Khi đợt dịch bệnh lần thứ 4 xuất hiện trên địa bàn tỉnh, số ca mắc Covid-19 ngày càng tăng, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, y tá… tại các bệnh viện (BV) tạm gác lại chuyện gia đình, tạm xa cơ quan cũ sẵn sàng tăng cường cho các bệnh viện dã chiến. Dường như câu hát "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai…" là viết riêng về họ.
Khi đợt dịch bệnh lần thứ 4 xuất hiện trên địa bàn tỉnh, số ca mắc Covid-19 ngày càng tăng, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, y tá… tại các bệnh viện (BV) tạm gác lại chuyện gia đình, tạm xa cơ quan cũ sẵn sàng tăng cường cho các bệnh viện dã chiến. Dường như câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai…” là viết riêng về họ.
Kỳ 1: Chạy đua cứu người
Sau cánh cửa BV dã chiến số 1 - nơi tiếp nhận điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng và nguy kịch là cuộc chạy đua từng phút cứu người của các y, bác sĩ…
Một ngày ở ICU
8 giờ sáng, sau khi trang bị xong đồ bảo hộ, ê-kíp bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng và nguy kịch tại BV dã chiến số 1 (đặt tại BV Bệnh nhiệt đới tỉnh) bước vào Phòng Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU). Tại đây đang chăm sóc những bệnh nhân rất nặng, suy hô hấp kèm theo suy chức năng các cơ quan hoặc hôn mê cần thở máy. Đây là nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, cũng là nơi các y, bác sĩ dốc sức không ngừng nghỉ trong cuộc chiến giành giật sự sống cho các bệnh nhân.
Như mọi ngày, 25 giường bệnh đều kín bệnh nhân. Vào ca, mỗi người một nhiệm vụ. Ê-kíp 2 bác sĩ tới từng giường kiểm tra tình trạng bệnh nhân, ra thêm một số chỉ định trong điều trị. Sau khi thực hiện xong các y lệnh của bác sĩ, các điều dưỡng vệ sinh cá nhân, thay quần áo, tã lót cho từng bệnh nhân; truyền thức ăn qua đường ống cho những bệnh nhân hôn mê thở máy, đút từng muỗng cháo cho các bệnh nhân còn tỉnh táo…
8 tiếng đồng hồ của 1 kíp trực, âm thanh được nghe nhiều nhất chính là tiếng rì rì đều đều của máy thở, máy theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân, cùng với những tiếng vỗ lưng của điều dưỡng giúp bệnh nhân thông nhuận sau khi ăn. Thi thoảng, lại vang lên tiếng bước chân dồn dập, gấp gáp của ê-kíp thực hiện các bước hồi sức cho bệnh nhân khi họ trở nặng. Và có cả những giọt nước mắt lặng lẽ của y, bác sĩ khi chứng kiến bệnh nhân ra đi…
Ngày 5-9, bước ra từ phòng trực, đôi mắt của điều dưỡng Lương Thị Ánh Ly đỏ hoe nhưng không phải khóc vì chứng kiến bệnh nhân ra đi mà vui mừng khi 2 bệnh nhân rất nặng được chị chăm sóc thường xuyên đã tỉnh táo, không còn hôn mê. “Làm việc trong môi trường phải đối mặt với căng thẳng, áp lực và các tình huống đau lòng, mỗi nhân viên y tế nơi đây đều xem người bệnh như người thân của mình” - điều dưỡng Ánh Ly chia sẻ. Cuối tháng 7, điều dưỡng Ánh Ly cùng với điều dưỡng Đặng Thị Nhung, Nguyễn Thị Huyền của BV Đa khoa Khu vực Cam Ranh xung phong đăng ký hỗ trợ cho BV dã chiến số 1. Tuy làm ở môi trường BV nhiều năm, nhưng khi được bố trí làm việc ở ICU, cả 3 mới cảm nhận rõ sự khốc liệt của dịch bệnh Covid-19. “Chứng kiến nhiều bệnh nhân ra đi vì dịch bệnh, thay người thân tiễn biệt họ lần cuối… chúng tôi càng quyết tâm dốc hết sức lực để giành lại sự sống cho bệnh nhân” - điều dưỡng Huyền nói.
Một ngày trong phòng ICU, chúng tôi cảm nhận nơi đây không có khái niệm về thời gian. Ở trong môi trường F0 vây quanh, chỉ cần sơ suất nhỏ trong phòng hộ cá nhân là có thể bị lây nhiễm bệnh, đặc biệt là khi cấp cứu hay thực hiện thủ thuật đặt nội khí quản cho bệnh nhân ngừng hô hấp hoặc khó thở. Áp lực, vất vả là thế, nhưng chúng tôi chưa từng nghe lời than khổ từ đội ngũ y, bác sĩ. Ở đây, chỉ thấy sức chiến đấu bền bỉ của họ để cố duy trì từng hơi thở của bệnh nhân.
