10:08, 16/08/2021

Kỳ 3: Niềm tin chiến thắng…

Trong cuộc chống Covid-19, để giành được lợi thế, lãnh đạo tỉnh xác định, vắc xin cho toàn dân là "vũ khí" quyết định cùng với 5K  sẽ chế ngự Covid-19.

Kỳ 3: Niềm tin chiến thắng…

 

Trong cuộc chống Covid-19, để giành được lợi thế, lãnh đạo tỉnh xác định, vắc xin cho toàn dân là “vũ khí” quyết định cùng với 5K  sẽ chế ngự Covid-19.


Nỗ lực tìm nguồn vắc xin


Có mặt trong những cuộc họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 mới thấu hiểu được mức độ tiêu tốn vật tư y tế để ngăn chặn dịch bệnh cũng như những nỗ lực của lãnh đạo tỉnh trong việc tìm nguồn kit test, vắc xin nhằm phục vụ công tác chống dịch của tỉnh. Hơn ai hết, lãnh đạo tỉnh xác định, chỉ có 5K + vắc xin  mới là hướng đi lâu dài trong cuộc chiến này. Trong đó, tiêm vắc xin phòng Covid-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe toàn dân, ngăn chặn đại dịch, tiến tới tạo miễn dịch cho cộng đồng. Theo tính toán, tỉnh Khánh Hòa có gần 850.000 người từ 18 tuổi trở lên, tương đương khoảng 1,7 triệu liều vắc xin.

 

Nhiều doanh nghiệp ủng hộ tiền vào Quỹ  vắc xin của tỉnh.

Nhiều doanh nghiệp ủng hộ tiền vào Quỹ vắc xin của tỉnh.


Để làm được điều này, bên cạnh nguồn vắc xin được phân bổ, tỉnh chủ động liên hệ các nguồn khác nhằm có được lượng vắc xin nhiều nhất để tiêm cho người dân. Đến cuối tháng 7, tỉnh tiếp nhận 42.000 liều vắc xin Moderna và 5.850 liều vắc xin Pfizer từ Bộ Y tế. Đến đầu tháng 8, số vắc xin tỉnh có được khoảng hơn 80.000 liều. Tỉnh đã có chủ trương sử dụng ngân sách để mua vắc xin tiêm sớm cho người dân. “Khánh Hòa đã đặt mua 500.000 liều vắc xin Nanocovax. Sắp tới, tỉnh cũng sẽ chủ động liên hệ tìm kiếm thêm nguồn vắc xin chứ không chỉ trông chờ nguồn vắc xin Trung ương phân bổ”, ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết.


Khi có vắc xin, UBND tỉnh đã yêu cầu cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành tiêm chủng. Theo kế hoạch, việc triển khai tiêm sẽ diễn ra từ ngày 28-7, tuy nhiên, ngay khi tiếp nhận vắc xin, ngày 23-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã lập tức triển khai tiêm cho các đối tượng ưu tiên. Đồng thời, huy động các bệnh viện trên địa bàn cùng tham gia tiêm chủng. Bình quân mỗi điểm tiêm cho khoảng 400 người/ngày. Ông Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, toàn tỉnh đã thành lập 26 điểm tiêm với 37 bàn tiêm. Tất cả điểm tiêm được bố trí tại các trung tâm, bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực. Ngành Y tế đã thành lập các đội cấp cứu lưu động với số lượng tương đương số lượng điểm tiêm chủng. Các đội này sẽ thường trực sẵn sàng xử lý các tình huống, diễn biến bất thường sau tiêm chủng xảy ra nếu có. Tới đây, nếu vắc xin về nhiều, ngành có thể tập huấn triển khai nhiều điểm tiêm hơn.


“Lá chắn thép” trong phòng, chống dịch


Tuy đã rất nỗ lực nhưng lượng vắc xin hiện có vẫn quá ít so với dân số Khánh Hòa. Trong khi chờ đợi vắc xin, ý thức, trách nhiệm của người dân vẫn là “lá chắn thép” trong phòng, chống dịch Covid-19. Tại cuộc họp ngày 10-8, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông và các địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân tuân thủ việc giãn cách xã hội và các giải pháp phòng, chống dịch. Người dân hạn chế ra ngoài, không tụ tập và tiếp xúc với nhiều người để hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, từ đó từng bước khống chế và đẩy lùi dịch bệnh.

 

Tiêm vắc xin cho người lao động.

Tiêm vắc xin cho người lao động.


Mới đây, tỉnh đã phát động phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng địa bàn an toàn trong phòng, chống Covid-19”. Phát biểu tại lễ phát động, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh: “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch. Mỗi xã, phường, thị trấn, mỗi thôn, tổ dân phố và mỗi gia đình là một pháo đài phòng, chống dịch; phát huy vai trò hạt nhân phong trào của các tổ tự quản tại từng thôn, tổ dân phố. Đồng thời, tôi cũng kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động áp dụng các biện pháp xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mình trở thành nơi an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sớm đưa tỉnh Khánh Hòa trở lại trạng thái bình thường mới…”.


