ.

 

Khi quá mệt hành lang cũng là nơi nghỉ ngơi.

Khi quá mệt hành lang cũng là nơi nghỉ ngơi.


Có mặt tại BV dã chiến số 7 những ngày đầu tháng 9, chúng tôi được đội ngũ y, bác sĩ ở đây khoe những lá thư viết tay, tin nhắn của bệnh nhân F0 tri ân đội ngũ y, bác sĩ đã hết lòng chăm sóc họ trong thời gian điều trị. Trong những lá thư viết tay đó, có nét chữ của cô gái 18 tuổi, có bà mẹ đang mang bầu hay cụ bà 61 tuổi lần đầu tiên trong đời đi điều trị một mình không có người thân bên cạnh… Tất cả đều có một cảm xúc rưng rưng, xúc động. Bức thư của bệnh nhân N.C.H (TP. Nha Trang) gửi cho đội ngũ y, bác sĩ BV dã chiến số 7 có đoạn: “24 giờ mỗi ngày, tôi và những bệnh nhân chỉ ngồi trong phòng thì ngoài kia chúng tôi biết đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng hậu cần rất vất vả, dù mưa hay nắng vẫn ngày 3 bữa lo từng viên thuốc, miếng ăn cho từng bệnh nhân. Những ngày nắng nóng 37 - 38 độ, chúng tôi thấy trong bộ đồ bảo hộ kín bưng họ vẫn đang miệt mài làm công tác tiếp nhận bệnh nhân, đưa về từng phòng, lấy mẫu xét nghiệm, thăm khám bệnh và hỗ trợ kịp thời khi chúng tôi cần …”.


Chia tay đội ngũ y, bác sĩ ở BV dã chiến số 7, nhìn họ tập hợp dưới sân hát và nhảy vũ điệu rửa tay để hướng dẫn bệnh nhân phòng dịch, chúng tôi tin với sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, sự chung tay, đồng lòng của toàn xã hội, dịch Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi.

 

Hiện nay, toàn tỉnh thành lập 7 BV dã chiến và 5 cơ sở phụ. Trong đó, có 1 cơ sở điều trị riêng cho bệnh nhân nghiện ma túy mắc Covid-19. Từ ngày 22-7 đến nay, các BV dã chiến đã điều trị khỏi bệnh cho hơn 6.430 bệnh nhân, chiếm tỷ lệ hơn 85 % số ca mắc

___________________________________________


Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Trong suốt cuộc chiến chống dịch Covid-19, có rất nhiều cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế, các lực lượng công an, quân đội, cán bộ phục vụ các cơ sở y tế xét nghiệm điều trị, khu vực cách ly tập trung tại tuyến đầu đã gác lại niềm vui riêng, hi sinh lợi ích bản thân vì nhiệm vụ chung, nỗ lực nhiều hơn sức lực. Với sự cùng chung tay, chung sức đồng lòng đó, chúng tôi - đội ngũ y, bác sĩ tin tưởng rằng dịch Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi và cuộc sống mạnh khỏe, bình an vốn có trước đây của chúng ta sẽ quay trở lại”.


THẢO LY - THÁI THỊNH




Kỳ 1: Chạy đua cứu người