Bác sĩ Lý Thế Huy xung phong nhận nhiệm vụ tại BV dã chiến số 1, giữ chức vụ Phó Giám đốc BV từ đầu tháng 7. Bác sĩ Huy đã làm việc hơn 10 năm ở ICU BV Đa khoa tỉnh, đã chứng kiến nhiều ca không cấp cứu được nhưng khi chứng kiến sự ra đi quá nhanh và đột ngột của những bệnh nhân mắc Covid-19, anh vẫn lau vội những giọt nước mắt. “Ở phòng ICU tuy có nhiều thiết bị hiện đại để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân, nhưng trong giai đoạn này vẫn không đủ, đặc biệt là máy thở. Ê-kíp điều dưỡng đã được tăng cường, nhưng 8 người chăm cho 30 bệnh nhân áp lực vẫn rất lớn. BV rất cần sự viện trợ về thiết bị, vật tư y tế cũng như huy động thêm lực lượng nhân viên y tế ở các đơn vị trong toàn tỉnh. Điều rất đáng mừng là gần đây, BV được tiếp nhận một số lượng lớn thuốc điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng. Hy vọng, thời gian tới, số ca tử vong sẽ giảm”, bác sĩ Huy tâm sự.
Niềm vui trở về
Sau 21 ngày nằm viện điều trị Covid-19 và trở về nhà được 15 ngày, đến nay, sức khỏe ông B.P.K (68 tuổi, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) đã cơ bản hồi phục, nhưng việc đi lại vẫn phải dựa vào chiếc xe lăn. Vợ chồng ông bị lây nhiễm Covid-19 từ một người làm việc trong nhà. Do vợ chồng ông triệu chứng nặng nên được chuyển đến BV Dã chiến số 1. Ông K. có nhiều bệnh nền như: Tiểu đường, ghép thận, huyết áp… nên khi mắc Covid-19 đã khiến sức khỏe ông suy giảm nhanh chóng, ranh giới giữa sự sống và cái chết thực sự mong manh. “Tôi vượt qua được là một điều thần kỳ, đã có thời điểm, tim tôi ngừng đập. Các bác sĩ đã nỗ lực để tim tôi có nhịp đập trở lại. Trong những ngày nằm viện, các y, bác sĩ xem tôi như người thân, đút cho tôi ăn từng muỗng cháo, hộp yến. Tôi không thể đi lại nên việc vệ sinh cá nhân đều ở giường bệnh. Các y, bác sĩ đều trợ giúp nhiệt tình, thường xuyên động viên tinh thần để tôi có thể khỏi bệnh về nhà”, ông Kiệt xúc động nói.
Bà P.T.T.H (51 tuổi, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) cũng là một bệnh nhân F0 vừa trải qua 22 ngày điều trị Covid-19 trong BV dã chiến số 1 hiện đã khỏe mạnh. Trò chuyện với chúng tôi, giọng nói bà vẫn còn run run: “Nếu không được các y, bác sĩ, điều dưỡng trong BV dã chiến tận tình cứu chữa và động viên tinh thần, chắc giờ này tôi không thể trở về nhà với chồng con”. Bà H. mở quán bán hàng, có khách là F0 vào mua hàng lây nhiễm cho vợ chồng bà và 2 con. Chồng và các con triệu chứng nhẹ nên được điều trị ở BV dã chiến số 3. Bà H. bị nặng hơn nên được đưa đi điều trị tại BV dã chiến số 6, sau đó chuyển lên BV dã chiến số 1. Bà H. có tiền sử hạ đường huyết, tim hở 2 lá nên 18 ngày ở BV hầu như lúc nào cũng có máy thở sát bên, có thời điểm bác sĩ không lấy được máu xét nghiệm. Hàng ngày, bác sĩ phải dùng kỹ thuật vỗ rung để tăng cường khả năng hô hấp cho bà. “Tôi được các y, bác sĩ cứu chữa rất tận tình. Không có người thân bên cạnh, các y, bác sĩ đi xin yến, sữa về đút cho tôi ăn, động viên tôi cố gắng để vượt qua” - bà H. xúc động kể.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” câu hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn như nói về những chiến sĩ áo trắng nơi đây - họ sẵn sàng chấp nhận xa người thân, tạm gác những nỗi niềm, tình cảm riêng tư để vào tâm dịch, với mong muốn đẩy lùi dịch bệnh, trả lại sự bình yên cho nhân dân.
THẢO LY - THÁI THỊNH
Kỳ 2: Xung phong vào tuyến đầu