Chạy đua điều chế vắc xin


Trong những ngày này, có một lực lượng vẫn âm thầm chạy đua với cuộc chiến chống Covid-19, đó chính là những nhà khoa học điều chế vắc xin phòng Covid-19 “made in Việt Nam”, do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) đóng tại Nha Trang nghiên cứu. Dự án nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin Covivac của IVAC được nghiên cứu từ tháng 5-2020 trên cơ sở hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế. Vắc xin Covivac đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 từ ngày 15-3-2021 cho 120 tình nguyện viên. Trong quá trình nghiên cứu, các tình nguyện viên được theo dõi sức khỏe, đánh giá an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin. Mới đây, vắc xin Covivac đã thử nghiệm giai đoạn 2 với số lượng 375 tình nguyện viên. Giai đoạn này sẽ nghiên cứu tính an toàn và tính sinh miễn dịch trên 2 nhóm vắc xin với các mức liều cho kết quả tốt nhất chọn được từ giai đoạn 1. Giai đoạn 3 dự kiến được triển khai cuối năm 2021. Nếu các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thuận lợi, cho kết quả tốt, vắc xin Covivac có thể được cấp phép sử dụng vào đầu năm 2022 với công suất khoảng 6 triệu liều/năm và có thể mở rộng công suất sản xuất lên 30 triệu liều.


Tiến sĩ Dương Hữu Thái - Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế khẳng định, nếu thành công thì vắc xin Covivac của IVAC sẽ có giá thành phù hợp với mức thu nhập của người Việt Nam. Ngay từ lúc chuẩn bị nghiên cứu, IVAC đã hướng đến tiêu chí hàng đầu là vắc xin giá rẻ, bảo đảm chất lượng để phục vụ nhân dân. Mục tiêu của IVAC là sản xuất vắc xin để phục vụ công tác phòng, chống dịch của quốc gia chứ không đặt nặng yếu tố thương mại. “Với cơ sở vật chất hoàn thiện, nhân lực có kinh nghiệm, công nghệ, dây chuyền sản xuất vắc xin có sẵn, chúng tôi hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin Covivac. Đội ngũ cán bộ khoa học của viện cố gắng đẩy nhanh quá trình nghiên cứu để vắc xin có thể sớm được sản xuất dựa trên các bước thử nghiệm nghiêm ngặt. Hi vọng khi sản xuất đại trà, vắc xin Covivac của IVAC sẽ có giá thấp, góp phần vào việc phòng, chống dịch Covid-19. Vẫn còn nhiều thử thách ở phía trước, song chúng tôi có niềm tin và quyết tâm trên cơ sở năng lực hiện có sẽ sớm đưa vắc xin Covivac đến người dân”, Tiến sĩ Dương Hữu Thái chia sẻ.


Niềm tin chiến thắng


Đến thời điểm hiện nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát tại một số địa phương. Tuy nhiên, ngay từ đầu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định đây mới chỉ là giai đoạn đầu của cuộc chiến chống Covid-19. Muốn cộng đồng có được kháng thể miễn dịch, trong vài năm tới, vắc xin vẫn phải đóng vai trò then chốt. Vì thế, cùng với bố trí ngân sách để mua vắc xin, tỉnh đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp cho quỹ vắc xin của tỉnh.


Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã đứng ra kêu gọi hỗ trợ các trang thiết bị y tế để phục vụ cho các bệnh viện dã chiến. Mới đây, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của tỉnh đã có thư ngỏ kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công lập, ngoài công lập các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, các nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu, các lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hãy chung sức, đồng lòng, tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch của tỉnh. Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của tỉnh xác định: “Hiện tại, được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, công tác phòng, chống dịch đang được tích cực thực hiện. Vậy nhưng, sự lây nhiễm SARS-CoV-2 vẫn còn phức tạp, công tác phòng, chống dịch, điều trị, tiêm chủng vắc xin Covid-19 gặp nhiều khó khăn, quá tải. Tình hình trước mắt nếu có được khống chế thì dịch bệnh chắc chắn vẫn sẽ còn kéo dài. Vì vậy, cần xác định đây là “cuộc chiến” dài hơi, cần sự chung tay của cả cộng đồng, từ nhân lực cho tới vật lực. Mục tiêu đầu tiên, từ nay đến cuối năm, chúng ta sẽ có 1,7 triệu liều vắc xin, đủ tiêm cho 90% người từ 18 tuổi trở lên. Cùng với đó, bằng tinh thần tương thân tương ái, tấm lòng yêu thương đồng bào, cũng mong mọi người chung tay hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch, tư vấn và trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh trên địa bàn tỉnh”.


Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn, khó khăn vẫn còn nhiều. Chỉ có kiểm soát được dịch, chúng ta mới có điều kiện để duy trì sản xuất, kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trước mắt. “Cùng với sự đồng lòng, nhất trí của cả xã hội và quan điểm chỉ đạo nhất quán, đúng đắn của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong phòng, chống dịch; với niềm tin vào sự quyết tâm của các cấp chính quyền, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng công an và quân đội, các cán bộ tham gia phòng, chống dịch và đặc biệt là niềm tin, sự kỳ vọng đối với mỗi người dân, tôi tin tưởng rằng quê hương Khánh Hòa sẽ trở lại những ngày bình thường, vượt qua dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, ổn định và phát triển”, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ.


ĐÌNH LÂM - XUÂN THÀNH