Thời gian qua, từ nguồn Quỹ vì người nghèo của tỉnh Khánh Hòa và Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" thông qua UBMTTQ Việt Nam tỉnh và Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh, hàng ngàn ngôi nhà tạm, dột nát của người dân đã được thay thế bằng những ngôi nhà mới khang trang. Tuy nhiên, trong quá trình đó, đã xuất hiện một số bất cập cần chấn chỉnh để tiếp tục giúp các hộ nghèo an cư lạc nghiệp.
Thời gian qua, từ nguồn Quỹ vì người nghèo của tỉnh Khánh Hòa và Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” thông qua UBMTTQ Việt Nam tỉnh và Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh, hàng ngàn ngôi nhà tạm, dột nát của người dân đã được thay thế bằng những ngôi nhà mới khang trang. Tuy nhiên, trong quá trình đó, đã xuất hiện một số bất cập cần chấn chỉnh để tiếp tục giúp các hộ nghèo an cư lạc nghiệp.
Kỳ 1: Những ngôi nhà nhân ái
Chính sách xây nhà cho người nghèo đã thực sự là nguồn động lực to lớn giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh thực sự khó khăn về nhà ở. Mỗi căn nhà được bàn giao như trao gửi niềm tin, giúp người dân nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo.
Niềm vui trong ngôi nhà mới
Băng qua những con đường đất ngoằn ngoèo, um tùm bởi cỏ dại và rẫy keo, chúng tôi được cán bộ Hội CTĐ xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) đưa đến thăm lại gia đình anh Cao Văn Sen (người dân tộc Raglai) ở thôn Sông Búng. Những ai đã một lần chứng kiến nơi ở của vợ chồng anh Sen trước đây mới hiểu được niềm vui vỡ oà khi gia đình anh dọn về ngôi nhà mới. Căn nhà cũ trước đây chỉ vỏn vẹn 15m2, được che chắn bởi những tấm liếp trên nền đất lồi lõm. 4 miệng ăn trông chờ vào tiền công của anh Sen làm thuê cho các hộ trồng keo trong vùng, nhưng ngày làm ngày nghỉ, lo cái ăn còn không đủ nên anh Sen không dám mơ về một ngôi nhà xây kiên cố. “Được Hội CTĐ tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà mới, gia đình tôi phấn khởi lắm! Giờ đây, gia đình tôi không còn lo thiếu chỗ ngủ khi trời mưa”, anh Sen chia sẻ.
Nhớ về những ngày đã qua, anh Trần Văn Xuân (thôn Đại Điền Trung 2, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) kể, trước đây, gia đình anh ở thị trấn Diên Khánh, vì nghèo nên vợ anh đã chia tay. Anh dắt díu con đến xã Diên Điền xin những tấm tôn cũ, tận dụng từng cây cột dựng căn nhà tạm trên mảnh đất người thân cho mượn. Thời gian trôi qua, căn nhà ngày càng cũ nát, mưa thì dột, nắng thì nóng. Với đồng lương công nhân ít ỏi, anh Xuân không dám nghĩ chuyện làm nhà. Năm 2020, xét hoàn cảnh của anh, UBMTTQ Việt Nam xã Diên Điền đã hỗ trợ làm giấy tờ đất, đồng thời đề xuất Mặt trận huyện trích nguồn kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng để anh Xuân xây nhà mới. “Cha con tôi không dám tin có ngày lại được ở trong căn nhà khang trang này. Từ đây, tôi sẽ cố gắng làm việc để có thêm thu nhập lo cho con học hành đến nơi đến chốn” - anh Xuân cho biết. Ngoài số tiền được hỗ trợ 50 triệu đồng, tiền tiết kiệm, anh còn vay thêm ngân hàng để cùng góp phần xây căn nhà mới.
Hai trường hợp nêu trên chỉ là rất ít trong số hàng ngàn hộ nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát từ chương trình có ý nghĩa nhân văn - xây nhà cho người nghèo của các cấp, ngành, đoàn thể.
An cư lạc nghiệp
Đối với gia đình chị Võ Thị Tuyết Nga (thôn 5, xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh), ngôi nhà đại đoàn kết là “đòn bẩy” giúp gia đình chị có động lực vươn lên trong cuộc sống. Sau khi cưới, vợ chồng chị được bố mẹ cho ở riêng, nhưng nghèo quá nên cũng chỉ có nhà vách đất lợp tôn. Năm 2017, cơn bão số 12 đã san bằng ngôi nhà khiến gia đình chị không còn nơi ở. Cuối năm 2018, được UBMTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ 40 triệu đồng, anh em trong gia đình cho vay thêm, vợ chồng chị đã mạnh dạn xây căn nhà mới với chi phí hơn 140 triệu đồng. Chồng chị đi chặt keo thuê nên phải theo các chủ vườn tới những vùng sâu, vùng xa, có khi 2 - 3 tháng mới về. Chị Nga ở nhà chăm sóc 2 con nhỏ và chăn nuôi thêm gà, vịt. Từ khi có ngôi nhà kiên cố, chồng chị bớt nỗi lo cho vợ con mỗi mùa mưa bão đến khi bản thân đi làm ăn xa. “An cư lạc nghiệp”, giờ đây trong ngôi nhà rộng rãi khang trang, gia đình chị đã có thêm những vật dụng như: Ti vi, tủ lạnh, máy giặt…
Ngôi nhà mới là dấu mốc chứng kiến sự đổi thay của gia đình bà Trần Thị Nhiều (thôn Đại Điền Đông 2, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh). Từ một hộ nghèo trong thôn, giờ đây, gia đình bà đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Bà Nhiều bị khuyết tật vận động nặng, đi lại khó khăn, bệnh đau liên tục, tuy có nghề làm nhang thủ công nhưng ngày làm ngày nghỉ nên thu nhập cũng chẳng được là bao. Năm 2017, được Hội Cựu chiến binh tỉnh hỗ trợ 60 triệu đồng và sự giúp đỡ của người thân, làng xóm, gia đình bà đã xây căn nhà mới thay thế cho căn nhà cũ dột nát. Mặt trận và các ngành, đoàn thể xã còn giúp đỡ gia đình bà được vay vốn tín dụng chính sách cho học sinh, sinh viên để có tiền lo cho các con ăn học và vay 50 triệu đồng để phát triển kinh tế. Có vốn, bà đã mua máy trộn bột và máy se nhang, kết hợp đầu tư mấy sào ruộng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, cuộc sống gia đình bà dần khá hơn, 2 người con của bà đã tốt nghiệp đại học và có việc làm.
Ông Hoàng Kỳ Vũ - Bí thư Đảng ủy xã Diên Đồng cho biết, địa phương là vùng kinh tế mới nên số hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã rất nhiều. Nhờ vào chủ trương, chính sách hỗ trợ xây nhà cho người nghèo của các cấp, ngành đã tạo động lực thoát nghèo bền vững, giúp các hộ vươn lên trong cuộc sống. Theo ông Mai Tấn Hiệp - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Diên Điền, nhà ở dân cư là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Hiện nay, xã Diên Điền đang quyết tâm đạt xã nông thôn mới nâng cao nên chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những nhiệm vụ được Đảng bộ và chính quyền quan tâm. Nhờ nguồn lực, sự giúp đỡ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các doanh nghiệp, cộng đồng…, đến nay, Diên Điền đã cơ bản xóa xong nhà tạm. Có nhà ở ổn định, người dân yên tâm tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Cả cộng đồng chung tay
Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo là một chủ trương lớn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự chăm lo đời sống các đối tượng yếu thế. Vì vậy, từ tỉnh đến huyện, xã, từ cơ quan nhà nước đến khối doanh nghiệp, ngân hàng… đều có sự đồng lòng, chung tay vì những mái ấm nghĩa tình cho người nghèo.
Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tỉnh, thời gian qua, Hội CTĐ đã phát huy vai trò cầu nối đưa những mái ấm nhân ái đến với người nghèo trên địa bàn tỉnh. Ông Phan Đình Huân - Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết, giai đoạn 2016-2021, hội đã làm đầu mối, nhận tài trợ của các tổ chức, mạnh thường quân để xây hơn 500 căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; mức hỗ trợ bình quân 50 triệu đồng/căn nhà, nhưng có một số trường hợp do quá khó khăn nên hội đã trao đổi với đơn vị tài trợ hỗ trợ đến 100 triệu đồng/căn.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hoà, từ năm 2012 đến nay, ngành Ngân hàng đã hỗ trợ xây 1.391 nhà tình nghĩa cho người dân địa phương với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Bà Huỳnh Thị Kim Dung - Giám đốc VietinBank Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, giai đoạn 2016-2021, VietinBank đã hỗ trợ 15,85 tỷ đồng để xây dựng 317 căn nhà cho người nghèo trên địa bàn tỉnh. Công ty Xăng dầu Phú Khánh cũng thường xuyên tham gia các chương trình vì người nghèo ở địa phương. Năm 2018, công ty đã hỗ trợ tỉnh xây dựng 140 căn nhà đại đoàn kết cho người dân trên địa bàn thị xã Ninh Hòa với số tiền 7 tỷ đồng (mỗi căn nhà trị giá 50 triệu đồng với diện tích tối thiểu 42m2)…
Kết quả thực hiện chính sách nhân văn đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo có nhà ở ổn định để yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thông qua việc triển khai thực hiện chính sách, đã khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp đỡ trong cộng đồng theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở”. Việc vận động, hướng dẫn người nghèo tích cực tham gia xây dựng nhà ở cho chính mình còn giúp họ chủ động, tự tin vươn lên để từng bước thoát nghèo bền vững.
Bà Huỳnh Thị Phượng - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh: Để người nghèo có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống, thời gian qua, ngoài vận động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, Ngày Vì người nghèo, UBMTTQ Việt Nam tỉnh còn trực tiếp vận động các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn ủng hộ. 5 năm qua, Quỹ Vì người nghèo của tỉnh đã hỗ trợ xây mới hơn 1.417 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hơn 66 tỷ đồng; sửa chữa 2.456 nhà với tổng kinh phí gần 17,6 tỷ đồng. Liên đoàn Lao động tỉnh với chương trình “Mái ấm công đoàn” đã hỗ trợ xây dựng 134 nhà, sửa chữa 17 nhà. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với chương trình “Mái ấm tình thương” đã hỗ trợ xây mới 233 nhà, sửa chữa 210 nhà với tổng kinh phí hơn 15,5 tỷ đồng… |
Nhóm phóng viên
Kỳ 2: Còn đó những nỗi niềm